Xã hội

ĐB Dương Trung Quốc: “Đừng để đưa nhân tài về người ta lại bỏ đi”!

01/11/2019, 07:42

Trên diễn đàn Quốc hội, một trong những tranh luận sôi nổi giữa các ĐB là nội dung: Thế nào là người tài và việc thu hút người tài như thế nào?

img
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Trong đó, tranh luận giữa hai ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) và ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim) được dư luận chú ý. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Dương Trung Quốc để làm rõ hơn vấn đề này.

Đừng hiểu nhân tài quá cao siêu

Sáng 24/10, thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim) cho biết, nhân tài muốn phát triển phải có môi trường tốt, giống như hạt giống tốt phải được gieo trên đất tốt mới đơm hoa, kết trái, cho vụ mùa bội thu.
Tham gia tranh luận, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được cả, vì họ thực hiện theo luật pháp, theo quy trình đã định rồi. Công chức có năng lực thì chỉ cần đánh máy giỏi không có lỗi, để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi... Bây giờ chúng ta nói công chức yêu nước, thế những người tài làm ở nơi khác không yêu nước à?”.
Tiếp tục tham gia tranh luận, ông Tuấn cho biết “rất sốc và buồn khi nghe đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu như vậy”. Trao đổi lại, ông Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều”, “Phải biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ và có hệ thống giá trị để chúng ta thu hút người tài”.


Qua phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 24/10 vừa qua, có thể thấy, ngay cả khái niệm nhân tài cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông, thế nào thì có thể gọi là nhân tài?

Nói đến nhân tài, nhiều người hay nghĩ đó là những người lỗi lạc, kiệt xuất, thiên tài... Tôi thì nghĩ, nhân tài đơn giản là người giỏi, họ có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó và người tài có thể xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Chỉ đơn giản, một người y tá giỏi, thì phải biết chọc mũi tiêm khéo léo, an toàn, không làm bệnh nhân đau đớn. Việc này, bác sỹ có khi không làm nổi, trong khi xã hội thì lại luôn nhìn nhận người bác sỹ ở vị trí cao hơn người y tá, cả về lương bổng lẫn về vị trí xã hội. Theo tôi, đó là một cách nhìn phiến diện.

Nếu nói như vậy, người tài chỉ là người hoàn thành đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, không thể có cái gì sáng tạo, đột phá?

Trong khối cán bộ, công chức và viên chức, thì nhân tài quan trọng nhất vẫn phải có tính kỷ luật công vụ, làm cho tốt chức trách của mình, sao cho nhanh, đúng, không sai sót; giải quyết mối quan hệ với cấp trên, với dân sao cho đồng thuận. Về kỷ luật chính trị, công chức phải trung thành với chế độ, đất nước, quốc gia, với Đảng. Đừng đòi hỏi tài năng của hệ thống công chức là cái gì đột phá vì anh phải làm đúng quy chuẩn, quy chế và anh phải làm tốt công việc của mình.

Còn những bộ phận các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, bệnh viện, thì cần xây dựng cơ chế thu hút nhân tài khác, không nên đưa vào Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Dụng nhân như dụng mộc

Việc “chiêu hiền đãi sỹ” thời xưa và ngày nay là “trải thảm đỏ mời người tài về làm việc” luôn được lãnh đạo mọi thời kỳ nhấn mạnh, chú trọng. Theo ông, việc thu hút người tài thời xưa và thời nay có gì khác biệt không?

Ngày xưa khi Cụ Hồ lựa chọn nhân tài phục vụ đất nước, khi đó, do bối cảnh lịch sử đặc biệt, là lúc chúng ta mới độc lập, phần lớn những người tài là người của chế độ cũ hoặc quan lại, công chức, các nhà khoa học, trí thức lớn. Nên lúc đó, muốn thu hút người tài, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, “lòng yêu nước” lên hàng đầu, để chính những người đó vượt qua được những thứ thông thường như cuộc sống đầy đủ, lương cao, bổng lộc.

Điều đó không phù hợp với bây giờ. Bởi bây giờ, nhân sự phần lớn được đào tạo trong cùng một chế độ hoặc chúng ta thu hút từ nước ngoài về. Muốn thu hút và giữ chân được nhân tài, chúng ta phải tôn trọng họ, có chế độ đãi ngộ tốt và tạo cho họ một môi trường làm việc tốt.

