Showbiz

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Còn nhiều người đào hoa hơn tôi”

17/01/2021, 06:06

Chính thức gia nhập “câu lạc bộ đạo diễn trăm tỷ”, nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn mãi là Dũng “Khùng”.

img

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:

Với doanh thu 175 tỷ đồng, “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chính thức lọt Top 3 phim Việt có doanh thu cao nhất, sau “Cua lại vợ bầu” (176,5 tỷ đồng), “Mắt biếc” (180 tỷ đồng).

Chính thức gia nhập “câu lạc bộ đạo diễn trăm tỷ”, nhưng Nguyễn Quang Dũng vẫn mãi là Dũng “Khùng”. Anh sẵn sàng “thao thao bất tuyệt” về chuyện làm nghề và chỉ biết cười tít mắt khi được hỏi về chuyện riêng tư.

Phim có doanh thu trăm tỷ không phải đơn giản

Sau thành công của “Ròm” và “Tiệc trăng máu”, điện ảnh Việt nhen nhóm cơ hội vực dậy sau khi trải qua một năm khó khăn vì đại dịch Covid-19. Nhìn lại bộ mặt điện ảnh Việt trong năm qua, anh đánh giá như thế nào?

Trong năm qua, không riêng Việt Nam mà điện ảnh thế giới cũng rất khó khăn. May mắn hơn là việc kiểm soát về dịch của Việt Nam tốt hơn, nên phim Việt vẫn có cơ hội ra rạp và có khán giả.

Thành công của “Tiệc trăng máu”, có lẽ một phần cũng do may mắn khi dịch lúc đó đã hạ nhiệt, khán giả cũng cảm thấy nhớ rạp hơn. Tất nhiên, phim phải có chất lượng tốt thì mới giữ được tình cảm của khán giả nên được truyền miệng, thu hút được khán giả.

Theo tổng kết của các rạp, lượng khán giả thời điểm “Tiệc trăng máu” hay gần đây nhất là “Chị Mười Ba” ra rạp cao, doanh thu lớn nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Cũng không dám nói trước, nhưng biết đâu không có dịch, doanh thu phim lại cao hơn thì sao? (Cười)

Dĩ nhiên, cũng có lý do là thời điểm “Tiệc trăng máu” ra rạp không phải cạnh tranh với các phim mạnh của Hollywood. Nhưng đó cũng không phải chuẩn mực. Tất cả nằm ở nội dung phim, yếu tố này thậm chí còn kéo thêm lượng khán giả bình thường ít ra rạp, khán giả lớn tuổi.

Thật ra, để quan sát 1 - 2 bộ phim mà nói về cả thị trường cũng hơi khó. Hiện, cũng chưa biết tình hình ngành điện ảnh sẽ ra sao, nhưng khi dịch đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khán giả cũng ngại ra rạp hơn.

Đến một lúc nào đó, nếu rạp chiếu khó khăn sẽ ảnh hưởng tới tất cả các khâu khác như sản xuất, phát hành… và chắc chắn mình sẽ ít phim chiếu rạp hơn, ít có phim thắng hơn.

Khán giả Việt không còn ngại ra rạp, các quán nhậu cũng đông khách hơn, phim Việt cũng thừa thế xông lên. Nhưng đến nay vẫn chưa có phim nào vượt qua doanh thu 200 tỷ đồng?

Tính về số lượng các phim trăm tỷ trong một năm cũng không phải nhiều. Liệt kê cũng chỉ có “Mắt biếc”, “Hai Phượng”, “Tiệc trăng máu”… Riêng các phim Tết, thị trường rộng hơn nên doanh thu cao hơn thì lại khác.

Người ta cứ nhắc đến các từ như “câu lạc bộ trăm tỷ” nhưng với tôi để có được phim doanh thu trên trăm tỷ không phải là đơn giản. Đó phải là bộ phim được rất nhiều người thích.

Gần đây nhất tôi dự đoán “Chị Mười Ba” cũng có thể được doanh thu trăm ty. Thật ra nói không có phim Hollywood cũng không phải mà vẫn có, nhưng may các phim này đều… xịt. (Cười)

Mùa phim cuối năm, duy nhất “Chị Mười Ba” là điểm sáng phòng vé. Đến mùa phim Tết Nguyên Đán, anh có lạc quan hơn khi nhìn vào danh sách phim sắp ra rạp?

Thị trường phim năm nay rất khó đoán, điểm chung là tất cả các nhà làm phim đều đã rất cố gắng để đưa các sản phẩm của mình ra rạp trong thời điểm này.

Trong các phim dự kiến ra mắt dịp Tết năm nay, có hai phim đã được làm tới mấy phần như: “Gái già lắm chiêu”, “Lật mặt” và có khối lượng khán giả cố định. Cá nhân tôi thực sự tò mò và muốn xem “Trạng Tí” và “Bố già” hơn.

Rất trân trọng phụ nữ

img

Thanh Hằng được coi là một trong những nàng thơ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Phải chăng, dịch Covid-19 thời gian qua và trong tương lai đã định nghĩa lại khái niệm công thức trăm tỷ?

