Thời sự

Đang tìm kiếm 3 lao động Việt Nam mất tích ở Lybia

10/08/2014, 19:51

3 lao động này tự ý bỏ đi nên ngoài tầm kiểm soát của cơ quan đại diện. Hiện chúng tôi vẫn đang xác minh và giữ liên lạc với các cơ quan liên quan để tìm kiếm.

Chiều 10/8, ông Lương Thanh Quảng, trợ lý Cục trưởng Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ LĐTB&XH xác minh, làm rõ về việc 3 lao động Việt Nam mất tích trong thời gian chờ di chuyển từ Lybia sang Cairo (Ai Cập).

Lo lắng khi chiến sự liên miên

184 lao động Việt Nam vui mừng khi trở về từ điểm nóng Lybia
184 lao động Việt Nam vui mừng khi trở về từ điểm nóng Lybia

Đúng 13h40 ngày 10/8, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines đưa 184 lao động Việt Nam tại Lybia đã về đến sân bay Nội Bài. Toàn bộ số hành khách này là công nhân lao động làm việc tại các công trình xây dựng của Công ty TNHH Hyundai Engineering ở thành phố Al Bayda, Lybia, được công ty này tập hợp và đưa đến Cairo để về Việt Nam.

Ngay trước khi đặt chân xuống sân bay, các lao động Việt Nam đều được phát tờ khai y tế và làm thủ tục kiểm tra an ninh. Trở về Việt Nam, hầu hết những người lao động có mặt tại Nội Bài chiều nay đều vui mừng vì đã thoát khỏi điểm nóng.

Là người đầu tiên đặt chân xuống sân bay, anh Nguyễn Vĩnh Thành (43 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ với Báo Giao thông: “Tôi đi lao động được hơn 8 tháng, nơi làm việc của tôi tuy không có chiến sự nhưng lúc nào cũng rất lo lắng vì tình hình căng thẳng ở đây. Về nước tôi hy vọng sẽ kiếm được một công việc ổn định chứ không muốn quay trở lại bên ấy nữa”.

184 lao động Việt Nam vui mừng khi trở về từ điểm nóng Lybia
184 lao động Việt Nam vui mừng khi trở về từ điểm nóng Lybia

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1979, quê ở Thanh Hóa) tâm sự: “Tôi sang bên ấy được 1 năm 3 tháng, vùng chúng tôi làm việc liên tục có tiếng súng, đạn. Chúng tôi thấy rất sợ, súng ống và pháo họ đưa vào nhiều lắm. Lương lậu bên ấy quá thấp, mỗi tháng chỉ được 6-7 triệu đồng, chi phí bỏ ra để đi xuất khẩu lao động hiện vẫn chưa hoàn vốn. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng của nhà nước có những biện pháp hỗ trợ kịp thời".

Trao đổi với PV chiều 10/8, ông Lương Thanh Quảng – trợ lý Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, ngay từ tháng 6/2014, khi có thông tin về tình hình biến động ở Lybia, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài liên hệ chặt chẽ với các lao động và công ty sử dụng lao động Việt Nam ở Lybia. Ở trong nước, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) liên hệ với các chủ sử dụng lao động Việt Nam ở Lybia nhằm nắm tình hình để có kế hoạch sơ tán các lao động Việt Nam về nước an toàn và trật tự trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao có công hàm và gặp một số Đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam như Anh, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... và một số tổ chức quốc tế đề nghị giúp đỡ trong trường hợp cần thiết khi đưa lao động Việt Nam  về nước.

“Bộ Ngoại giao đã có các phương án sơ tán lao động tại Lybia. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh diện rộng ở Lybia, chúng tôi sẽ sơ tán công dân Việt Nam qua các cửa khẩu của các nước Ai Cập, Tuynidi. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan đại diện liên hệ với các cơ quan sở tại để di tản trong trường hợp khẩn cấp”, ông Quảng nói.

3 lao động mất tích hay bỏ trốn?

Liên quan đến thông tin, 3 lao động Việt Nam mất tích trong thời gian chờ di chuyển từ Lybia đến Cairo, ông Quảng cho biết: "Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ LĐTB&XH  xác minh, làm rõ. 3 lao động này tự ý bỏ đi nên ngoài tầm kiểm soát của cơ quan đại diện. Hiện, chúng tôi vẫn đang xác minh và giữ liên lạc với các cơ quan sở tại và chủ sở hữu lao động để tìm kiếm”.

Nhiều lao động mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước
Nhiều lao động mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước

Lao động bị bỏ đói ở cửa khẩu?

Thông tin thêm về việc lao động Việt Nam bị bỏ đói ở cửa khẩu Salum (Ai Cập), đại diện Bộ Ngoại giao cho hay, trong chiến tranh có nhiều vấn đề xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Khi 25 lao động Việt Nam đến cửa khẩu Salum, do chiến tranh Ai Cập phải đóng cửa khẩu, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo cơ quan đại diện thường xuyên liên hệ với Phủ Tổng thống Ai Cập để xin mở cửa khẩu. “Tuy nhiên do quy định của Ai Cập, đại diện Việt Nam không tiếp cận ngay được nên lao động bị đói nhưng biên phòng và cơ quan xuất nhập cảnh đã cung cấp thức ăn cho các lao động Việt Nam”, ông Quảng nói.

Ông Lương Thanh Quảng trả lời phỏng vấn báo chí tại sân bay chiều 10/8
Ông Lương Thanh Quảng trao đổi với báo chí tại sân bay chiều 10/8

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Báo Giao thông tại Cảng HKQT Nội Bài, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, trong tháng 7 vừa qua đã có 272 lao động Việt Nam tại Lybia được đưa về nước do tình hình chiến sự tại nước này gia tăng. Số Lao động về nước đợt này là do Công ty TNHH Hyundai Engineering rút chậm nên phải thuê máy bay của Ai Cập sang Lybia đưa lao động Việt Nam về Cairo. Sau đó, công ty này thuê 3 chuyến bay của Vietnam Airlines từ Cairo về Việt Nam. Theo bà này, hiện còn khoảng 500 lao động người Việt ở Lybia đã được di chuyển sang Cairo, sẽ trở về nước trong ngày 11 và 12/8.

Công ty môi giới phải trả lại tiền cho người lao động

Theo đại diện Bộ LĐTB&XH, đối với những lao động Việt Nam phải về nước trong dịp này, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) sẽ có chính sách hỗ trợ kịp thời. Việc hỗ trợ cho người lao động thế nào sẽ căn cứ vào thời gian lao động, phí môi giới của từng người. Bà này cho biết thêm, hiện đã có những quy định hỗ trợ rất cụ thể trong những trường hợp rủi ro cho lao động nước ngoài về nước, mức hỗ trợ cao nhất là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, bà này khẳng định, tùy thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể của từng lao động, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Thủ tướng cho phép hỗ trợ ở những mức cao hơn.

“Đối với những lao động ký hợp đồng đi lao động Lybia qua công ty môi giới trong thời hạn 3 năm, căn cứ vào thời gian cụ thể làm việc của từng lao động mà công ty môi giới sẽ phải trả lại số tiền cho từng người. Những lao động đi chưa đến một năm đã phải về nước dịp này sẽ được hỗ trợ mức cao hơn để bù lại chi phí của người ta bỏ ra”, đại diện Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Đình Quang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.