Hạ tầng

Đi ngược chiều trên quốc lộ: Cần xử lý bất cập về hạ tầng

19/07/2016, 15:02

Những bất cập về hạ tầng trên các tuyến quốc lộ có khu công nghiệp khiến việc chấp hành trật tự ATGT gặp khó.

Người dân từ Thanh Hà, trong đó đa phần là công nh

Người dân từ Thanh Hà (trong đó đa phần là công nhân) đi ngược chiều trên QL5 để đến KCN Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: Trần Duy

Bên cạnh nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, những bất cập về hạ tầng trên các tuyến quốc lộ có khu công nghiệp (KCN) cũng khiến việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT gặp khó.

Khắc phục bất cập hạ tầng, nguy cơ tai nạn sẽ giảm

Có mặt tại khu vực KCN Lai Vu, PV nhận thấy những bất cập về hạ tầng khiến công nhân và người dân phải đi ngược chiều. Do không bố trí điểm mở dải phân cách giữa hoặc cầu vượt tại cổng KCN nên công nhân từ phía TP Hải Dương phải đi đến đầu xã Lai Vu mới quay ngược trở lại. Còn khi tan giờ làm, công nhân về phía huyện Kim Thành phải đi qua cầu Lai Vu, đến điểm mở thuộc xã Hồng Lạc (Thanh Hà) mới quay ngược trở lại được.

Cách KCN Lai Vu hơn 1 km về phía TP Hải Dương, nút giao giữa QL5 và ĐT390B, đoạn qua xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đến chân cầu Lai Vu thường xuyên ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Khi công nhân, người dân ở huyện Thanh Hà đi từ ĐT390B ra QL5 đến KCN Lai Vu làm việc phải cắt ngang làn đường xe chạy, quay lại đi ngược chiều đường hướng đi TP Hải Phòng để đến KCN Lai Vu. Nếu như tại đây có hầm chui hoặc tại cổng KCN Lai Vu có cây cầu vượt, việc đi ngược chiều sẽ không còn.

Anh Trần Văn Cẩn, một công nhân làm ở KCN Lai Vu cho biết: “Nhiều hôm đi làm vội, tôi đã đi ngược chiều đường, biết là nguy hiểm nhưng nếu đến công ty muộn giờ sẽ bị trừ lương và tiền thưởng”.

Tương tự, trên QL18 cũ, đoạn Km8 - Km10, qua KCN Quế Võ (Bắc Ninh), hạ tầng giao thông ở đây cũng tồn tại nhiều bất cập. Đây là tuyến đường không có dải phân cách cưỡng bức nên vào giờ đi làm hay tan tầm, nhất là buổi sáng, hàng chục nghìn công nhân đi ngược chiều, cắt ngang sang khu công nghiệp một cách tự do nên luôn tiềm ẩn các điểm đen tai nạn.

Trung tá Đỗ Quốc Tuấn, Trạm phó Trạm CSGT Hải Dương cho biết, sau khi đóng nút giao tại Km59+030 khu vực ga Tiền Trung (TP Hải Dương), tình trạng ùn tắc và đi ngược chiều lại được đẩy về điểm mở gần chân cầu Lai Vu. Nguyên nhân chính là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Phương án khắc phục đã được Tổng cục Đường bộ VN và UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt theo hướng mở dải phân cách và làm đường gom.

“Đến nay, qua nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa được triển khai thi công nên trước mắt chúng tôi phải cử cán bộ phân luồng giao thông, tránh để xảy ra tai nạn”, Trung tá Tuấn phân tích.

Ông Vũ Xuân Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV KCN Lai Vu cho biết, hiện có khoảng 10 nghìn lao động làm việc tại KCN Lai Vu và sẽ tăng lên 40 nghìn vào năm 2020. Trước đây, KCN này chỉ là KCN nặng lên lượng công nhân ít, đến nay do thay đổi quy hoạch thành KCN dệt may lên lượng lao động tăng nhanh. Nếu bất cập trên chưa được khắc phục, đây tiếp tục là một điểm giao thông ngày càng phức tạp và nguy hiểm trên QL5.

