Đường bộ

Địa phương phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng giao thông thế nào?

20/05/2022, 14:29

Việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Chính phủ vừa có văn bản trả lời đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Chất vấn Chính phủ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, QL27 từ Km83 - Km157 chưa được nâng cấp, mở rộng nên vào mùa mưa lại sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, không bảo đảm ATGT. Mặt khác, tuyến quốc lộ này cũng không có trong danh mục được bố trí vốn tại Nghị quyết số 29/2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

img

Một đoạn QL27 qua tỉnh Lâm Đồng - Ảnh internet

Từ thực tế trên, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí với số vốn từ 700 - 1.000 tỷ đồng theo hai phương án.

Phương án 1: Xem xét bố trí ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật cho Bộ GTVT theo Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ.

Phương án 2: Cho tỉnh Lâm Đồng cơ chế phát hành trái phiếu địa phương để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL27 đoạn từ thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) đến cầu Krông Nô (xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) thuộc địa bàn Lâm Đồng.

Về kiến nghị cho tỉnh Lâm Đồng cơ chế phát hành trái phiếu địa phương để triển khai dự án, Chính phủ khẳng định, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2015.

Theo Luật này, Bộ Tài chính có nhiệm vụ và quyền hạn xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm.

Về nguyên tắc đặt ra là phải bảo đảm mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Đối với điều kiện vay của chính quyền địa phương, Luật cũng chỉ rõ: Trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu.

Luật Quản lý nợ công về tổ chức vay của UBND cấp tỉnh quy định: Đối với phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước, UBND cấp tỉnh lập đề án phát hành trái phiếu, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và gửi lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính về điều kiện, điều khoản của trái phiếu trước khi tổ chức phát hành.

Từ những phân tích trên, Chính phủ đề nghị tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với Bộ Tài chính về phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để triển khai dự án, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.

Liên quan đến kiến nghị ưu tiên nguồn vốn để thực hiện dự án, Chính phủ cho biết, đã có báo cáo Quốc hội về đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đã báo cáo về danh mục và mức vốn dự kiến cho từng dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình.

Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua tổng số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ chương trình; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn cho các dự án đầu tư.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2022 để triển khai thực hiện chương trình. Trong đó đã quy định cụ thể về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như: ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung...

Trong danh mục dự án đã báo cáo Quốc hội, Bộ GTVT đã được dự kiến bố trí 87.430 tỷ đồng để thực hiện các tuyến đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, không dự kiến bố trí vốn cho dự án này.

"Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng QL27 đoạn từ thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) đến cầu Krông Nô (xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) sẽ được xem xét trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có điều kiện về nguồn", Chính phủ cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.