Xã hội

ĐBQH: "Không phải khó thì về địa phương, dễ thì Trung ương làm"

09/11/2021, 09:49

Dẫn chứng lô hàng cứu trợ TP.HCM về gần 1 tháng chưa lấy ra được, nữ đại biểu TP.HCM đề xuất cơ chế đột phá trong tình cảnh "nước sôi lửa bỏng".

Để "không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy"

Hôm nay (9/11), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội bước vào ngày thảo luận thứ hai về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và và phòng chống dịch Covid-19.

img

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) chia sẻ, đợt dịch vừa qua tại TP.HCM làm hơn 400.000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong. Bà thay mặt nhân dân TP.HCM cảm ơn sự giúp đỡ từ các nơi giúp thành phố vượt qua cơn đại dịch.

Góp ý vào báo cáo phòng chống dịch và việc thực hiện mục tiêu năm tới, bà Châu cho rằng chưa thấy giải pháp thúc đẩy sự mạnh dạn, ý thức của các bộ ngành, địa phương, nhất là các đơn vị tham mưu, để thấy được trách nhiệm của các cơ quan này trong việc tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn.

“Không phải cứ khó thì về địa phương, dễ và đúng quy định thì Trung ương làm”, bà Châu nói.

Với những việc mà địa phương cần xin ý kiến trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng”, nữ đại biểu cho rằng cần cơ chế cho sự đột phá.

Bà dẫn chứng câu chuyện lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Australia ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM. Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong khi Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.

"Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời, vậy tại sao không tham mưu luôn nêu chính kiến của mình?", bà Châu nói và cho rằng cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Bà cũng đặt câu hỏi “Lô hàng cứu trợ TP.HCM về gần 1 tháng chưa lấy ra được là lỗi do ai?”.

Từ đó, nữ đại biểu mong Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu, để "không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy".

"Chúng tôi cần một sự phân cấp mạnh, một hướng dẫn rõ ràng trong những tình huống như thế này", nữ đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.

"Cần sớm đánh giá hiệu quả quy định thích ứng an toàn"

Phát biểu tại hội trường, đại biể Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho biết, sau đợt dịch thứ 4, người lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê đông, khiến tình hình khó kiểm soát. Số ca mắc gần đây tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều vấn đề.

Do đó, ông Hải đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn. Từ đó, có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc, giảm ca tử vong.

Theo ông, thực tế người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, một số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch khó kiểm soát.

"Thực tế này cho thấy người dân về quê nguy cơ mang mầm bệnh cao, đề nghị khuyến khích cách ly tập trung nơi có điều kiện để phòng chống dịch, không lây lan cho cộng đồng", Đại biểu đến từ tỉnh Thanh Hóa nói.

Cạnh đó, kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc nhóm có nguy cơ cao rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Vì vậy, "nếu không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ với xét nghiệm sàng lọc thì sẽ là gánh nặng cho cơ sở khám chữa bệnh và ngân sách địa phương".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.