Giáo dục

Dậy sóng SGK Tiếng Việt lớp 1: Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nói gì?

12/10/2020, 15:44

Không có bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như nên hiểu hay cố tình hiểu theo cách khác.

img
Bài tập đọc được nhiều ý kiến cho rằng thiếu tính giáo dục trong SGK TV1 (Cánh Diều)

Không có bài học nào thiếu tính giáo dục

Trước thông tin cho rằng một số câu chuyện trong cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 (nhóm Cánh Buồm) thiếu tính giáo dục hay bịa đặt như bài tập đọc “Hai con ngựa”, "Ve và gà"…, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều cho rằng: Hầu hết các câu chuyện dựa vào, phỏng theo đều của các tác giả lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine… Không có bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như nên hiểu hay cố tình hiểu theo cách khác.

Chẳng hạn ở bài “Hai con ngựa”, bài học đưa ra là “xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả”. Để bảo đảm bài đọc có tính giáo dục cao, phù hợp với học sinh mới vào lớp 1, các tác giả còn phải chỉnh sửa một số chi tiết trong truyện.

Cụ thể, trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. “Vì không thể khuyên trẻ em như nguyên tác câu chuyện nên ở đây có hai chi tiết chúng tôi phải sửa. Thứ nhất, để ngựa tía khuyên ngựa ô trốn đi. Thứ hai, không đề cập đến giới tính (nói ngựa đực chăm và ngựa cái lười) vì dễ gây phản ứng và cũng vì đến bài này học sinh chưa học các vần "ưc", "ai".

Tương tự, bài tập đọc "Ve và gà" cũng được phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp. Truyện dài nên cũng phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện cơ bản giữ nguyên… Đối với những câu chuyện dài, tác giả sách phải cắt làm 2 phần, đặt liền nhau, nhưng các thông tin trên MXH không đầy đủ.

Hay bài đọc "Cua, cò và đàn cá" bị cho là dạy học sinh khôn lỏi. Đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam. Mà truyện dân gian vốn dĩ sâu sắc lắm, khai thác như thế nào là do tâm địa mỗi người. Có người cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng ý nghĩa của câu chuỵện dân gian này rất đơn giản “nó dạy người ta cảnh giác, chớ vội tin lời kẻ xấu. Bố mẹ nào cũng thường dặn trẻ con điều này”.

Nhiều câu hỏi đặt ra vì sao trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, chuyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vậy sao sách giáo khoa lớp 1 lại không lựa chọn dùng mà lại dùng của nước ngoài?

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, sách có khoảng 100 văn bản của các tác giả Việt Nam. Các văn bản này gồm đồng dao, câu đố, truyện dân gian Việt Nam và sáng tác của các tác giả có tên tuổi như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai,…

Sở dĩ sách không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ. Do vậy, chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh có nhận thức phù hợp hơn.

Vừa vào lớp 1, con sợ học, tôi phải làm sao?

Chia sẻ của một phụ huynh có con đang là học sinh lớp 1: “Cả gia đình tôi xáo trộn, bất hòa và áp lực từ khi con vào lớp 1. Chương trình mới quá nặng với trẻ, đặc biệt là các trẻ không học tiền lớp 1 như con tôi. Trường đã tổ chức dạy thêm nhưng vẫn không đủ, cháu còn phải học thêm bên ngoài và ở nhà. Hiện cháu đã sợ học, nhưng giáo viên vẫn luôn đề nghị phụ huynh kèm thêm cháu để theo kịp chương trình. Vậy tôi phải làm sao?”.

Trước câu hỏi này, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, mục đích chính của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy trẻ biết đọc biết viết. Muốn biết đọc biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, hơn 10 chữ ghép (ch, ng, ngh, tr, kh,…) Chương trình lớp 1 trước đây, hiện nay và mai sau vẫn như vậy. Cho nên nói chương trình mới nặng là không đúng.

"Từ chương trình, mỗi bộ sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau để dạy trẻ. Nhưng tôi không cho rằng dạy thêm học thêm là không đúng. Điều đó càng gây áp lực cho trẻ. Tốt nhất là các thày cô thực hiện dạy học phân hóa, chú ý kèm cặp, hướng dẫn các cháu còn chậm. Các bậc cha mẹ cũng không nên vì sốt ruột mà gây áp lực cho con. Các cháu còn học cả năm. Mới hơn 1 tháng đầu chưa nói lên điều gì.

Trong 1 lớp học có em theo tốt chương trình đọc thông, viết thạo, có em chậm hiểu hơn, đó là chuyện bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó. Tôi hy vọng với sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan giáo dục địa phương, những khó khăn ban đầu (nếu có) sẽ được sớm khắc phục”, ông Thuyết nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.