Tôi là người làm sử, tôi thấy các cơ chế, quan điểm phải đặt đúng lúc, đúng chỗ mới hiệu quả và khả thi. Chứ ở giai đoạn hiện nay, đừng nhân danh “yêu nước là chính” để hy vọng thu hút và giữ chân được nhân tài. Bởi, người có tài nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc tốt, thì họ yêu nước cũng không có nghĩa họ ở lại cống hiến.

Còn việc sử dụng người tài thời xưa và thời nay, có gì khác biệt không, thưa ông? Làm thế nào để người tài thật sự phát huy được tài năng và trí tuệ để đóng góp cho đất nước?

Việc sử dụng người tài ngày xưa cũng như của Bác Hồ là biết cách dùng người, “dụng nhân như dụng mộc”, người nào làm đúng việc ấy thì mới phát huy được sức mạnh của tập thể.

Như ông Nguyễn Văn Huyên là người có vị trí xã hội rất cao, là một tiến sỹ sử học, bình thường ông có thể trở thành một nhà khoa học lớn, một giáo sư giỏi. Nhưng chỉ Bác Hồ mới biết cách dùng, đưa ông Huyên vào bộ máy Nhà nước, phát huy thế mạnh của ông ấy, uy tín xã hội và trình độ học vấn, nhân cách con người của ông ấy. Đấy là cách dùng người.

Quan điểm của Cụ Hồ là ai cũng có cái tài, biết cách phát hiện ra, dùng cái tài ấy vào đâu mới là quan trọng. Người giỏi viết đừng bắt người ta nói, người giỏi nói đừng bắt người ta viết, ví dụ thế. Tôi cho rằng, đây là quan điểm rất chính xác, phù hợp hiện nay.

Thời nay, muốn phát huy được nhân tài, bộ máy tuyển dụng phải phát hiện ra mỗi người có một năng lực, để có một chế độ chính sách phù hợp, thu hút được người tài đó về. Phát hiện được nhân tài đã khó, đưa được họ về, cho họ phát huy năng lực còn khó hơn. Lúc đó, lại phải có cơ chế đãi ngộ, tạo ra một môi trường làm việc để người tài phát huy hết năng lực chuyên môn. Đừng để đưa nhân tài về, người ta lại bỏ đi.

Với cơ chế như hiện nay, theo ông, việc trọng dụng người tài có gì cản trở hay không?

Cơ chế của chúng ta không còn phù hợp như trước đây 70 năm nữa. Như tôi đã từng đặt câu hỏi với anh Tuấn (ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - PV), nếu nói thuần túy là yêu nước, là trách nhiệm, anh thấy có người tài hơn, anh có dám nhường chức không? Nếu anh ấy dám nhường chức cho người khác thì trong cơ chế này ai bổ nhiệm người đó nếu họ không đủ tiêu chuẩn của tổ chức? Với cơ chế hiện nay, chỉ cần không có một cái bằng cao cấp lý luận chính trị là đã không được, chứ đừng nói đảng viên hay không đảng viên.

Rồi nếu chúng ta làm luật để rộng cửa đón nhân tài, thì họ có vận hành được bộ máy không? Tôi đã từng trải qua thời kỳ đổi mới, được cử làm Phó viện trưởng Viện Sử học và chính tôi cũng cảm thấy mình cần rút lui vì chỉ cần hội nghị chi bộ ra Nghị quyết là mình ngồi im thôi.

Với khối công chức, viên chức, trừ những lĩnh vực nghiên cứu ra, có thể phát huy được tài năng không nếu anh bỏ qua yếu tố kỷ luật? Còn nếu hiểu nhân tài để thu hút những nhân vật kiệt xuất, cá biệt thì tôi thấy nên có cơ chế đặc thù và đưa vào một văn bản khác, đừng sa lầy vào Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ông vừa lý giải về cuộc tranh luận với ĐB Tuấn. Trong cuộc tranh luận này, ông Tuấn khẳng định, có rất nhiều nhà khoa học từ nước ngoài bỏ mức lương rất cao để về Việt Nam xây dựng đất nước, có nhiều cán bộ khoa học tài năng đang ngồi nhận mức lương công chức, viên chức, trong khi họ có thể có mức lương rất cao nếu ra khối tư nhân làm. Ông Tuấn đang phản bác lại quan điểm “chúng ta đang làm việc nhưng không có lòng yêu nước”. Ông có muốn nói gì thêm sau buổi tranh luận tại nghị trường Quốc hội?

