Xã hội

Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 28/7: TP.HCM ghi nhận thêm 4.449 ca nhiễm mới

28/07/2021, 20:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 28/7 tại TP.HCM: Thành phố đã có 77.189 ca nhiễm được công bố. Sau 1/8, TP.HCM có thể giãn cách xã hội thêm 1-2 tuần.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 28/7 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

img

Các lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm người dân sinh sống trong bán kính hơn 100m gần khu vực có ca nhiễm.

Tối 28/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 2.334 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 19 giờ ngày 27/7 đến 19 giờ ngày 28/7, thành phố ghi nhận 4.449 trường hợp nhiễm mới.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 77.189 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, thành phố chủ trương không thực hiện kiểm tra đối với phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm đã được cấp Giấy nhận diện có mã QR tại các chốt kiểm soát (cả cửa ngõ và trong phạm vi TP.HCM). Riêng các trường hợp chưa được cấp Giấy nhận diện có mã QR (cả phương tiện vận tải thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu), nhưng có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn giá trị cho cả người điều khiển và người đi cùng trên phương tiện thì được lưu thông qua chốt.

Bên cạnh đó, để hạn chế người dân đi lại, bến phà Bình Khánh và Cát Lái cũng thay đổi lịch hoạt động, chỉ vận chuyển hành khách từ 5 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Bảo đảm duy trì chế độ trực 24/24 phục vụ kịp thời trong trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, phục vụ công tác chống dịch, vận chuyển người đi cách ly, … và phải bố trí riêng 01 phương tiện phà vận chuyển.

Hiện nay, nhiều khu vực tại TP.HCM đã bắt đầu triển khai các “vùng xanh không dịch” - là những khu an toàn, chưa có ca nhiễm hoặc không còn nguy cơ lây nhiễm, và nhận được sự đồng thuận cao từ p.hía người dân Các vùng xanh được thiết lập với sự túc trực canh gác của tình nguyện viên nhằm hạn chế người lạ ra vào, các shipper phải giao hàng từ bên ngoài qua một quy trình nghiêm ngặt, ngay cả việc thanh toán tiền mặt cũng được khử khuẩn kỹ lưỡng.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát với chủng Delta lây lan nhanh, mạnh dẫn đến các trường hợp bệnh diễn tiến nhanh, nhất là người lớn tuổi, mắc bệnh nền, hoặc một số trường hợp người trẻ tuổi chuyển nặng, suy hô hấp. Mỗi người dân cần phải thật bình tĩnh, chủ động bảo vệ sức khỏe thông qua việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, tự theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo. Tìm hiểu các thông tin chính thống, lời khuyên từ các chuyên gia về cách ly hoặc điều trị tại nhà, không sử dụng các kiến thức lan truyền trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc.

img

Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp, quy định về giãn cách đến cùng, chúng ta rất khó kéo giảm F0, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ảnh: HCDC

Sau ngày 1/8, TP.HCM có thể giãn cách xã hội thêm 1 - 2 tuần nữa

Đến ngày 1/8, TP sẽ có những đánh giá về tình hình dịch để đưa ra những giải pháp, có thể áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 12 và Công văn 2468 thêm 1 - 2 tuần.

Thông trên được ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 28/7.

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, ông Mãi cho biết, TP đang đẩy nhanh việc này, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế để đơn giản hóa quy trình cũng như đội hình tiêm vaccine. Ngoài ra, TP cũng đề nghị Trung ương tăng số lượng vaccine phân bổ cho địa phương.

Tuy nhiên, ông cho rằng trong khoảng thời gian ban ngày vẫn còn tình trạng người dân ra đường chưa thật sự đúng nhu cầu cấp thiết theo quy định. "Vì vậy, thành phố sẽ liên tục áp dụng các biện pháp quyết liệt trong đợt cao điểm này", ông Đức nói.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét, sau 2 ngày TP quy định người dân không ra đường sau 18h đã nhận được sự hợp tác, chấp hành tốt của đa số người dân.

Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 những ngày qua, ông Đức cho biết dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Số ca mắc hàng ngày trên địa bàn vẫn ở mức cao, số ca nặng cũng không ngừng tăng.

Trước tình hình trên, TP.HCM đã mở thêm các bệnh viện ở cả 5 tầng điều trị, ngoài ra, những trường hợp chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được tạo điều kiện điều trị tại nhà.

img

Gấp rút đưa vào sử dụng bệnh viện dã chiến thu dung khi các bệnh viện hiện hữu tại TP.HCM đã quá tải.

TP.HCM sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sau 18h trong những ngày sắp tới

Thông tin trên được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 tại TP vào chiều 28/7.