Cần đồng bộ cả cầu vượt và đường gom

Ngược lại với tình trạng trên, cách KCN Lai Vu không xa là KCN Đại An (huyện Cẩm Giàng). Thời gian trước đây, tại KCN này, người đi đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh rất đông công nhân điều khiển phương tiện đi ngược chiều với tốc độ cao. Nhưng sau khi được đầu tư cầu vượt thuộc dự án Tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía Bắc và làm hệ thống đường gom tại KCN Đại An, giao thông tại đây đã đi vào nề nếp, không còn tình trạng đi ngược chiều đường.

Tương tự, có mặt tại KCN Quang Minh nằm trên đường Võ Văn Kiệt (Hà Nội), dù là giờ tan ca, nhưng PV nhận thấy giao thông tại đây khá quy củ do được xây dựng một cây cầu vượt. “Xung quanh KCN là các tuyến đường gom nên không còn tình trạng đi ngược chiều, TNGT cũng ít xảy ra hơn trước”, chị Loan, một người bán nước ngay cổng KCN cho biết.

Trên tuyến QL5 và một số tuyến quốc lộ khác đang còn tồn tại bất cập về hạ tầng. Để đồng bộ về hạ tầng tại các KCN cần phải hoàn thiện hệ thống đường gom, hầm chui và cầu vượt mới hạn chế được tình trạng công nhân đi ngược chiều”.

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT Tổng cục Đường bộ VN

Về hướng khắc phục bất cập tại KCN Lai Vu, ông Vũ Xuân Dũng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh và cùng các đơn vị liên quan, kiểm tra hiện trường từng vị trí cụ thể để thống nhất phương án đề xuất khắc phục trong thời gian sớm nhất, bảo đảm ATGT bền vững. Trước mắt, các cơ quan chức năng đang tập trung xây dựng phương án, xử lý những bất cập tại các nút giao có lưu lượng phương tiện qua lại lớn”.

Trung tá Đỗ Quốc Tuấn, Trạm phó Trạm CSGT Hải Dương cho rằng, để hạn chế người và phương tiện đi ngược chiều trên QL5, đặc biệt là khu vực KCN Lai Vu về lâu dài cần xây dựng hệ thống đường gom và cầu vượt liền mạch, đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân tại các KCN và người dân. Bên cạnh đó, ngoài lực lượng CSGT, các doanh nghiệp và khu dân cư cũng cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, để tuyến QL5 không còn tình trạng xe đi ngược chiều, quy mô đường nên quay về 4 làn xe thay vì 6 làn như hiện nay bằng cách ngắt hai bên làn thô sơ để làm đường gom vì hiện tuyến đường này không thể giải phóng được mặt bằng. Khi đó, sẽ phải điều tiết lưu lượng xe sang đường cao tốc mới bằng cách điều tiết mức phí giữa hai tuyến đường này một cách hợp lý.

“Giải pháp lâu dài đối với các tuyến đường đã có KCN hiện hữu vẫn phải hoàn thiện hệ thống đường gom và hệ thống cầu vượt đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là đối tượng công nhân. Còn đối với các tuyến đường mới, cần làm tốt vấn đề quy hoạch các KCN xung quanh, tránh tình trạng như hiện nay”, ông Sỹ nói.

Nghị định 46 xử nghiêm hành vi đi ngược chiều đường

Đối với ô tô, Khoản 4, Điều 5, Nghị định 46 quy định xử phạt từ 800.000 - 1.200.000 đồng đối với hành vi người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 8 Điều này và các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Đối với xe máy, Khoản 4, Điều 6 quy định xử phạt 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều trên đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước GPLX từ 1-3 tháng.T.D

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.