Xã hội

Đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt cho 2 siêu dự án đường vành đai

06/06/2022, 09:50

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt với 2 dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.

Tách riêng phần giải phóng mặt bằng

Sáng nay (6/6), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tờ trình cho biết, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: TP Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).

Dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm: TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).

Tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Riêng đường Vành đai 4 giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.

Trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, phù hợp với các giải pháp đầu tư và nguồn lực giai đoạn 1 đầu tư phân kỳ với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, vận tốc thiết kế 80 km/h, có các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM hình thức đầu tư công được chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội có sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn NSNN và vốn BOT của nhà đầu tư, bao gồm: ngân sách Trung ương: 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 28.193 tỷ đồng; vốn BOT: 29.447 tỷ đồng.

Đối với dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn NSNN để thực hiện đầu tư, gồm: ngân sách Trung ương: 38.741 tỷ đồng: ngân sách địa phương: 36.637 tỷ đồng

Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027. Việc đầu tư 2 dự án góp phần tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Sẽ thu phí đối với Dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM

Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và vận dụng một số cơ chế đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án, bao gồm: Cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025) đã bố trí cho Bộ GTVT về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bố tương ứng các dự án.

Cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần theo cơ cấu nguồn vốn đã được phân bổ tại hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.

Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Cho phép giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết, cấp bách trong khoảng thời gian giữa các kỳ họp của Quốc hội. .

Cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án: Cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản, nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối với dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư dự án cho ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo phần vốn góp đầu tư.

TP.HCM và các tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu chi tiết trong bước tiếp theo của dự án và sẽ báo cáo Chính phủ tổ chức thực hiện xây dựng phương án, tổ chức thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Phân chia dự án thành 8 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.