Xã hội

Đi vệ sinh không chừa ở đâu

01/11/2019, 07:02

Cái thói tùy tiện ý, không phải chỉ biểu hiện ở việc dân “đi vệ sinh không chừa ở đâu” mà nó còn có trong tư duy của người quản lý nữa.

img
Nhìn khách du lịch đi qua sản phẩm nghệ thuật này phải bịt mũi vì mùi xú uế, tôi xấu hổ cho nét thanh lịch của người Thủ đô.

Anh A cãi nhau với anh B hăng lắm về nếp sống đô thị. Chẳng là chuyện người dân tè bậy vào công trình nghệ thuật đặt ngay bên Hồ Gươm đang khiến nhiều người Hà Nội nóng mặt.

- Ông cáu cái gì, xấu hổ cái gì? Ông không thấy cái “tháp” trông như thế khiến người ta hiểu lầm, đi vào tè trong đó à? Báo đăng đấy thôi “Lầm tưởng là toa-lét, người dân đi vệ sinh trong tác phẩm giữa phố đi bộ”. Đọc báo đê.

- Ông có nhận thức của một người bình thường không vậy? Có cái nhà vệ sinh nào dựng giữa đường lại không có chỗ tự hoại? Báo nào đăng thế là cổ súy cho thói vô văn hóa, phủi trách nhiệm. Tôi nhục khi phải sống cùng “một bộ phận không nhỏ” cư dân đô thị hành xử như thế.

- Nhưng dựng giữa đường cũng chướng. Dân chả biết ý nghĩa nghệ thuật gì đâu, thấy bảo đây là tháp Hòa Phong theo cách nhìn hiện đại, đặt chếch tháp cũ. Ý tưởng tác giả là thế nhưng mấy bác cởi trần tập thể dục buổi sáng đi qua đâu có kịp suy nghĩ gì, họ chỉ kêu chắn hết lối đi bộ. Mà cái đám vào đó đi vệ sinh, hay cũng là một cách phản đối?

- Ông thôi đi. Không thích thì vào bậy bạ trong đó được à? Không biết người “đi nặng, đi nhẹ” trong cái tháp đó là trẻ con hay người lớn. Nhưng đã dám làm việc ấy, thì một là trẻ con chưa có đủ nhận thức, hai là ý thức méo mó, một dạng khuyết tật về liêm sỉ. Nhìn khách du lịch đi qua sản phẩm nghệ thuật này phải bịt mũi vì mùi xú uế, tôi xấu hổ cho nét thanh lịch của người Thủ đô.

- Thôi, không tranh cãi với ông việc đấy nữa, tôi lại thấy chuyện dỡ cái “tháp” đi cũng có vấn đề. Sao không chuyển đi chỗ khác hoặc dọn vệ sinh ngay khi phát hiện nó bị làm bẩn. Hồ Gươm có camera ghi hình người vứt rác, sao lại chừa khu trưng bày tác phẩm nghệ thuật này ra không giám sát?

- Ông hỏi tôi, tôi biết hỏi ai, phố đi bộ giờ thành lẩu thập cẩm, karaoke rong, cho thuê xe điện, bán hàng quán hầm bà làng.

Cái thói tùy tiện ý, không phải chỉ biểu hiện ở việc dân “đi vệ sinh không chừa ở đâu” mà nó còn có trong tư duy của người quản lý nữa. Quản lý đô thị không thể có chỗ cho sự cẩu thả, tùy tiện, nhất là ở Thủ đô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.