Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 17/8: Thêm 3.559 ca nhiễm, tăng 218 ca so với hôm qua

17/08/2021, 19:58

Dịch Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 17/8 mới nhất: Hôm nay thành phố ghi nhận thêm 3.559 ca nhiễm mới, thông báo 285 ca tử vong.

Bộ Y tế thông tin, tính từ 18h ngày 16/8 đến 19h ngày 17/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 3.559 ca nhiễm mới, tăng 218 ca so với hôm qua.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 156.186 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Chiều 17/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo 331 ca tử vong, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh 285 ca.

Trung tâm Công tác Xã hội thanh thiếu niên vừa triển khai hoạt động kết nối, hỗ trợ người lao động nhập cư gặp khó khăn tại TP.HCM thông qua hình thức "ATM việc làm cộng đồng" và "ATM nhà trọ cộng đồng". Qua đó kết nối những người cần hỗ trợ chỗ ở với những người có nhà trọ cộng đồng và thực phẩm, nhu yếu phẩm, việc làm.

Từ ngày 16/8, chương trình an sinh xã hội "Vòng Tay Việt - Sài Gòn" của đại diện 3 nhóm doanh nghiệp, hội doanh nghiệp và đoàn thể sẽ được thực hiện thông qua Trung tâm an sinh TP.HCM hỗ trợ 1 triệu suất ăn cho người dân gặp khó khăn đến giữa tháng 9/2021.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP.HCM đã hướng dẫn triển khai xây dựng bài học trực tuyến, ghi hình tiết dạy bậc tiểu học trong 10 tuần đầu năm học cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục, tập trung chủ yếu cho môn tiếng Việt và Toán. Thời lượng mỗi video clip không quá 15 phút đối với lớp 1, 2, những khối lớp còn lại không quá 20 phút.

Để kiểm soát dịch bệnh, từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”.

Thành phố ghi nhận 152.827 ca nhiễm

Tính đến sáng 17/8, Việt Nam đã ghi nhận 283.696 ca mắc COVID-19, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; Gần 14,7 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm chủng ở nước ta.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca mắc COVID-19, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).

img

Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan ca nhiễm mới.

Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

+ Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (152.827), Bình Dương (46.501), Long An (14.998), Đồng Nai (14.204), Bắc Giang (5.795).Có 4.473 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 16/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi ở nước ta đến nay lên 106.977.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 590 ca.

Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 22 ca.

Tổng số trường hợp tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 147.657 xét nghiệm cho 610.463 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.299.083 mẫu cho 23.798.054 lượt người.

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 14.666.708 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều.

Ngày 16/8, gần 200.000 liều vaccine được tiêm trong dân

Sáng 17/8, theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết trong ngày 16/8, Thành phố đã tiêm 194.435 liều vaccine COVID-19 cho người dân ở 17 quận, huyện và TP Thủ Đức. Tại các điểm tiêm đều diễn ra trật tự, ổn định.

Riêng Quận 5, Quận 11, quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Thời gian tới, các địa phương này tiếp tục rà soát và tiếp cận số ít người còn lại để hoàn thành 100% người dân tiêm mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2.

Như vậy, từ đầu đợt tiêm thứ 5 (ngày 22/7) đến hết ngày 16/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 3.783.924 người, tất cả đều an toàn.

Ngày 16/8, ghi nhận 3.341 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 18h ngày 15/8 đến 18h ngày 16/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.341 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 152.627 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

TP.HCM thực hiện chuyển đổi chiến lược điều trị từ 5 tầng xuống 3 tầng

Cụ thể, tầng 1 triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp các điều kiện đảm bảo an sinh và tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện, TP Thủ Đức cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Tầng 2 tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm bệnh lý nền tại các BV dã chiến, BV điều trị COVID-19, bệnh viện chuyển đổi công năng. Tầng 3 hồi sức chuyên sâu trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối và do Bộ Y tế tăng cường.

“Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà” cho F0 được triển khai nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, điều trị kịp thời góp phần kéo giảm số ca tử vong, với 6 hoạt động chính: gồm (1) Xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà; (2) Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; (3) Khám bệnh và theo dõi sức khỏe; (4) Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà; (5) Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà; (6) Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà.

