Xã hội

Đề án 34.000 tỷ thiếu chuyên nghiệp

21/04/2014, 06:21

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT- SGK) hơn 34.000 tỷ đồng của Bộ GD&ĐT còn thiếu chuyên nghiệp.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

20.000 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học là không hợp lý


Ông đánh giá như thế nào về đề án đổi mới CT-SGK của Bộ GD-ĐT? 


Theo tôi, trước hết, Chính phủ phải có chương trình hành động để triển khai Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có chương trình hành động này mới biết là cần làm bao nhiêu việc; lộ trình như thế nào; tổng kinh phí là bao nhiêu... mà đề án CT-SGK chỉ là một cấu phần. Nếu không, rất dễ dẫn đến tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”: Bộ GD&ĐT trình đề án đổi mới CT-SGK 34.000 tỷ đồng, QH thông qua xong; nửa năm sau lại có một đề án nữa là đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục ở đại học 34.000 tỷ; rồi sau đó vài tháng lại trình đề án đổi mới công tác dạy nghề…, thế thì QH bị động, làm sao đáp ứng được? 


Thứ hai, chúng ta đang chuẩn bị thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD&ĐT. Vậy, thẩm quyền xây dựng các đề án, chỉ đạo công cuộc đổi mới GD&ĐT là của  Bộ GD&ĐT hay của Ủy ban? Việc QH thông qua Dự án này trước khi Ủy ban bắt đầu hoạt động liệu có đặt Ủy ban ấy trước một việc đã rồi không? 
 

"Khoản chi hơn 5.000 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT cũng được đưa vào đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong khi nội dung này đã có cả một đề án của Chính phủ (Đề án 112) và đã được thực hiện từ lâu lắm rồi, Chính phủ cũng đã chi cho việc này nhiều tiền lắm rồi, thậm chí có nhiều "ông" phải đi tù vì cấu kết, rút tiền của NSNN đầu tư cho đề án này… Do vậy, Bộ GD&ĐT phải đánh giá lại, việc đổi mới CNTT trong lĩnh vực giáo dục đã làm đến đâu, thì điều chỉnh, bổ sung đến đó...". 

 

GS. Nguyễn Minh Thuyết 

Thứ ba, Đề án chưa được tập thể Chính phủ biểu quyết thông qua, nhưng không hiểu tại sao Bộ GD&ĐT đã được ủy quyền trình đề án này sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)? Cách đây nửa tháng, khi họp nghe Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch báo cáo về việc đăng cai ASIADS 18, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở Bộ này: “Chưa báo cáo Thủ tướng đã đi trình bày ở QH”. Vậy lần này có lặp lại chuyện đó không? 

Thứ tư, nếu đề án tiêu đến 34.000 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) thì thuộc vào diện công trình quan trọng Quốc gia theo Nghị quyết số 66 của QH và như vậy, phải trình QH xem xét. Nhưng cơ quan tham mưu của QH về vấn đề này là UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTTN&NĐ) không làm báo cáo thẩm tra đề án mà lại làm báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của QH. Chuyện đó là chuyện ngược đời. Vì theo quy định, dự thảo Nghị quyết QH về đề án nói trên phải do chính UB này viết. Như thế có nghĩa là UB lại tự thẩm tra văn bản do mình khởi thảo. Nhưng điều tôi quan tâm hơn là, nếu “anh” chỉ chú ý đến lời văn của Nghị quyết mà không xem xét Đề án thì anh báo cáo QH để thông qua chủ trương trên cơ sở nào? Và nếu số tiền đến hơn 34.000 tỷ đồng được tiêu mà không có sự thẩm định của QH thì rõ ràng là không đúng trách nhiệm với dân! 


Theo giải trình của Bộ GD&ĐT, khoản chi cho viết sách chỉ 105 tỷ đồng, trong khi những hạng mục khác lại tiêu gấp hàng trăm lần. Với mục tiêu đổi mới CT-SGK, điều này có hợp lý không, thưa ông? 


