Hạ tầng

Đẩy tiến độ các dự án giao thông quan trọng tại Quảng Bình

14/09/2020, 16:08

Sáng nay (14/9), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn.

img
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì, phát biểu tại cuộc họp

Đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm

Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã kết nối tương đối liên hoàn với đủ 5 loại hình vận tải. Trong đó, đường bộ hiện có gần 9.400km, 174km đường sắt (19 ga) nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, 230km chiều dài đường thủy nội địa với 5 hệ thống sông chính. Về đường biển, tỉnh Quảng Bình có bờ biển dài 126km với Cảng Gianh có khả năng tiếp nhận tàu đến 1.000 DWT, cảng Hòn La tiếp nhận tàu đến 15.000 DWT, hiện đang xây dựng giai đoạn 2 để tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT.

Theo ông Thuật, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, tỉnh Quảng Bình kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT vận tải như: Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B,…

Trong đó, đối với dự án QL12A đoạn tránh Nhà máy xi măng sông Gianh, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2007, do bố trí được nguồn vốn nên đến tháng 2/2010 mới khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2012. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án do thiếu nguồn vốn gần 43 tỷ đồng nên đến nay dự án đang tạm dừng thi công.

Đối với Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn Khe Ve - Cha Lo, QL12A, theo UBND tỉnh Quảng Bình, QL12A là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan với Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo để ra cảng Hòn La (Quảng Bình), Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đây cũng là tuyến đường ngang kết nối các trục đường dọc chính như: đường Hồ Chí Minh, QL15, QL1 nên có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng của địa phương và khu vực.

“Trong những năm qua, tuyến đường đã được Bộ GTVT đầu tư xây dựng với tiêu chuẩn từ cấp 3-4. Hiện nay, lưu lượng xe lưu thông trên tuyến từ cửa khẩu quốc tế Cha Lo đi các cảng Hòn La, Vũng Áng và ngược lại là rất lớn; đặc biệt là đoạn từ cửa khẩu Cha Lo đến đường Hồ Chí Minh (ngã ba Khe Ve), chiều dài hơn 38km chủ yếu là các xe vận tải hạng nặng, xe container vận chuyển hàng hóa quá cảnh từ Lào trong khi quy mô tuyến hiện tại chỉ là cấp 4, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 6,5m, độ dốc lớn, bán kính đường cong nhỏ nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Từ đây, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ GTVT giữ nguyên phương án tuyến hiện có, đầu tư tuyến mới dài 38,5km với hướng tuyến đi song song và có sự kết nối với tuyến hiện tại, quy mô đường cấp 3 vùng núi với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, khi đưa vào sử dụng sẽ tiến hành tổ chức phân luồng giao thông một chiều trên tuyến mới và một chiều trên tuyến cũ”, ông Thuật nói.

Cùng với hai dự án trên, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cũng kiến nghị Bộ GTVT giúp đỡ sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp quốc lộ 9B đoạn Km0-Km4 (Quán Hàu - Vĩnh Tuy) và Km20-Km52 (Ngã ba Vạn Ninh - Nga ba Tăng Ký).

Được biết, dự án này đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư và giao cho Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư. Hiện, hồ sơ Dự án và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đã trình Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 660 tỷ đồng. Bộ KH-ĐT đã có ý kiến thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn nhưng đến nay dự án vẫn chưa có nguồn vốn triển khai.

Liên quan đến các đề xuất của địa phương, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với dự án QL12A đoạn tránh Nhà máy xi măng sông Gianh, Bộ GTVT đã tiếp thu đề xuất của tỉnh và giao cho Ban QLDA 85 báo cáo chủ trương đầu tư, hiện nay hồ sơ đã sẵn sàng, chỉ chờ Chính phủ đưa ra tiêu chí và định mức nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ sàng lọc và phê duyệt dự án ngay.

“Dự án đầu tư nâng cấp QL12 đoạn Khe Ve - Cha Lo kết nối với cửa khẩu Cha Lo, một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng và kết nối với cảng Hòn La, Hiện tại, Bộ GTVT đang giao Ban QLDA 85 lập chủ trương đầu tư dự án và dự kiến đưa vào thực hiện trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Đối với dự án đầu tư nâng cấp QL9B, Bộ GTVT cũng đã giao đơn vị chức năng lập đề xuất chủ trương đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Nhằm đảm bảo hiệu quả và tiến độ trong công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình nghiên cứu, gửi Bộ GTVT một văn bản đề xuất thứ tự ưu tiên các dự án giao thông Bộ GTVT đang nghiên cứu để Bộ có cơ sở lựa chọn dự án đầu tư đúng theo yêu cầu của địa phương.

img
Ngoài việc mở rộng nhà ga, CHK Đồng Hới cũng sẽ được mở rộng vị trí điểm đỗ, nâng cao năng lực khai thác - Ảnh minh họa

Sớm nâng cấp CHK Đồng Hới

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật cho biết, hiện nay, sự phát triển của Quảng Bình có sự đóng góp không nhỏ của cảng hàng không (CHK) Đồng Hới. Đây là CHK được đưa vào khai thác năm 2008 với quy mô sân bay cấp 4C, đang khai thác 3 tuyến bay nội địa đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cát Bi và ngược lại; 1 đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiềng Mai (Thái Lan).

Ông Thuật cho biết, theo Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, công suất thiết kế hành khách dự kiến của CHK Đồng Hới đến năm 2020 là 2 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 là 3 triệu HK/năm.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình mong muốn Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp CHK Đồng Hới, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển du lịch.

Thông tin về tiến độ triển khai dự án, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, hiện nay, ACV đang triển khai nâng cấp sân bay Quảng Bình, tập trung hai dự án đầu tư nâng cấp nhà ga công suất 3 triệu hành khách/năm, mở rộng sân đỗ từ 4 vị trí lên 8 vị trí.

“Thời gian qua, việc triển khai dự án còn chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia quốc tế chưa thể đến. Đặc biệt, dự án cũng đang gặp vướng mắc về đất đai do có khoảng 10ha liên quan đất quân sự. Vì vậy, ACV rất mong địa phương, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ thủ tục về đất đai để có thể đáp ứng tiến độ đề ra”, ông Phiệt nói và cho biết, nếu các thủ tục được giải quyết, dự kiến công tác mở rộng sân đỗ sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và việc mở rộng cảng hàng không sẽ được hoàn thành sớm nhất vào năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thế mạnh lớn nhất của Quảng Bình hiện nay là du lịch. Vì vậy, sân bay Đồng Hới sẽ là điểm nhấn trong tiến trình phát triển. Nếu sân bay có nhà ga tốt, nhiều tuyến từ Quảng Bình qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hoặc một số nước châu Âu sẽ được mở ra, thúc đẩy KT-XH Quảng Bình phát triển.

“Với ý nghĩa quan trọng đó, Cục Hàng không phải phối hợp với cơ quan liên quan, giúp ACV tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. Đặc biệt, đối với sân bay Đồng Hới, thay vì chỉ lập quy hoạch công suất từ 3 - 5 triệu hành khách/năm, ACV cần lập một quy hoạch tổng thể khoảng 20 - 25 triệu hành khách, sau đó phân kỳ giai đoạn đầu tư để đảm bảo sự đồng bộ, tránh kiểu quy hoạch ngắn hạn, chỉ đáp ứng nhu cầu được một thời gian rồi phá bỏ xây mới gây ra sự lãng phí”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.