Khi xây dựng các gói hỗ trợ, thành phố hướng đến các đối tượng cụ thể theo tình hình thực tế, nên sẽ có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Gói hỗ trợ được xây dựng để người dân duy trì cuộc sống từ 3 - 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh.

Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố bằng những kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn để hỗ trợ đưa người dân về quê.

Từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”.

Thành phố kêu gọi người dân tiếp tục phát huy sự đồng lòng, chung sức trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người và phát động phong trào “Toàn dân tiếp tục chung tay, góp sức phòng, chống dịch”.

img

Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19 được FDA Mỹ cấp phép góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19.

Chờ kiểm định 1 triệu liều vaccine Sinopharm

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 15/8, thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho 92.836 người. Trong đó, 90% số vaccine được sử dụng là Vero Cell của Sinopharm. Tại các điểm tiêm, người dân đều trật tự, ổn định.

Qua hơn 2 ngày, các quận huyện tiêm khoảng 200.000 liều vaccine Vero Cell (hãng Sinopharm) và thành phố vừa tiếp nhận thêm một triệu liều vaccine này.

Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn trưa 16/8. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM bước sang ngày thứ 39 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đã ghi nhận hơn 149.200 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư.

Theo ông Đức, đến nay thành phố đã có 2 đợt nhận vaccine Vero Cell, mỗi đợt một triệu liều.

Trong đó, một triệu liều nhận hôm 31/7 đã được kiểm định xong và đang đưa vào tiêm; còn một triệu liều nhận hôm 14/8, đang được Bộ Y tế kiểm định. Sau khi được đánh giá đủ điều kiện, vaccine đợt hai sẽ hòa vào chung số vaccine đang có để tiêm cho người dân.

"Một lọ vaccine Astrazeneca chứa 10 liều còn một lọ vaccine Sinopharm chứa chỉ 1-2 liều, nên nó chiếm không gian nhiều hơn, tốc độ kiểm đếm cũng chậm hơn các loại khác", ông Đức nói và cho biết hôm nay các địa phương sẽ tiếp tục tiêm đồng loạt cho người dân.

Ông Đức cho rằng, các chuyên gia đều khẳng định "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất". Chưa kể, bất kỳ loại vaccine nào cũng cần thời gian để phát huy tác dụng, sau một thời gian sẽ hết hiệu lực, phải tiêm nhắc lại.

Vì vậy, thành phố quán triệt tinh thần phải tổ chức khoa học và tiêm nhanh cho người dân; tập trung tiêm cho nhóm nguy cơ cao, lớn tuổi, bệnh nền...

Lãnh đạo UBND thành phố thông tin thêm, từ ngày 22/7, TP.HCM đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, ngày cao nhất đạt 318.000 liều. Đến nay thành phố nhận hơn 4,4 triệu liều vaccine qua 20 đợt cấp phát của Bộ Y tế .

Trong đó có 3,6 triệu liều Astrazeneca, 19.000 liều Vero Cell, 55.000 liều Pfizer và 571.000 liều Moderna. Toàn bộ số này đã tiêm hết.

Từ ngày 22/7 đến 15/8, gần 3,6 triệu người đã được tiêm. Tất cả đều an toàn.

Hiện, 4 quận, huyện Cần Giờ, Phú Nhuận, 5 và 11 đã cơ bản phủ kín vaccine cho người trên 18 tuổi và đã tạm dừng tiêm mũi 1, tiếp tục rà soát những người chưa được tiêm, đồng thời chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2.

img

Máy bay của Vietnam Airlines chở vắc xin tới sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: VNA

TP.HCM chuyển sang mô hình tháp 3 tầng để điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc phân tầng lại nhằm phù hợp với tình hình hiện nay và tập trung các y bác sĩ, trang thiết bị chăm sóc bệnh nhân.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP sáng 16/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, trước đây, TP phân bổ chữa trị F0 theo theo mô hình 5 tầng tháp. Trong đó, tầng 5 là các bệnh viện tuyến cuối, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tuy nhiên, hiện tại, khi Bộ Y tế chấp nhận cách ly F0 tại nhà, TP sẽ phân tầng lại cho phù hợp với 3 tầng phân chia chữa cho F0 nhẹ, trung bình và nặng.

