Pháp luật

Danh sách 11 cháu bé nghi "biến mất" khỏi chùa Bồ Đề

08/08/2014, 11:21

Các thiện nguyện viên khẳng định có đầy bằng chứng chứng minh sự tồn tại của các cháu tại chùa Bồ Đề. Tuy nhiên, đến ngày 19/7/2014, khi mọi người trở lại chùa đã không còn thấy các cháu nữa.

Các thiện nguyện viên khẳng định có đầy bằng chứng chứng minh sự tồn tại của các cháu tại chùa Bồ Đề. Tuy nhiên, đến ngày 19/7/2014, khi mọi người trở lại chùa đã không còn thấy các cháu nữa.

Ảnh các em nhỏ trong nghi án
Ảnh các em nhỏ trong nghi án "mất tích" (Ảnh: Dân Trí)

Liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, cơ quan CSĐT vừa nhận được đơn đề nghị điều tra, làm rõ việc 11 cháu bé trong chùa bỗng dưng “biến mất” trong khoảng thời gian từ tháng 8/2007 đến năm 2012.

Theo Dân Trí, đơn đề nghị điều tra về việc 11 trẻ em “biến mất” tại chùa Bồ Đề do ông Nguyễn V.L., bà Nguyễn Thị B.N. và bà Lý Thúy Q. trình báo. Đây là những ông bà đã có quá trình tham gia từ thiện thường xuyên tại chùa Bồ Đề trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2012. Sau này, do vấn đề cá nhân và thấy nhiều dấu hiệu nghi vấn, mọi người đã không sang chùa Bồ Đề nữa.

Danh sách 11 cháu bé mà các thiện nguyện viên yêu cầu điều tra, làm rõ sự “biến mất” (trong ảnh, lần lượt từ trái sang phải và từ trên xuống dưới)

1. Bé Tùng Anh (biệt danh là Khoai), được chùa Bồ Đề nhận và nuôi dưỡng vào cuối tháng 8/2007 khi chưa rụng dây rốn. Đến khoảng tháng 1/2008, Tùng Anh bỗng dưng mất tích, hiện không còn ở chùa.

2. Bé Việt Anh được nhận vào chùa khoảng tháng 10/2007. Ngoài ra, cùng thời điểm còn có bé Tùng Anh và Hùng Anh. Hùng Anh giờ vẫn ở chùa và là học sinh lớp 2 tại trường Tiểu học Bồ Đề. Tháng 5/2009, xác định bé Việt Anh không còn ở chùa Bồ Đề nữa.

3. Bé Minh Anh: Năm 2007, bé Minh Anh được gần 1 tuổi. Đến năm 2012, khi các thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn thấy bé Minh Anh nữa.

4. Bé Duy Anh: Được đón nhận và nuôi dưỡng vào chùa Bồ Đề năm 2009. Tháng 7/2014, khi thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn gặp lại bé nữa.

5. Bé Bảo Anh: Được chùa Bồ Đề đón nhận để nuôi dưỡng vào năm 2009. Đến tháng 7/2014, mọi người bất ngờ phát hiện cháu Bảo Anh đã “biến mất”.

6. Bé Mai Anh: Năm 2009, Mai Anh được đón nhận vào nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Đến ngày 19/7/2014, mọi người đã phát hiện Mai Anh cũng không còn ở chùa nữa.

7. Bé Vi Anh: Cháu được chùa Bồ Đề tiếp nhận năm 2009. Đến ngày 19/7/2014 khi các thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn thấy cháu Vi Anh ở chùa nữa.

8. Bé Huy Anh vào chùa năm 2012. Đến ngày 19/7/2014, mọi người quay lại thì không còn gặp lại Huy Anh nữa.

9. Bé Cù Triều Anh: Vào chùa từ Tết năm 2010. Nhưng cháu Triều Anh đã “biến mất” vào nửa cuối năm 2011.

10.  Bé Tuấn Anh: Bé được nhận vào chùa năm 2007, vào trước thời điểm Tùng Anh và Hùng Anh, Việt Anh được nhận nuôi. Năm 2014 khi chị Bích Ngọc quay lại chùa Bồ Đề đã không thấy bé ở chùa nữa.

11. Bé Cù Hoàng Anh: được đón nhận và nuôi dưỡng ở chùa năm 2010. Bà Bùi Vân Khánh Linh thường xuyên sang chùa, chăm sóc và bồi dưỡng thêm tiền cho các cô chăm bé. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, Hoàng Anh bỗng dưng biến mất.

Ngoài ra, còn rất nhiều các bé khác vào chùa trong năm 2009, mặc dù không nhớ rõ tên, nhưng các thiện nguyện viên này khẳng định có đầy đủ ảnh, nhân chứng, chứng minh được sự tồn tại của cháu tại chùa Bồ Đề. Đến thời điểm 19/7/2014, khi mọi người trở lại chùa đã không còn thấy các cháu nữa.

Phải sớm đưa trẻ ở chùa Bồ Đề vào cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp

 

Trả lời Báo CAND, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB & XH cho biết, sau khi xảy ra sự việc ở chùa Bồ Đề, Bộ LĐTB & XH đã chỉ đạo Sở LĐTB & XH khẩn trương thành lập Đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND quận Long Biên xác minh làm rõ biện pháp khắc phục, chấn chỉnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc số trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề.

 

“An toàn là tiêu chí hàng đầu với trẻ bỏ rơi được nuôi dưỡng ở các cơ sở xã hội hóa, nhưng hiện nay chùa Bồ Đề đã mất an toàn, nên biện pháp trước mắt là chuyển các cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đoàn kiểm tra sẽ sàng lọc, phân loại các cháu. Đối với các cháu có thông tin về người thân thì phải tìm kiếm, xác minh nguồn gốc gia đình để tìm người thân cho các cháu để đưa về với gia đình. Thứ nữa là tìm kiếm nguồn nuôi dưỡng thay thế như cho con nuôi để các cháu được sống và hòa nhập trong môi trường cộng đồng, môi trường gia đình thì mới phát triển toàn diện”, ông Đức nhấn mạnh.

 

Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp, có đầy đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục, không nên để những đứa trẻ bất hạnh bị thiệt thòi lâu hơn nữa.

P.V (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.