Thật ra, mọi người vẫn hay nhắc đến khái niệm công thức trăm tỷ. Nhưng, kể cả khi không có dịch, việc làm phim có được doanh thu trăm tỷ hay không đều rất khó đoán.

Ai cũng có phim thành công, không thành công. Bản thân tôi khi làm phim chỉ mong sao những phim sau đặc sắc hơn, mới mẻ hơn, thú vị hơn những phim trước.

May mắn có những phim mới mẻ, được nhiều người đồng cảm thì sẽ có nhiều người thích. Có những phim có thể mình làm chưa tốt và những yếu tố khác khiến phim không thành công cũng là chuyện bình thường.

Khi nói chuyện với các chủ rạp, tôi được biết trước đây một tuần người ta có thể xem 2 - 3 phim. Lúc đó, họ sẽ cân nhắc và sắp xếp lịch xem vào những ngày giảm giá, cuối tuần. Còn bây giờ thì hơi khó, vì khán giả gần như chỉ chọn một bộ phim nào quan tâm nhất để xem. Hơn nữa, công nghệ phát hành phim bây giờ cũng hiện đại và xu hướng chiếu cũng khác hơn.

Có thể, một bộ phim được nhiều người xem nhà phát hành sẽ tăng suất chiếu và ngược lại với các phim có ít người xem hơn. Chính vì vậy, sự chênh lệch doanh thu giữa các phim đứng thứ nhất, thứ hai cách xa nhau rất nhiều.

Việc cạnh tranh cũng quyết liệt hơn, buộc người làm phim phải có sản phẩm chất lượng, nhà phát hành cũng cần suy nghĩ kỹ về thời điểm phát hành, nghiên cứu “đối thủ” để tạo đặc biệt cho sản phẩm của mình.

Phim của Dũng “Khùng” ngày càng khó đoán?

Thật ra với mỗi bộ phim, tôi đều có sự trải nghiệm mới, đều tìm hiểu những vấn đề đó ở nhiều góc độ. Khi làm nghề, tôi không muốn tự làm chán mình, không muốn đi theo một công thức nào đó vì như thế sự nghiệp của mình còn “chết” nhanh hơn. Các bạn trẻ bây giờ cũng rất khác xưa, giỏi hơn nhiều. Nếu mình còn “loạng choạng” mình sẽ rất nhanh bị cũ.

Nhưng có một điểm luôn thấy trong phim của Nguyễn Quang Dũng đó là phụ nữ. Người ta nói rằng phụ nữ trong phim của anh, dù là ai họ đều đẹp và sắc sảo. Trong mắt anh, phụ nữ là người như thế nào?

Chắc do tôi toàn gặp người đẹp và thông minh nên mới vậy. Còn nhân vật nam có phần hơi ngơ là vì tính tôi hơi ngơ đó. (Cười)

Chắc anh phải hiểu phụ nữ lắm mới làm được như vậy?

Tôi cũng nghĩ vậy nhưng không biết có đúng không (Cười). Thật ra, tôi rất trân trọng phụ nữ. Những người xung quanh tôi biết đều là những người giỏi thực sự. Có lẽ vì tôi rất yêu phụ nữ nên mới thấu hiểu được họ. Đến khi làm phim về họ, tôi rất muốn gần gũi để đồng cảm với thân phận của người phụ nữ. Nếu nhìn lại phim của Á Đông, thân phận của người phụ nữ có gì đó dễ đồng cảm hơn.

Tiếp xúc với nhiều phụ nữ đẹp, lại từng được mệnh danh là đạo diễn đào hoa nhất, nhì Vbiz, anh có thấy mình là người “sát gái”?

Tôi nghĩ người ta nói vậy thôi chứ còn nhiều người đào hoa hơn tôi chứ. Thật ra tôi bị “oan đó”. Người ta chỉ đồn thôi chứ tôi không có gì cả.

Theo anh, phụ nữ mến anh nhất ở điểm gì?

Thật ra, đến giờ tôi cũng không biết có bao nhiêu người mến mình nên cũng không biết họ mến mình ở điều gì. Từ việc thần tượng ba mình (nhà văn Nguyễn Quang Sáng -PV), tôi có một nguyên tắc sống đó là sự chân thành. Chắc có lẽ là vì điều đó, còn tôi cũng không biết họ có cảm thấy như vậy không nữa.

Ngoài ra, có thể vì tôi yêu đời nên cũng có xu hướng thích những người phụ nữ yêu đời, vui vẻ với nguồn năng lượng tích cực.

Cảm ơn anh!

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sinh năm 1978. Anh là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ nhỏ, Quang Dũng đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Duy. Trong sự nghiệp, anh từng gây tiếng vang với loạt phim điện ảnh ăn khách như: “Nụ hôn thần chết” (2008), “Mỹ nhân kế” (2013), “Tháng năm rực rỡ” (2018), “Tiệc trăng máu” (2020)…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.