Đường sắt

Đề xuất xây tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ 7 tỷ USD trước năm 2030

12/05/2022, 17:55

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ khi hoàn thành sẽ đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai…

Đáp ứng như cầu của tương lai

Ngày 12/5, UBND TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

img

Sơ đồ bản vẽ tuyến đường sắt.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi cho biết, Dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng (thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Toàn tuyến đi qua, kết nối 6 địa phương gồm tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ với 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.

Trên địa phận Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5km. Dự kiến, hướng tuyến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với QL91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên TP.HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 - 4 giờ như hiện nay.

Đại diện tư vấn cũng đề xuất điều chỉnh vị trí của nhà ga Cái Răng so với nghiên cứu trước đó. Đơn vị tư vấn cho biết, khu vực dự kiến bố trí nhà ga này có quy hoạch nút giao IC2 giữa tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến nối QL91- QL Nam Sông Hậu ra cảng Cái Cui (quận Cái Răng).

Do đó, để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện dự án, đơn vị tư vấn đề xuất vị trí ga sẽ song song với tuyến đường bộ QL91- QL Nam Sông Hậu, nằm về phía Tây nút giao IC2 khoảng 1,5km.

img

Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ - Lê Tiến Dũng phát biểu góp ý về dự án đường sắt.

Dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách sử dụng đường sắt, Liên danh tư vấn cho biết, đến năm 2035, kịch bản trung bình sẽ là hơn 6,4 triệu lượt hành khách và 9,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Đến năm 2050, các con số này tăng lên tương ứng là hơn 22 triệu lượt hành khách và 41 triệu tấn hàng hóa có nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt.

Dựa vào các số liệu trên, tư vấn cho rằng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cần hình thành chậm nhất đến năm 2034 để có thể đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai.

Cần đầu tư trước năm 2030

Theo Sở GTVT Cần Thơ, dự án đường sắt TP.HCM - TP Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt theo Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2013. Theo đó, mục tiêu của quy hoạch đã xác định cụ thể hướng tuyến, vị trí nhà ga để các địa phương quản lý quỹ đất, làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng công trình đến năm 2020 theo Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Dự án đường sắt TP.HCM - TP Cần Thơ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ - Lê Tiến Dũng, mặc dù dự án đang trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản.

Điều đó có thể khẳng định nếu dự án được lập quy hoạch tốt, hài hòa lợi ích các bên thì sẽ sớm mời gọi được nhà đầu tư thực hiện, việc triển khai dự án này sớm hơn dự kiến có nhiều niềm tin sẽ thực hiện được. Nếu tranh thủ được nguồn vốn, có nhà đầu tư thì cần thực hiện dự án này sớm hơn, trong giai đoạn 2025 - 2030 thay vì sau năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt và Liên danh tư vấn khi hoàn thiện báo cáo cần nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

“Để phục vụ cho sự phát triển chung theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, dựa trên các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Cần Thơ đề xuất dự án này phải được đầu tư sớm, chậm nhất trước năm 2030 phải triển khai”, ông Hè nói.

img

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT và các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật lại phương án tuyến nhà ga đường sắt để đưa vào quy hoạch tích hợp chung của thành phố đang thực hiện.

Giao cho Sở GTVT chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và quận Cái Răng rà soát, bổ sung quy hoạch lại các trục đường để kết nối vào tuyến đường sắt cho đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Các tuyến đường giao thông này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các địa phương trong vùng để vận chuyển hàng hóa, hành khách về khu vực nhà ga đường sắt.

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan bổ sung, bố trí lại quỹ đất ở khu vực dự kiến xây dựng nhà ga, tận dụng lợi thế từ dự án để phục vụ tốt nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của quận Cái Răng. Đồng thời, quy hoạch một khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Nhận xét báo cáo tiền khả thi của Liên danh tư vấn đã nhận được sự đồng thuận cao từ các sở, ngành, đơn vị liên quan của TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè mong muốn Ban Quản lý dự án đường sắt sớm trình cho Bộ GTVT và các cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét, quyết định thực hiện dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.