Trong cuộc tranh luận này, ông Tuấn hiểu nhầm dễ thôi, lỗi cũng có thể của tôi nói không rõ nghĩa. Tôi chỉ muốn tranh luận, làm rõ ở thời đại bây giờ khác rồi và ngay cả yêu nước cũng đã khác nên đừng lấy chuẩn cũ làm cho bây giờ. Quan trọng nhất, sâu sắc nhất theo tư tưởng của Cụ Hồ là “dùng đúng người, đúng lúc, đúng chỗ”. Bây giờ một người rất giỏi bên ngoài về thì hãy sắp xếp một công việc phù hợp, tạo ra môi trường hoạt động tốt để họ phát triển. Chế độ đãi ngộ và sự tôn trọng là thế.

Có thể khác biệt nhau trong lúc tranh luận nhưng đừng quy chụp những chuyện xa rời tư tưởng. Còn tôi đặt câu hỏi: “Anh Tuấn có từ chức không?” là tôi nói trong thuyết tam đoạn luận, để thấy rằng anh không thể lấy một giá trị cũ áp cho thời điểm hiện nay.

Sau cuộc tranh luận đó, ông có gặp lại ĐB Tuấn?

Có chứ, chúng tôi vẫn gặp nhau và nói chuyện bình thường. Bởi, mọi cuộc tranh luận cũng chỉ để làm rõ hơn vấn đề mà thôi!

Người có tài năng là người có năng lực vượt trội

Theo quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Nhà nước có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị không do tỉnh quản lý; người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quy định tại các Điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 39 của Luật này quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

HĐND, UBND cấp tỉnh quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý.

ĐB Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh):
Người tài khác thiên tài

img

Người tài không phải là người có cái gì cao siêu quá, mà là người có nhân phẩm tốt, có tính cách tốt và có kỹ năng tốt trong công việc, vị trí mình được giao. Nhân tài có nhiều trong cuộc sống hàng ngày, nhưng hiện cơ chế của chúng ta chưa lọc được, chưa chọn được để bố trí cho phù hợp. Đào tạo một đường, sử dụng một nẻo, tuyển dụng cũng còn nhiều cái bất cập. Rồi cơ chế sử dụng cán bộ của chúng ta chưa làm cho người tài cảm thấy được trọng dụng, nên những người có tài, thực sự sáng tạo họ không thích làm trong Nhà nước.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang):
Không khó để phát hiện, chỉ cần thực tâm

img

Người thực sự tài năng vượt trội không ít, nếu người lãnh đạo có trách nhiệm, có thực ý trọng dụng người tài thì cũng không quá khó để thấy được nhân tài mà mình cần.

Chính phủ đang xây dựng đề án về chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài, tôi thấy cần quy định giao cho người đứng đầu Chính phủ có thẩm quyền quyết định một số chính sách vượt khung pháp luật trong công tác cán bộ, trong chính sách đãi ngộ để thu hút, lôi kéo những người tài tham gia vào phục vụ đất nước. Như vậy thì khả thi và đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc lựa chọn, sử dụng người tài và tránh được tình trạng này đưa ra đấy rồi dàn trải, làm phong trào.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận):
Khó định lượng

img

Nếu quy định “người tài năng trong hoạt động công vụ” là những cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn và hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực mà ít người đạt được, thì rất khó, vì trong thực tế rất khó để có thể định lượng được. Lại có những người không có khả năng vượt trội nhưng lại có rất nhiều đóng góp cho cơ quan, tổ chức, thì theo quy định này, lại không được công nhận người tài. Nếu như các quy định là có năng lực vượt trội thì rất có thể lại “có cửa” để đưa những công chức thuộc diện “5C” (con cháu các cụ cả) vào những đối tượng này để hưởng chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.