Giáo dục

Đáng sợ hơn cả đánh đập, mắng mỏ là cách dạy con theo kiểu "bạo lực tình cảm"

25/07/2021, 01:00

Sự phớt lờ của cha mẹ giống như một lưỡi dao cùn, không gây chảy máu nhưng lại mang tới vết thương không thể xóa nhòa trong cuộc đời của một đứa trẻ.

Vương Chinh là một tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng ở Trung Quốc. Mới đây trong một video, ông đã có những chia sẻ về thời thơ ấu của mình.

“Khi còn nhỏ, mẹ tôi rất thích nhốt mình trong phòng mỗi khi bà có tâm trạng tồi tệ hoặc không hài lòng với tôi. Mẹ thường không muốn nói chuyện, giả vờ như không nghe thấy mỗi khi tôi hỏi. Điều này khiến tôi thường xuyên cảm thấy sợ hãi.

Tôi nhớ có một lần ở trường mẫu giáo, vì không ăn hết cơm nên bị giáo viên phê bình. Khi về tới nhà, mẹ chẳng nói với tôi lời nào, cũng chẳng ngủ cùng với tôi đêm đó nữa. Lúc đó, trong thâm tâm tôi chỉ muốn nói với mẹ rằng: Mẹ có thể đánh con, mắng con, nhưng đừng phớt lờ con như vậy.

Đã 30 năm trôi qua, trải nghiệm bị mẹ làm ngơ, phớt lờ lúc nhỏ tôi vẫn chưa quên được. Cho đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại lúc đó, tôi cảm thấy bị tổn thương vô cùng”.

Đứa trẻ sẽ như thế nào nếu bị cha mẹ phớt lờ?

Có một thí nghiệm trong bộ phim tài liệu "Năm đầu tiên của em bé". Người ta nghiên cứu những tác động của các phương pháp nuôi dạy con cái khác nhau lên não bộ của trẻ. Khi đứa trẻ được sinh ra, chúng sẽ được quét não. 6 tháng sau đó, các nhà khoa học sẽ quan sát chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của 2 mẹ con.

img

Ảnh minh họa.

Con quấy khóc, người mẹ có dỗ dành ngay lập tức không?

Khi trẻ muốn một thứ gì đó, người mẹ để chúng tự lấy hay mình sẽ giúp đỡ?

Cuối cùng, sau 6 tháng, trẻ được đi quét não lần 2 và các nhà khoa học đã nhận ra một sự khác biệt rõ ràng. Đó là “nếu em bé ít nhận được phản ứng kịp thời của người mẹ, vùng hải mã trong não sẽ lớn hơn”. Vùng hải mã đóng một vai trò rất quan trọng trong học tập, trí nhớ và xử lý các cảm xúc đau đớn.

Chỉ trong 6 tháng, sự phát triển cấu trúc não bộ của trẻ sẽ có những thay đổi đáng kinh ngạc.

Theo kết luận nghiên cứu của tiến sĩ Dana Suskind, một bác sĩ Nhi khoa ở Đại học Chicago: “Sự không đáp ứng của cha mẹ vô cùng bất lợi cho vùng lõi não của trẻ. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận thức, ngôn ngữ, hành vi, kiểm soát bản thân, cảm xúc và sức khỏe thể chất của trẻ”.

Bị cha mẹ phớt lờ, trẻ bị ảnh hưởng như thế nào?

- Trẻ cảm thấy cô đơn

Một cậu bé 12 tuổi đã từng khóc về trải nghiệm đau đớn của mình trên các nền tảng xã hội. Cậu bé kể lại rằng, cha mẹ đối xử với mình rất lạnh nhạt, chẳng bao giờ cười nói vui vẻ. Khi ở nhà, cha mẹ thường chỉ biết cắm mặt vào điện thoại mà ít khi giao tiếp với con cái. Khi đi ra ngoài, cha mẹ cũng ít khi quan tâm tới những ý kiến của con mình. Cậu cũng rất hiếm khi được cha mẹ dẫn đi mua sắm.

Sự lạnh nhạt, thờ ơ của cha mẹ khiến cậu giống như bị “mồ côi” trong chính ngôi nhà của mình.

img

- Trẻ bị lạm dụng tinh thần

Sự phớt lờ của cha mẹ như con dao cùn, cứ chém vào cơ thể mà không gây chảy máu, nhưng cảm giác đau của con cái lại rất thật.

Có một câu chuyện kể về một người mẹ bất lực khi thấy con mình bỏ học vào năm cấp 2, tự nhốt mình trong phòng và không giao tiếp với mọi người. Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta phát hiện ra tính cách của đứa con trai này bị như vậy là do cha mẹ mình gây ra.

Mỗi khi đứa con muốn nói chuyện với cha mẹ, họ thường không kiên nhẫn, hay viện cớ bận vì mệt và cần phải nghỉ ngơi. Họ cũng chưa bao giờ hiểu được cảm xúc của con mình. Khi đứa con nói đói bụng, muốn mẹ mình nấu giúp bát mì, người mẹ cảm thấy phiền phức và không muốn rời khỏi giường. Trong khi đó người cha giống như một người đứng ngoài cuộc, không bao giờ chủ động giao tiếp với con trai mình.

Bị cha mẹ bỏ rơi lâu ngày, tính cách cậu con trai ngày càng quái đản. Cậu bắt đầu sống khép mình, không muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài một cách bình thường, tính tình cũng trở nên rất bạo lực.

Chuyên gia giáo dục người Trung Quốc Phạm Đăng từng nói: "Cơn ác mộng suốt đời của một đứa trẻ là mẹ phớt lờ và cha không muốn nó".

Ngược lại của tình yêu không phải là sự ghét bỏ, mà là sự lãng quên và bỏ mặc. Những sự “phớt lờ” tưởng chừng như vô hình và vô hại ấy đã trở thành những “vết thương lòng” mà nhiều đứa trẻ cả đời không thể quên được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.