Xã hội

ĐBQH: "Thăng hàm cấp tướng bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập"

11/04/2018, 17:09

Ông Hà Ngọc Chiến đề xuất đưa việc thăng quân hàm cấp tướng vào diện xác minh tài sản bắt buộc.

ha-ngoc-chien.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất đưa việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang vào diện xác minh tài sản bắt buộc.

Góp ý vào dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được Uỷ ban TVQH cho ý kiến ngày 11/4, nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến về vấn đề kê khai tài sản.

Theo quy định trong dự thảo Luật, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.

Góp thêm ý kiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề xuất đưa việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang vào diện xác minh tài sản bắt buộc, tương tự như bổ nhiệm, bầu cử, bổ nhiệm lại.

Theo ông Chiến, việc này rất cần làm vì quy trình phong, thăng quân hàm cấp tướng chặt chẽ và đây cũng là vinh dự lớn. "Nếu không quy định thì ban soạn thảo dự án Luật phải giải thích vì sao", ông Chiến nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với đề nghị của ông Chiến, vì theo bà, việc phong, thăng quân hàm cấp tướng cũng là "có chức tước".

Trong khi đó, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần quan tâm đến việc thẩm tra bản kê khai tài sản. Bởi hiện nay, khi đọc hồ sơ nhân sự được giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu không thể biết được họ kê khai tài sản đúng hay sai, và có thực tế là cán bộ "không nghèo nhưng kê khai rất nghèo".

Vì thế, cần có cơ quan thẩm tra độc lập một cách tương đối để biết được việc kê khai tài sản đúng sai thế nào.

"Kể cả ứng cử viên bầu ĐBQH cũng cần có thẩm tra sơ bộ về kê khai tài sản, chứ để bầu rồi lại bãi nhiệm thì không hay chút nào cả. Khoá này có đến 7-8 đại biểu bị bãi nhiệm, đau xót lắm" - ông Phúc góp ý.

Đề cập việc xử lý tài sản bất minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, cử tri rất ủng hộ phải có biện pháp mạnh mẽ. Nhưng cũng còn một bộ phận có tài sản nhất định thì đang nghe ngóng xem luật quy định như thế nào để ứng xử cho phù hợp, trong đó có việc đầu tư cho con đi học nước ngoài, đi chữa bệnh nước ngoài..

"Phải xử lý thế nào để vừa chống được tham nhũng mà tiền trong nước không bị chảy ra nước ngoài, ta vay nước ngoài vài triệu thì cảm ơn lên cảm ơn xuống, nhưng kinh nghiệm đã có thời kỳ quá cứng nhắc thì tiền chạy ra khỏi nước ta vô cùng nhiều", ông Dũng nêu thực tế, đồng thời nhấn mạnh, phải tính toán kỹ để chống tham nhũng nhưng đừng mất tiền của của đất nước của nhân dân. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.