Xã hội

ĐBQH đề nghị giải quyết dứt điểm kỳ án “chiếm đoạt con dấu” kéo dài 15 năm

07/05/2020, 09:42

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã gửi văn bản đến Thủ tướng và Chánh án TANDTC đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc ở Công ty CP Hữu Nghị.

img
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội

Vụ việc càng ngày càng trượt dài vào im lặng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đề nghị giải quyết vụ việc lùm xùm kéo dài suốt 15 năm qua tại Công ty Cổ phần Hữu Nghị (23 Quán Thánh, Hà Nội).

Theo ông Nhưỡng, trong thời gian qua ông nhận được đơn và đã trực tiếp trao đổi với bà Mai Thị Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT, đại diện cho nhóm cổ đông là “nạn nhân” tại Công ty Cổ phần Hữu Nghị phản ánh việc họ chiếm 70% cổ phần nhưng lại bị “hất” ra khỏi phạm vi điều hành của doanh nghiệp.

Việc bà Khánh bị khởi tố oan, sau đó bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp suốt thời gian dài đã đẩy gia đình bà và nhiều cổ đông vào cảnh khốn cùng, mất nhà cửa, tiền bạc, uy tín; trong khi đó những người vi phạm pháp luật thì nhởn nhơ chiếm đoạt tài sản của các cổ đông.

Ông Nhưỡng phản ánh, vụ việc này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chủ trì họp - có sự tham dự của ĐBQH Lê Thanh Vân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Trong cuộc họp đó, Phó Thủ tướng Thường trực đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo của bà Mai Thị Khánh.

Đồng thời giao Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm tra, xem xét làm rõ một số vấn đề có liên quan để giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên (Thông báo số 227/TB-VPCP ngày 7/7/2019). Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 năm trôi qua, ông và ĐBQH Lê Thanh Vân vẫn chưa có thông tin gì về việc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực.

Ông Nhưỡng cho rằng, vụ việc đang có dấu hiệu “trên bảo - dưới phớt lờ”, càng ngày càng trượt dài vào im lặng, “chìm xuồng” gây bức xúc. Ông đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan báo cáo kết quả giải quyết vụ việc nêu trên; trong trường hợp cần thiết giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra làm rõ sự việc và sai phạm để có cơ sở xem xét, xử lý trách nhiệm, tránh tình trạng kéo dài xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đồng thời, chỉ đạo xem xét trách nhiệm cơ quan, cán bộ, công chức có liên quan đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cố tình không thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét, kháng nghị huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 02/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để bảo vệ quyền lợi của những người dân này.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại về hậu quả của vụ án

Trong văn bản gửi tới Chánh án TAND Tối cao mới đây, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định, ông tán đồng quan điểm giải quyết vụ việc của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã kiến nghị nêu trên.

Ông Vân cũng đã chuyển đơn của những người dân kiến nghị huỷ Quyết định giám đốc thẩm số 02/2007 vì đã có những tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định này, tới TAND Tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

ĐBQH Lê Thanh Vân cũng đã có văn bản gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về hậu quả của vụ án “Chiếm đoạt con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trái pháp luật do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội gây ra năm 2015 tại Công ty Cổ phần Hữu Nghị.

Từ ngày 11/8/2018, Báo Giao thông đã có bài viết "Khi kỷ cương bị xem thường và nỗi khốn khổ của một doanh nhân", phản ánh việc từ một nữ doanh nhân giàu có, bà Mai Thị Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hữu Nghị trở thành người trắng tay, phải đi thuê nhà ở và hàng chục năm qua lúc nào cũng sống trong sợ hãi.

Vụ việc bắt nguồn từ tháng 11/2005, khi Công an Hà Nội hình sự hoá bằng quyết định khởi tố vụ án “Chiếm đoạt con dấu” theo điều 268 BLHS. Cùng với đó, Công an Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp để tịch thu con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tất cả giấy tờ liên quan đến tư cách pháp nhân của công ty. Nhưng sau cả năm trời, cơ quan điều tra không tìm ra ai là người chiếm đoạt con dấu và cũng không tìm ra sai phạm gì trong hoạt động kinh doanh của công ty, vì thế, không thể ra kết luận điều tra cũng như khởi tố bị can. Vì vậy, VKSND Hà Nội đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã đình chỉ vụ án này.

Nhưng sau đó, UBND TP Hà Nội bằng mệnh lệnh hành chính đã ra quyết định thu hồi con dấu của Công ty CP Hữu Nghị để giao cho ban lãnh đạo mới của công ty này. Đồng thời, chuyển giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở KH&ĐT để làm thủ tục cấp lại giấy đăng lý kinh doanh cho HĐQT mới.

Thậm chí, UBND TP Hà Nội còn ra thông báo về việc thay đổi HĐQT của Công ty CP Hữu Nghị, khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết và đề nghị dừng mọi hoạt động giao dịch với công ty này qua bà Mai Thị Khánh cũng như bất cứ cá nhân nào không phải đại diện hợp pháp của công ty.

Từ đó đến nay, bà Khánh và các thành viên HĐQT hợp pháp của Công ty CP Hữu Nghị đồng thời là các cổ đông lớn sở hữu hơn 70% vốn điều lệ công ty - đã bị nhóm cổ đông trên đẩy ra khỏi doanh nghiệp, dùng con dấu để xác nhận mua bán trái phép cổ phần, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ đó đến nay, bà Khánh cùng 16 cổ đông khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty CP Hữu Nghị liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc mua bán, thâu tóm cổ phần bất thường xảy ra tại công ty.

Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng đã 4 lần có chỉ đạo nhưng đến nay vụ việc vẫn bị bỏ lửng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.