Bạn cần biết

Dân các nước thu nhập thấp đang gánh chịu hậu quả do thuốc lá

26/11/2018, 08:04

Người dân các nước có thu nhập thấp đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật... do thuốc lá.

thuoc-lá

Người hút thuốc lá thụ động cũng dễ mắc bệnh thiếu máu cục bộ tim... (Ảnh minh họa)

Mỗi năm có 900 nghìn ca tử vong do hút thuốc lá thụ động

Theo WHO, nạn dịch thuốc lá toàn cầu hiện đang giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, trong đó bao gồm 900 nghìn ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Cùng với các tổn thất về sức khỏe, sử dụng thuốc là còn gây tổn thất về kinh tế, là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói. Cũng theo thống kê của WHO, trong thế kỷ XX đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trên thế giới.

Những năm gần đây, ở Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá, năm 2017 người Việt Nam phải chi hơn 31 nghìn tỷ mỗi năm cho việc mua thuốc lá. Chi phí điều trị cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 24 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Với chủ đề năm 2018 là “Thuốc lá và bệnh tim mạch”, WHO muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc lá và bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Qua đó, mong muốn các quốc gia có những hành động cụ thể trong việc chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc.

Các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Nghiên cứu của Bệnh viện K T.Ư cho thấy, 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.

“33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi hút thuốc lá thụ động gây tác hại cho sức khỏe không kém người đang hút thuốc”, WHO cho biết.

BS. Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Y tế dự phòng và các chương trình y tế (Cục Y tế GTVT) cho biết, trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...) và các bệnh về hô hấp. Trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Theo BS. Khánh, những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như: Ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25 - 30% so với những người không hít phải khói thuốc.

Người hút thuốc lá thụ động cũng dễ mắc bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi...

63 tỉnh, thành phố thực hiện môi trường không khói thuốc

Để giảm thiểu “tai họa” do thuốc lá gây ra, khoảng 5 năm gần đây Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình đô thị du lịch không khói thuốc tại các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hạ Long, Nha Trang… Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị đưa quy định cấm hút thuốc lá nơi làm việc vào quy chế nội bộ cơ quan, thưởng phạt rõ ràng… Những giải pháp này đã giúp giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc từ 47,4% năm 2010 xuống còn 45,3% năm 2016; nữ giới giảm từ 1,4% xuống còn 1,1%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động năm 2016 giảm đáng kể so với năm 2010, như tại các trường đại học, cao đẳng 16,4%; trên các phương tiện giao thông công cộng 15%; tại nơi làm việc 13,3%...

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật. “Ít nhất 1.200 trường trung học trong toàn quốc thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường. Đã có 10 bệnh viện trên cả nước thí điểm triển khai mô hình phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá để hỗ trợ bỏ thuốc.

Từ năm 2014-2016, đã có 1.532 vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt và xử lý, phạt tiền 19,44 tỷ đồng”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết.

Để tiếp tục tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, từ năm 2018, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá triển khai chiến dịch truyền tải thông điệp truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá. Chiến dịch sử dụng thông điệp với hình ảnh mô tả các bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá, thông tin về các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ông Khuê kỳ vọng qua chiến dịch này sẽ có nhiều người hơn nữa được biết các thông tin về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động để từ đó có những thay đổi hành vi phù hợp như không hút thuốc gần mọi người, không hút thuốc tại những nơi có quy định cấm, cai thuốc lá vì sức khoẻ của chính mình và những người thân của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.