Giao thông

Đề xuất tháo gỡ khó khăn về vốn cho đơn vị vận tải biển

20/03/2015, 16:04

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển gặp khó về huy động nguồn vốn vay mở rộng đầu tư.

4
Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cùng Đoàn công tác Ban cán sự Đảng bộ GTVT làm việc với các doanh nghiệp hàng hải, vận tải biển trên địa bàn Đà Nẵng.

Như Báo Giao thông đưa tin, ngày 19/3, Đoàn công tác Ban cán sự Đảng Bộ GTVT do Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban Cán sự Đảng bộ GTVT Vũ Quý Phàn phụ trách cùng lãnh đạo các vụ Ban Tổ chức T.Ư, Văn phòng đảng- đoàn thể, Ban tuyên giáo Đảng ủy Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN trực tiếp đến khảo sát, ghi nhận mô hình hoạt động tổ chức Đảng- đoàn thể tại Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Công ty CP Vận tải biển Đà Nẵng, Công ty CP Vận tải đa phương thức, Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực IV, trên địa bàn Đà Nẵng.

Đây chủ yếu là các đơn vị chuyên ngành hàng hải, vận tải biển. Hầu hết các doanh nghiệp này được tiến hành cổ phần hóa (CPH) trong những năm qua, thoái vốn nhà nước 25-100%. Riêng Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực IV chưa tiến hành CPH. Phó cục trưởng Cục Hàng hải Bùi Thiên Thu cùng đoàn công tác trao đổi thuận lợi khó khăn, tình hình hoạt động công tác Đảng, đoàn thể, sản xuất kinh doanh, đổi mới các mô hình công tác Đảng trong thực tiễn CPH.

a2
Huy động nguồn vốn đầu tư với các DN vận tải biển còn nhiều khó khắn, khó tiếp cận

Đánh giá của các đơn vị CPH, lãnh đạo doanh nghiệp đều ghi nhận CPH là xu hướng tất yếu, phù hợp với “dòng chảy” quy luật thị trường. Thời gian CPH chưa dài nhưng công cuộc đổi mới này tạo đà cho DN phát triển, “giải phóng” sức lãnh đạo, sức lao động của tập thể, cán bộ công nhân viên. Chia sẻ về kinh nghiệm này, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó bí thư Đảng ủy Công ty CP Cảng Đà Nẵng đánh giá: kinh nghiệm đặt ra muốn làm tốt công tác xây dựng Đảng thì trước hết sản xuất kinh doanh hiệu quả; việc làm, đời sống người lao động được đảm bảo…

Ghi nhận tại các đơn vị hàng hải, vận tải biển, hoạt động Đảng, đoàn thể đều được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cơ quan cấp trên, tinh thần, ý thức tự giác, đoàn kết. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp này chia sẻ những “lúng túng” sau CPH, các cơ chế chính sách sau CPH, việc bổ nhiệm cán bộ, chính sách hỗ trợ phát triển vận tải biển, nhiều khi chưa kịp thay đổi với tình hình thực tiễn.

Ông Nguyễn Tăng Mãng (Chủ tịch HĐQT), Bí thư đảng ủy Công ty CP Vận tải đa phương thức (Vietranstimex, Đà Nẵng) kiến nghị: đơn vị chuyên về hàng siêu trường, siêu trọng, hàng dự án, đòi hỏi đặc thù vận tải rất lớn. Nhưng “cảm giác” lĩnh vực “vận tải” đối với những doanh nghiệp như mình chưa được Bộ quan tâm đúng mức. Kỹ sư  Đoàn Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT-Giám đốc Công ty Vận tải Biển Đà Nẵng (Danangship) kiến nghị: với những doanh nghiệp vận tải biển sau khi CPH có nhiều khó khăn về chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đặc biệt, việc huy động nguồn vốn rất hạn chế.

a1
Phó cục trưởng Bùi Thiên Thu (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn công tác lắng nghe kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải biển, hàng hải trên địa bàn Đà Nẵng.

Danangship CPH, thoái 100% vốn nhà nước, hiện là đơn vị mang tính “tư nhân” nhưng vẫn duy trì công tác Đảng, đoàn thể. Trước khi CPH, công ty có 8-10 tàu vận tải lớn, hơn 200 cán bộ, nhân viên, nhưng nay giảm còn 1 tàu, chỉ còn hơn 30 nhân viên. Khó khăn trong sản xuất kinh doanh, áp lực về chính sách khấu hao tài sản, khiến hoạt động sản xuất đơn vị nhiều năm qua bị lỗ, không thể vay vốn ngân hàng dù nhu cầu đầu tư, mở rộng kinh doanh lớn.  

Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu trao đổi “bức tranh” vận tải biển Việt Nam, thực tế không ít doanh nghiệp vận tải biển gặp khó khăn: tình trạng thua lỗ, nợ lượng 6-7 tháng, một số vấn nạn về thiên tai, cướp bóc… Tuy nhiên, theo ông Thu, từ năm 2014, Việt Nam đã ra khỏi “danh sách đen” về tình trạng tàu thuyền, vận tải biển bị bắt, lưu giữ ở nước ngoài. Tiềm năng, nhu cầu đầu tư mở rộng hoạt động vận tải biển rất lớn. Nhưng việc huy động vốn khó khăn. “Những con tàu hiện có của doanh nghiệp đang phải cầm sổ trong ngân hàng, nên việc vay tiếp là rất khó. Vấn đề về vốn, cơ chế tài chính, miễn giảm thuế thuộc thẩm quyền của Bộ tài chính, Tổng cục Thuế, Ngân hàng nên Cục kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ ngành chức năng có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn này”, ông Thu nói.

a1
Doanh nghiệp vận tải biển cần các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp "khai thông" nguồn vốn vay.

Trước mắt, Cục Hàng hải rà soát những đơn vị vận tải biển “làm ăn chân chính” có tiềm năng, phương án kinh doanh hiệu quả.. để tìm biện pháp tháo gỡ. Theo ông Sơn “nếu chờ các doanh nghiệp trả hết nợ vay, quay vòng đồng vốn thì mất nhiều thời gian, lỡ cơ hội trước các thời cơ vươn ra biển lớn”.

Lãnh đạo Cục Hàng hải cho hay: Bộ GTVT sẽ tiếp tục Huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải và Tăng cường tổ chức các Hội nghị đối thoại doanh nghiệp; đẩy mạnh tiếp xúc doanh nghiệp, hiệp hội để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện triển khai Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chuyển dịch tái cơ cấu vận tải biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc Nam…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.