Y tế

Dịch Covid-19 được kiểm soát, không đeo khẩu trang ra đường có sai luật?

29/06/2022, 17:03

Tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tiến tới việc quy định đeo khẩu trang sẽ chỉ bắt buộc ở một số nơi, một số tình huống nhất định.

"Dịch ổn, không còn thấy nhắc nhở việc phải đeo khẩu trang nữa"

Qua khảo sát của Báo Giao thông, hiện nay nhiều người không đeo khẩu trang khi ra đường theo quy định phòng chống dịch Covid-19, cho dù hiện Covid-19 vẫn chưa được rút ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

img

Nhiều người không đeo khẩu trang trên phố đi bộ quận Hoàn Kiếm, HN

Đặc biệt trong những ngày cuối tuần, trên phố đi bộ quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ không đeo khẩu trang không nhỏ. Anh Nguyễn Văn An (Thường Tín, Hà Nội) đưa hai con đi chơi cho biết: “Trong qua trình lưu thông tôi và gia đình vẫn đeo khẩu trang, tuy nhiên, khi đi bộ, thời tiết nóng quá, hơn nữa mình cũng không giao tiếp với ai nên bỏ khẩu trang cho thoáng”.

Còn chị Trần Thị Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Mình vẫn hay đi bộ trên quanh bờ Hồ, từ ngày dịch ổn, không còn thấy nhắc nhở việc phải đeo khẩu trang nữa. Nên lúc nào nóng quá là mình cũng không đeo dù vẫn mang trong túi. Giờ cũng không thấy nhắc nhở hay phạt hành chính gì nữa”.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn có ý thức đeo khẩu trang phòng bệnh.

Tuy nhiên, không ít người có thắc mắc “vậy nếu lỡ quên không đeo khẩu trang ra đường thì liệu có sai luật và bị xử phạt hay không?”.

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chánh Pháp (Hà Nội) cho biết: Do, Covid-19 vẫn nằm trong danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và các quy định khác có liên quan, một số hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử phạt, trong đó hành vi đeo khẩu trang…. Như vậy, về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu luật vẫn quy định mà không tuân thủ chấp hành thì vẫn phải xử phạt.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây khi tình hình dịch bệnh thay đổi rồi cần phải thay đổi về chính sách, pháp luật để đáp ứng tình hình mới. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh hành vi con người trong đời sống xã hội.

Cần sớm điều chỉnh quy định cho phù hợp

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Việc thực theo Nghị quyết 128 thích ứng an toàn đúng với chiến lược phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay. Chúng ta chuyển từ cấm đoán sang dự phòng rủi ro, nới lỏng như có dự phòng phù hợp; trong đó, dự phòng cá nhân và vaccine là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, nên quy định đeo khẩu trang ở môi trường kín, trên các phương tiện giao thông vận tải như bus, máy bay, trong cơ sở y tế, người mắc bệnh phải đeo khẩu trang tránh lây bệnh cho người lành… Còn trong môi trường thoáng thì không cần thiết, hoặc nên chuyển từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải, tránh rác thải.

“Bộ Y tế cần sớm sửa đổi văn bản về các quy định phòng chống dịch cho phù hợp với tình hình dịch”, ông Phu nhấn mạnh.

Cũng quan điểm này, LS. Đặng Văn Cường nhấn mạnh: “Khi dịch bệnh kiểm soát tốt hơn đòi hỏi phải thay đổi về chính sách, pháp luật, cho nên việc cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy pháp pháp luật liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 là cần thiết.

Còn hiện nay, những phát hiện vi phạm vẫn cần nhắc nhở, trong trường hợp cố tình vi phạm vẫn xử phạt”.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Bộ Y tế cho biết: “Bộ cũng đã xây dựng quy định phù hợp với tình hình mới của dịch bệnh, tiếp tục xin ý kiến các địa phương, bộ ngành để trình lên Chính phủ. Về cơ bản sẽ có thay đổi cho phù hợp, ví như với đeo khẩu trang sẽ chỉ quy định bắt buộc tại một số tình huống, một số nơi cụ thể… Bộ đã đề xuất với quy tắc phòng dịch Covid-19 V2K (vaccine, khẩu trang và khử khuẩn) để thay thế quy tắc 5K”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.