Thời sự Quốc tế

Đảo chính Myanmar: 1 ngành mũi nhọn, 700.000 người rơi vào khủng hoảng

09/04/2021, 08:33

Tình hình bất ổn cùng những vụ phá hoại nhà máy Trung Quốc tại Myanmar đã đẩy ngành may mặc của đất nước này vào khủng hoảng không lối thoát.

img

Nhiều nhà máy có vốn Trung Quốc tại Myanmar bị đốt phá kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính hôm 1/2

Các công ty, thương hiệu chạy khỏi Myanmar

Hai năm sau khi mở nhà máy dệt may tại Myanmar, hiện nay, doanh nhân Trung Quốc Li Dongliang đang đứng bên bờ vực phải đóng cửa doanh nghiệp và cho 800 nhân công nghỉ việc.

Hoạt động kinh doanh tại nhà máy vốn chật vật vì dịch bệnh Covid-19 nay lại càng khó khăn do các cuộc biểu tình đòi dân chủ, hoạt động trấn áp biểu tình mạnh tay và tâm lý chống Trung Quốc trỗi dậy trong xã hội Myanmar. Giờ đây, số lượng đơn đặt hàng mới tại nhà máy là con số 0.

Câu chuyện của ông Li là điển hình cho tình hình khủng hoảng mà ngành dệt may trọng yếu của Myanmar, đang phải đối mặt. Ngành này chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu, mang đến việc làm cho 700.000 người có nguồn thu nhập thấp tại Myanmar, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ bỏ Myanmar nếu tiếp tục không có đơn đặt hàng mới trong vài tháng nữa” - ông Li nói. Hiện tại, nhà máy của ông chỉ vận hành khoảng 20% so với công suất, cầm cự bằng những đơn hàng từ trước sự kiện đảo chính và phải sa thải 1 nửa nhân công.

img

Ngành dệt may Myanmar chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu

Doanh nhân Li khẳng định, ông cùng nhiều người đi đầu trong ngành may mặc đang cân nhắc chuyển sản xuất sang một số nhà máy ở các trung tâm dệt may chi phí thấp khác như Trung Quốc, Campuchia hoặc Việt Nam.

Các thương hiệu thời trang Mỹ và EU từng ra thông báo chung cho biết sẽ bảo vệ việc làm và duy trì những cam kết của họ tại Myanmar. Nhưng, giờ đây, nhiều thương hiệu bao gồm nhà bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới H&M (Thụy Điển), Next và Primark (Anh) và Benetton (Italy)... đã dừng đặt hàng.

Hãng Next cho biết, họ đã chia lẻ các đơn hàng dự định đặt tại Myanmar cho Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc. Hãng Benetton thì có kế hoạch chủ yếu chuyển hoạt động sang Trung Quốc. Còn H&M và Primark chưa bình luận về động thái tiếp theo.

"Các doanh nghiệp không muốn bỏ rơi Myanmar nhưng họ buộc phải làm vậy”, theo ông Peter McAllister đến từ Sáng kiến Đạo đức Thương mại, một tổ chức về quyền của người lao động có nhiều thành viên đến từ các thương hiệu đường phố cao cấp Châu Âu.

Biểu tượng trỗi dậy của Myanmar bị tàn phá

Những người Trung Quốc như ông Li đã đổ vốn vào khoảng 200 nhà máy dệt may tại Myanmar (chiếm 1/3 tổng số nhà máy trong ngành tại đây), theo Hiệp hội các nhà sản xuất dệt may Myanmar.

Trong 1 thập kỷ qua, khi Myanmar cải cách kinh tế, đầu tư nước ngoài vào ngành may mặc nước này tăng vọt, trở thành biểu tượng cho sự vươn lên của Myanmar như một trung tâm sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc Myanmar tăng từ chưa đầy 1 tỉ USD trong năm 2011 (khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu) lên 6,5 tỉ USD trong năm 2019, chiếm 30% tổng kim ngạch, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc.

Sự trỗi dậy non nớt của Myanmar đã bị tổn thương vì dịch bệnh và giờ gần như bị đánh gục vì đảo chính. Không chỉ vì rất nhiều công nhân ngành này xuống đường tham gia biểu tình mà còn bởi họ không thể làm việc do đường phố hiện nay như bãi chiến trường. Bất ổn khiến hệ thống ngân hàng tắc nghẽn, gây khó khăn cho hàng hóa ra vào nước, nhiều chủ nhà máy chia sẻ.

Muốn trừng phạt quân đội, chấp nhận khổ ải

img

Tâm lý chống Trung Quốc bùng lên tại Myanmar

Ông McAllister nhận định, ngành dệt may Myanmar sẽ rơi vào cảnh khó khăn, tương lai của 700.000 nhân công sẽ không biết đi về đâu nếu cuối cùng các nhà đầu tư Trung Quốc rời đi dù một số nhóm nhân quyền từng bày tỏ lo ngại về vấn đề lạm dụng sức lao động của dân Myanmar trong ngành này. Hầu hết lao động trong ngành dệt may là công nhân và chỉ được trả chưa đầy 3,4 USD/ngày, mức thấp nhất trong khu vực.

Hiện tại, tâm lý chống Trung Quốc đã tăng cao trong xã hội Myanmar khi những người phản đối Bắc Kinh chỉ trích chính quyền nước này không lên tiếng trước những hành động của quân đội Myanmar trong khi phương Tây phản đối cực lực kể từ khi quân đội Myanmar bắt đầu đảo chính. Hơn 40 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị người biểu tình đập phá hoặc thiêu rụi trong bối cảnh căng thẳng tại Myanmar leo thang.

Trong khi một bộ phận dư luận Myanmar lo ngại, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Myanmar gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân nước này, nhất là ngành dệt may.

Chính một số công đoàn đại diện cho công nhân ngành dệt lại kêu gọi cộng đồng quốc tế áp thêm đặt lệnh trừng phạt, gây áp lực lên quân đội mặc dù họ biết chắc chắn sẽ phải chịu tổn hại.

Ông Myo Myo Aye, người sáng lập Công đoàn Đoàn kết Myanmar khẳng định: “Tôi chấp nhận để các đơn hàng ra đi. Công nhân có thể đối mặt với khó khăn và khổ ải vì họ không có việc làm nhưng mặt khác chúng tôi đơn giản là không thể chấp nhận chính quyền do quân đội điều hành”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.