Xã hội

Đại lễ cầu siêu nạn nhân TNGT tử vong: Giàu thông điệp nhân văn

13/11/2016, 12:46
image

Ngày 13/11, Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT diễn ra tại chùa Trình, Yên Tử, Quảng Ninh.

dai-le-cau-sieu4

Các đại biểu tham dự khóa lễ cầu nguyện cho nạn nhân TNGT đã tử vong 

Ngày 13/11, tại chùa Trình, Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) đã diễn ra Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT do Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia và Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức. Đại lễ cầu siêu thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử và người nhà nạn nhân TNGT.

Tham dự Đại lễ cầu siêu có bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa; các Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Nguyễn Văn Công; Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long. Phía đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

dai-le-cau-sieu2

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, đây là năm thứ năm Ủy ban ATGT Quốc gia và TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì TNGT 

Đại lễ cầu siêu với tinh thần “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại” chuyển tải rất nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa và thiết thực. Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cho biết, đây là năm thứ năm Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức tôn giáo hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tổ chức các hoạt động hướng tới ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT, trong đó có Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì TNGT do TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì.

“Đây là một sự kiện đặc biệt, là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ niềm xót thương với những người không may qua đời khi tham gia giao thông; cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và hãy làm tất cả những gì có thể để góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho bản thân và cho xã hội, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

dai-le-cau-sieu1

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi Tăng ni Phật giáo đồ cả nước cùng với cộng đồng xã hội chấp hành nghiêm pháp luật TTATGT

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đối với đạo Phật, vấn đề nhân quả là chính. Từ đó, nếu áp dụng luật nhân quả, chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn. Lùi đi một bước, thoát được tai ương”. Người điều khiển phương tiện giao thông phải có sự tỉnh thức, chính niệm. Nói khác đi, nếu tôn trọng luật pháp, luật giao thông thì không phải chịu quả báo xấu, đưa đến tán thân, mất mạng, đau thương, tang tóc, chia ly mà sẽ bảo vệ được tính mạng cho chính mình, cho người khác và cộng đồng xã hội, tạo được nét đẹp văn hóa, văn minh, ATGT trên mọi nẻo đường đất nước Việt Nam.

“Qua Đại lễ tưởng niệm cầu siêu này cũng là thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến Tăng ni Phật giáo đồ cả nước lời nhắn nhủ mọi người hãy cùng với cộng đồng xã hội, hãy vì cuộc sống bình yên cho chính mình..., nỗ lực thực hành đúng luật pháp, ATGT để bảo vệ tính mạng của chính mình và mọi người, giảm thiểu tối đa TNGT trong thời gian tới. Đó chính là ý nghĩa thiết thực, hành động cụ thể của chúng ta đối với những người đã khuất cũng như những người còn sống trong một xã hội văn minh, an toàn tuyệt đối do con người chúng ta tạo nên”, Thượng tọa nói.

Nước mắt tuôn rơi từ lúc đặt chân vào cổng chùa Trình, Yên Tử, bà Dương Thị Nhi (xã Cẩm La, Tx. Quảng Yên) cho hay, con trai bà Nguyễn Văn Long mất cách đây 12 ngày vì TNGT đường thủy. “Hai vợ chồng cháu cùng con nhỏ đang ở trên tàu cá, thì một tàu to chạy ẩu tràn sóng nước hất nghiêng chiếc thuyền nhỏ của hai vợ chồng, khiến cả hai rơi xuống sông. Lúc đầu chiếc tàu chạy vụt qua không quay lại, cháu nội tôi thấy bố mẹ bị hất văng xuống nước khóc thét lên, tàu mới quay lại cứu được con dâu tôi, còn con trai tôi đã vĩnh viễn ra đi, để lại hai cháu nhỏ côi cút…”, bà Nhi gạt nước mắt.

dai-le-cau-sieu6

Bà Nhi khóc thương con trai tử nạn vì TNGT đường thủy cách đây 12 ngày

Tiếng chuông cầu siêu cất lên, cũng là lúc người thân nạn nhân TNGT rơi trào nước mắt. Bà Nguyễn Thị Nụ (quận Long Biên, Hà Nội) nghẹn ngào cho hay, con trai bà mất đã 15 năm nay, bà đã đi rất nhiều nơi để cầu cho con được siêu thoát.

“Từ khi Giáo hội Phật giáo và Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức Đại lễ cầu siêu cho tất cả nạn nhân TNGT thiệt mạng, tôi không còn phải đi cầu siêu đơn lẻ và cũng không chỉ cầu cho mỗi con mình nữa, mà tôi mong mọi nạn nhân TNGT đã tử vong đều siêu thoát. Đến những Đại lễ cầu siêu này, tôi còn được gặp gỡ các người thân nạn nhân TNGT khác, cảm thấy được chia sẻ, vơi bớt nỗi đau”, bà Nụ tâm sự.

dai-le-cau-sieu3

Tổ chức trao quà từ Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông cho 10 người nhà nạn nhân TNGT tử vong có hoàn cảnh khó khăn 

Cũng trong chương trình Đại lễ cầu siêu, Báo Giao thông đã trao 10 phần quà (mỗi phần trị giá 2 triệu đồng) cho người thân nạn nhân thiệt mạng do TNGT có hoàn cảnh khó khăn, trích từ Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo. Sau đó, các đại biểu tham dự lễ phóng sinh, thả chim bồ câu vì hòa bình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.