Thị trường

Đề nghị được hưởng giá FIT điện gió thêm 1 năm

08/09/2021, 16:31

Trước nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện gió, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công thương trình Chính phủ phương án kéo dài thời gian hưởng giá FIT

Nhiều dự án không kịp tiến độ

Theo báo cáo vừa công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 8, đã có thêm 3 nhà máy được công nhận COD là nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 với tổng công suất 15,2 MW; Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận 21 MW; Nhà máy điện gió 7A công suất 12,6 MW.

Như vậy, tính hết tháng 8/2021, chỉ mới có 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại.

img

Dự án điện gió Trung Nam Ninh Thuận. Ảnh: Minh họa.

Nếu so số dự án mới vận hành với con số 106 nhà máy điện gió, với tổng công suất 5.655,5 MW đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD, thì dễ thấy, sẽ có nhiều dự án khó có thể đáp ứng tiến độ để kịp hưởng giá mua điện ưu đãi (FIT) đúng hạn trước 31/10/2021 khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị...

Chưa kể, theo quy định, muốn được EVN công nhận COD thì các doanh nghiệp phải có được văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương địa phương cấp về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng. Nhưng, việc này không dễ khi thời gian "chạy nước rút" chỉ còn hơn 1 tháng nữa.

Kiến nghị hưởng giá FIT thêm 1 năm

EVN đã báo cáo và chờ văn bản trả lời của Bộ Công thương về đề nghị tạm thời không thực hiện các thử nghiệm liên quan và không huy động các nhà máy điện gió hoặc một phần nhà máy điện gió đưa vào vận hành sau ngày 31/10/2021 cho đến khi có cơ chế giá điện mới của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp làm điện gió đang gặp phải trong thời điểm dịch Covid-19, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét, xử lý một số nội dung.

Theo đó, trên cơ sở kiến nghị được gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/11/2022 của các doanh nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét các ý kiến nêu trên.

UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hiện, dự án điện gió Ea Nam tiến độ hoàn thiện đạt khoảng 80% khối lượng công trình; 4 dự án điện gió tại huyện Krông Búk chỉ mới hoàn thành khoảng 40- 45% khối lượng công trình.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như tiến độ cung cấp tua bin gió bị chậm so với hợp đồng mua bán đã ký kết; Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển thiết bị tua bin gió (hàng siêu trường, siêu trọng) gặp khó khăn.

Cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, người lao động thi công trên công trình cũng hạn chế...

Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, do trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng một dự án lớn có hạng mục trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối cần nhiều thời gian để hoàn thiện đầy đủ, các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian khiến cho các dự án điện gió có nguy cơ chậm tiến độ.

Đối mặt với nguy cơ này, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam và UBND các tỉnh có dự án điện gió đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, EVN và các Bộ, ngành liên quan xem xét gia hạn thời điểm phát điện thương mại từ 3-6 tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.