Thời sự

Đảng, Đoàn hoạt động thế nào trong DN cổ phần?

24/12/2014, 07:19

Khi các ông chủ tư nhân nắm DN cổ phần thì Đảng, Công đoàn, ĐTN trong doanh nghiệp tồn tại ra sao, hoạt động thế nào? Vấn đề này được Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT đặt ra tại cuộc hội thảo sáng qua, 23/12.

Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại hội thảo.Ảnh: Tiến Mạnh
Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại hội thảo.

Vấn đề này đã được “mổ xẻ” tại hội thảo sáng qua, 23/12, do Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chủ trì.

Đảng không thể làm kiểu hành chính, văn phòng

Là một trong những người tiên phong đầu tư mua cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), ông Phạm Quang Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT TLG. Ông Dũng cho biết, ông cũng từng là Bí thư Đảng ủy nhiều năm và rất tôn trọng hoạt động của Đảng trong công ty cổ phần (CTCP). Đảng và công ty phải kết hợp với nhau ở cương lĩnh, chiến lược hoạt động khác nhau để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Mỗi một doanh nghiệp có một giá trị văn hóa và mục tiêu khác nhau. Muốn thực hiện được mục tiêu ấy thì Đảng phải vào cuộc và đứng cùng doanh nghiệp, cùng với HĐQT tạo ra thu nhập để nâng cao mức sống của cán bộ, nhân viên, cùng xây dựng lên giá trị của doanh nghiệp…

“Đảng ở CTCP không thể chỉ lãnh đạo theo kiểu hành chính, văn phòng mà không đi vào những cái cốt lõi nhất của doanh nghiệp. Tại TLG, tôi đã đề nghị Đảng cùng vào cuộc lãnh đạo để cùng phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên. Trước đây, lương trung bình chưa được 10 triệu/tháng thì phải phấn đấu lên 15 triệu/tháng. Muốn vậy phải cùng bắt tay xây dựng lên giá trị của doanh nghiệp. Đảng cần lan tỏa, xây dựng được những giá trị văn hóa cốt lõi của một doanh nghiệp, xây dựng nội bộ vững mạnh, đoàn kết. Nếu không làm được điều đó thì các tổ chức chính trị trong doanh nghiệp sẽ tự đánh mất vai trò…”, ông Dũng nói.  

"Vấn đề được bàn ngày hôm nay không chỉ có ý nghĩa với ngành GTVT mà còn góp phần giải quyết một số vấn đề lý luận cũng như thực tiễn, nhất là khi chúng ta đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước. Vấn đề Hội thảo đặt ra rất đúng, rất trúng. Mục tiêu của Đảng ta là “dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì tổ chức của cơ sở Đảng ở CTCP cũng phải làm cho doanh nghiệp phát triển, đời sống công nhân, cán bộ khá lên, đoàn kết tốt lên. Khi đó vai trò của Đảng không những không bị lu mờ mà chắc chắn còn được các ông chủ coi trọng”.

Ông Nguyễn Đức Hà Vụ trưởng Ban Tổ chức T.Ư

Đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để thoái 100% vốn Nhà nước, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cho biết: “Sau khi chuyển sang mô hình hoạt động của CTCP và tiến tới không còn vốn Nhà nước, mọi hoạt động và mô hình tổ chức của tổng công ty không thay đổi. Tuy nhiên, hình thức lãnh đạo của Đảng thì phải có sự thay đổi. Sự thay đổi ở đây là từ lãnh đạo trực tiếp, toàn diện chuyển sang chủ động tham gia ý kiến cho HĐQT, tổng giám đốc làm tốt công tác chính trị tư tưởng và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể”. 

“Theo tôi, mô hình của Đảng bộ trong các CTCP không có vốn Nhà nước đến nay cũng chưa có hướng dẫn. Vì vậy rất cần có sự bổ sung về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ cấp trên cơ sở tại CTCP không có vốn Nhà nước”- ông Vinh kiến nghị.

Nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Tổng giám đốc Ngô Văn Tuấn kể ra câu chuyện về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng, giải quyết tình trạng mâu thuẫn nội bộ diễn ra trầm trọng trước khi CPH. Theo ông Tuấn, khi đã thay đổi chủ sở hữu thì Đảng, Đoàn với chính quyền phải gắn liền với quá trình quản trị điều hành và minh bạch trong sản xuất.

“Lúc về được hơn một tháng, tôi đếm có đến 46 đơn kiện, bình quân mỗi ngày nhận được 1,5 đơn kiện. Tôi triệu tập tất cả cán bộ, công nhân viên và cam kết sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn. Lúc đó, tôi yêu cầu tất cả các cơ quan đoàn thể trong Tổng công ty ký kết cơ chế phối hợp và cam kết đoàn kết nội bộ giữa tổ chức Đảng với Công đoàn và Đoàn thanh niên. Các phong trào đoàn thể trong Tổng công ty từ đó phát triển lành mạnh, đoàn kết. Đến nay, tình trạng đơn thư đã “tuyệt chủng”. Từ chỗ hàng loạt dự án bị “cháy” tiến độ, không thực hiện được thì nay cơ bản được giải quyết. Với đà phục hồi này, tôi cam đoan chỉ 5 năm nữa chúng tôi sẽ thoát khủng hoảng để phát triển mạnh mẽ…”, ông Tuấn nói.