Để đổi mới CT-SGK thì phải có những điều kiện kèm theo, như cơ sở vật chất (tài lực, vật lực), con người (nhân lực), nghĩa là có phần cải tạo cơ sở vật chất các trường; bồi dưỡng, đào tạo giáo viên… Đó có thể là hai đề án độc lập hoặc đưa vào đề án này cũng được. 


Nhưng việc dành đến hơn 20.000 tỷ đồng cho mua sắm trang thiết bị dạy học không hợp lý. Bởi vì anh chưa bắt tay vào soạn chương trình, chưa có sách mới, thì làm sao biết cần những thiết bị gì? Phải soạn sách rồi mới biết môn vật lý, môn hóa, dạy những gì; môn sử, địa dạy ra sao…, từ đó cần những thiết bị gì, số lượng bao nhiêu, tiêu chuẩn như thế nào… 


Thứ hai, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước thì chỉ cần đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn về trang thiết bị, còn việc huy động vốn, sản xuất, mua bán là việc của thị trường, trên cơ sở tuân thủ các quy định về chi tiêu, mua sắm, đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch. Mặt khác, việc mua sắm thiết bị giáo dục, có thể được lấy từ NSNN chi cho giáo dục hàng năm, tại sao phải đưa vào đề án này? Tương tự như vậy là khoản chi hơn 5.000 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT. Ai cũng biết nội dung này đã có cả một đề án của Chính phủ (Đề án 112) và đã được thực hiện từ lâu lắm rồi, Chính phủ cũng đã chi cho việc này nhiền tiền lắm rồi, thậm chí có nhiều “ông” đã phải đi tù vì cấu kết, rút tiền của NSNN đầu tư cho đề án này… Do vậy, Bộ GD&ĐT phải đánh giá lại, việc đổi mới CNTT trong lĩnh vực giáo dục đã làm đến đâu, thì điều chỉnh, bổ sung đến đó... 
 

Thay vì viết lại toàn bộ, chỉ cần rà soát, đánh giá lại CT-SGK hiện nay sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho ngân sách
Thay vì viết lại toàn bộ, chỉ cần rà soát, đánh giá lại CT-SGK hiện nay sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền cho ngân sách


Tìm phương pháp đỡ tốn kém cho ngân sách


Để đổi mới CT - SGK cũng như đổi mới GD&ĐT nói chung, theo ông có cách nào ít tốn kém và vẫn hiệu quả không?


Thay vì đưa ra một đề án đồ sộ mà kém tính khả thi, chúng ta hoàn toàn có thể làm cách khác ít tốn kém hơn. Chẳng hạn, trước mắt chỉ cần rà soát, chỉnh sửa những điều bất cập của CT-SGK hiện nay (việc này thời gian qua đã làm nhiều rồi), tập trung đổi mới phương pháp dạy học; rồi trong quá trình đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân viết những bộ SGK mới, tức là phát huy nguồn lực xã hội, cả về tài chính, trí tuệ; như vậy thì Nhà nước gần như chẳng phải tốn kém gì. Các nước họ cũng làm thế chứ ai phải để cơ quan quản lý Nhà nước ôm vào những việc như thế này! 

Giả sử, đề án vẫn được thông qua, song nếu không hiệu quả, ai là người phải chịu trách nhiệm, nhất là khi lãnh đạo Bộ có thể thay đổi sau 1 - 2 nhiệm kỳ? 


Về nguyên tắc, cá nhân lãnh đạo có thể thay đổi nhưng quản lý Nhà nước là liên tục. Với những đề án 10 năm, 20 năm tương tự, các thế hệ lãnh đạo khác nhau vẫn phải gánh vác, kế tục, điều chỉnh thôi và không cách nào khác, cả người đề xuất đề án lẫn người kế tục đều phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nước ta hơi khó quy trách nhiệm, nhiều trường hợp ngay cả lãnh đạo đương nhiệm còn chẳng phải chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu! 

Cảm ơn ông!

Xuân Thu 

(Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.