“Việc phân tầng để tập trung các y bác sĩ, nhân viên y tế và trang thiết bị nhằm đáp ứng được từng mức độ của bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ.

Tầng thứ nhất sẽ chăm sóc các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không bệnh nền tại nhà và các cơ sở cách ly quận, huyện. Hiện tầng này đang điều trị cho 18.120 F0, TP đang có 153 cơ sở cách ly F0, với 23.889 giường để cách ly, điều trị.

Tầng hai tiếp nhận các trường hợp F0 từ nhẹ đến trung bình và nặng, có hoặc không có bệnh nền đi kèm. Bác sĩ Hưng cho biệt, hiện này, TP đã có 71 bệnh viện chuyển đổi công năng và 24 bệnh viện dã chiến, với 49.392 giường để điều trị.

Tầng ba sẽ điều trị cho các F0 nặng, nguy kịch và có bệnh nền. Hiện TP đang có 8 bệnh viện, Trung tâm Hồi sức cấp cứu, với 3.883 giường để điều trị cho người bệnh. Đây là các bệnh viện tuyến cuối có các trang thiết bị đầy đủ nhằm phục vụ cho công tác điều trị.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến 6h ngày 16/8, TP có 151.904 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 151.507 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 397 người nhập cảnh.

Hiện, TP.HCM đang điều trị 33.149 F0, trong đó có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Ngoài ra, TP đang có 41.209 F0, trong đó có 15.554 trường hợp mới phát hiện và 25.655 người sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.569 người.

Không để người dân tự phát về quê

Sáng 15/8, rất đông người dân ở các quận, huyện và TP Thủ Đức (TP.HCM) lỉnh kỉnh đồ đạc, chở nhau bằng xe máy đổ xô ra đường, lưu thông trên Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A theo hướng đi các tỉnh miền Trung. Từng đoàn người với hàng chục, hàng trăm xe máy, cả thanh niên và những gia đình có con nhỏ, đèo theo balo, va-ly, quạt máy, nồi cơm điện để về quê.

img

Người dân tự phát về quê khiến cửa ngõ phía Đông TP.HCM kẹt cứng.

Khi đến chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở cửa ngõ thành phố, giáp ranh phường Linh Trung, Tân Phú, TP Thủ Đức thì bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu về nơi xuất phát. Lực lượng chức năng liên tục phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân trở lại nơi xuất phát để tránh bị phạt vì ra đường không có lý do chính đáng.

Nhiều người dân cho biết, dịch bệnh ở TP.HCM kéo dài nhiều tháng nay khiến họ mất việc làm, tiền dự phòng đã dùng cạn, việc tiếp cận đồ tiếp tế của chính quyền gặp nhiều khó khăn, thậm chí một thời gian dài không được tiếp tế nên cuộc sống rơi vào bế tắc. Trong khi đó, TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa, không còn cách nào khác, họ đành phải về quê.

TP.HCM sẽ kịp thời phân phối hàng hoá cứu trợ

Liên quan đến việc nhiều người dân tự phát chạy xe máy từ TP.HCM về quê và tạo nên cảnh tưởng ùn ứ ngay các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM ông Phan Văn Mãi đã lên tiếng trấn an.

Theo ông Mãi, việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ gây nhiều khó khăn cho thành phố, nhất là người lao động. Hiện tại, TP.HCM đã yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ an sinh xã hội và cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.

Đồng thời, tiếp tục rà soát để hỗ trợ tiền nhà trọ, gói an sinh xã hội bằng tiền mặt, cung cấp lương thực - thực phẩm cho tất cả các đối tượng khó khăn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng phát huy hoạt động của trung tâm an sinh các cấp để tiếp nhận và phân phối hàng hoá cứu trợ đến với bà con được kịp thời nhất. Ngoài ra, thành phố tích cực vận động sự tương thân tương ái trong cộng đồng và phát huy các hoạt động thiện nguyện của những cá nhân, tổ chức để giúp đỡ bà con.

“Lãnh đạo thành phố đề nghị bà con bình tĩnh, không tự ý về quê mà không có tổ chức. Vì như thế sẽ rất là nguy hiểm, không an toàn. Khi tình hình ổn định và phối hợp được với các địa phương thì thành phố sẽ tổ chức cho bà con về quê trật tự và an toàn”, ông Mãi nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.