Tổng công ty Xây dựng đường thủy hoạt động chính ở lĩnh vực nạo vét luồng hàng hải, sau cổ phần hóa là điểm sáng nhờ phát huy được thế mạnh của tổ chức Đảng, đoàn thể trong hoạt động sản xuấtẢnh: Võ Thái Bình
Tổng công ty Xây dựng đường thủy hoạt động chính ở lĩnh vực nạo vét luồng hàng hải, sau cổ phần hóa là điểm sáng nhờ phát huy được thế mạnh của tổ chức Đảng, đoàn thể trong hoạt động sản xuất

Phải khẳng định vai trò của Đảng trong CTCP

Theo ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng Ban Tổ chức T.Ư: “Đặt vấn đề tổ chức Đảng trong CTCP thì phải hỏi tổ chức này của ai? Từ đâu sinh ra? Hóa ra toàn là cán bộ Đảng từ các DNNN mà ra. Chúng ta chỉ có một Đảng Cộng sản Việt Nam thôi. Tất cả đều là nền tảng cấu thành Đảng, đều là đảng viên chính trị ở cơ sở. Vì thế, tổ chức Đảng không thay đổi khi bản chất của doanh nghiệp thay đổi. Cái thay đổi là nội dung phương thức hoạt động. Anh cứ bảo anh quan trọng nhưng nếu cán bộ Đảng không có trí tuệ, góp phần vào ổn định, phát triển doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, làm tăng đời sống cho cán bộ, nhân viên thì anh không thể hiện được vai trò của mình…”.

Vì thế, theo ông Hà, khi DNNN chuyển sang CTCP, do tư nhân làm chủ thì cán bộ làm công tác Đảng muốn được coi trọng phải hết sức chủ động, có trí tuệ để đóng góp cho sự phát triển của DN. Ngay cả công tác cán bộ cũng có thể tham gia. “Nếu cán bộ Đảng sâu sát, phát hiện được cán bộ giỏi giới thiệu cho lãnh đạo CTCP thì tôi nghĩ không ai từ chối đề xuất đó cả”, ông Hà nói

Sau khi nghe ý kiến tham luận của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc chuyển đổi mô hình từ DNNN sang CTCP cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi về phương thức hoạt động cả các tổ chức chính trị, đoàn thể. Tuy nhiên, dù thay đổi ra sao thì cũng phải giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng và các tổ chức, đoàn thể. CPH là một xu thế tất yếu, giúp cho doanh nghiệp phát triển, người lao động có thu nhập cao hơn, doanh nghiệp mạnh hơn. Vì thế, đương nhiên tổ chức Đảng cũng phải mạnh hơn. 

“Chẳng hạn như Vinawaco, khi tôi mới về làm Bộ trưởng, lần nào Thủ tướng cũng hỏi đã bớt đơn kiện chưa? Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, lương được trả hàng tháng, phương tiện được sửa chữa, trang bị lại, hoạt động của các tổ chức đoàn thể phát triển. Như Tổng giám đốc Vinawaco nói, tình trạng đơn thư giờ đã “tuyệt chủng”, nội bộ đã đoàn kết. Đấy là điều rất đáng mừng…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Từ quan điểm trên, Bộ trưởng giao cho Văn phòng Ban cán sự Đảng, Đảng bộ Bộ GTVT, Công đoàn GTVT  VN và Đoàn thanh niên Bộ GTVT tổ chức mời các cơ quan đến tham quan một số mô hình cả tốt và chưa tốt, tổ chức hội thảo để có báo cáo với Ban Tổ chức T.Ư về các vấn đề đặt ra, vai trò lãnh đạo của Đảng trong CTCP có cần thay đổi gì về mặt lý luận hay không?

Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần tổ chức Đảng và Bí thư Đảng bộ phải thực sự chủ động, đóng vai trò tiên phong, gương mẫu, xây dựng cơ chế phối hợp với HĐQT, Tổng giám đốc. Ví dụ việc gì thì tổ chức Đảng được tham gia ý kiến, cuộc họp nào thì tham dự... Phải có quy chế phối hợp để nếu có sự thay đổi lãnh đạo thì vai trò của tổ chức Đảng, Đoàn vẫn như vậy. Căn cứ vào quy chế đó thực hiện cho tốt. Đảng làm tốt cho doanh nghiệp thì không có cớ gì doanh nghiệp họ không hưởng ứng, ủng hộ. Vì thế cần xây dựng các mô hình hoạt động cho phù hợp. Để các tổ chức Đảng thực sự mạnh thì đảng viên phải đóng vai trò tiên phong, gương mẫu. Đây là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

Tiến Mạnh  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.