Theo ông Phan Văn Mãi, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, TP.HCM sẽ triển khai tiêm cho người dân sau 18 giờ, đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia đội hình tiêm vắc xin.

"Chúng ta có quy định sau 18h không được đi ra đường. Tuy nhiên, nếu tổ chức tiêm vắc-xin trước 18 giờ thì sẽ bị giới hạn. Vì vậy, TP.HCM sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc-xin sau 18 giờ cho những ngày sắp tới. Tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể bộ nhận diện để người đi tiêm vắc-xin được ra đường sau 18h. Đây là điểm mới chúng tôi vừa thống nhất để triển khai trong thời tới" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM cho biết.

Tại cuộc họp báo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay đến chiều 27/7, đã có gần 300.000 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, 30.000 người trên 65 tuổi, 243.000 người ngoài cộng đồng và 21.000 người thuộc các đối tượng khác.

"Chúng tôi đã tăng tốc độ tiêm, riêng ngày 27/7 đã có gần 70.000 người được tiêm vắc-xin Covid-19. Trong hôm nay và vài ngày tới sẽ tiếp tục duy trì tăng tiến độ để đảm bảo từ 2-3 tuần sẽ hoàn thành tiêm cho người dân", bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Về việc tiêm vắc-xin Covid-19 tại khu vực phong tỏa, theo bác sĩ Nam, sau khi người dân được test nhanh âm tính vẫn có đủ điều kiện được tiêm. "Vấn đề là chúng ta sẽ tổ chức như thế nào để người dân không tập trung đông người. Ngành y tế đã có hướng dẫn trước đó", bác sĩ Nam nói.

Ca bệnh COVID-19 tăng cao, hỏa tốc vận hành Bệnh viện Dã chiến số 16

Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục tăng cao nhưng các bệnh viện hiện hữu đã quá tải, TPHCM gấp rút huy động lực lượng xây dựng và đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16 tại quận 7.

Tính đến ngày 28/7 tại TPHCM đã có 73.911 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện hiện đang điều trị 39.114 bệnh nhân dương tính, trong đó có 744 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay toàn thành phố đã có 815 bệnh nhân tử vong. Để tăng khả năng đáp ứng điều trị, các bệnh viện dã chiến đang được gấp rút xây dựng, đưa vào vận hành.

Trên công trường còn ngổn ngang vật liệu, sáng 28/7 bảng hiệu Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16 đã chính thức được dựng lên. Đây là bệnh viện tiếp nhận, điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng với công suất dự kiến 2.800 giường được xây dựng từ ngày 10/7.

Bệnh viện dã chiến số 16 được chuyển đổi công năng từ khu nhà xưởng của một công ty chế biến gỗ để phục vụ chống dịch. Tổng diện tích khu đất là 5ha, ở giai đoạn 1, khu vực nhà xưởng đã được hỏa tốc lắp đặt 700 giường bệnh dã chiến. Giai đoạn 2, sẽ triển khai thêm 520 giường và lắp đặt, xây dựng thêm, mỗi tuần bàn giao một lần cho đến khi đủ công suất thiết kế. Dự kiến, chiều 28/7 bệnh viện dã chiến số 16 sẽ tiếp nhận những ca bệnh COVID-19 đầu tiên.

Sở Y tế TPHCM giao nhiệm vụ phụ trách chuyên môn điều trị tại cơ sở này cho Bệnh viện Hùng Vương. Ngoài lực lượng phụ trách chuyên môn với 87 nhân sự là các y bác sĩ, tại bệnh viện sẽ có sự đồng hành của các chiến sĩ bộ đội và lực lượng dân quân địa phương. Bệnh viện sẽ tiếp nhận, theo dõi, điều trị cho các ca có biểu hiện ở mức độ nhẹ, phát hiện sớm những ca bệnh chuyển nặng để hỗ trợ chuyên môn và chuyển lên tuyến trên.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngoài bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình, tại bệnh viện dã chiến số 16 có hệ thống oxy trung tâm và đội ngũ hồi sức cấp cứu nên trong trường hợp cần thiết huy động, bệnh viện có thể triển khai được đơn vị hồi sức cho bệnh nhân nặng. Đây là giải pháp quan trọng để giảm số ca bệnh tử vong, đáp ứng cho cuộc chiến chống dịch.

Để tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, trong bối cảnh dịch tiếp tục tăng cao, ngành y tế thành phố sẽ tập trung vào công tác chăm sóc và điều trị các trường hợp F0, đặc biệt là những ca bệnh có triệu chứng, diễn biến nặng, có yếu tố nguy cơ tỷ lệ tử vong cao như người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền.

img

Thí sinh TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN).

Thí sinh TP.HCM có thể thi hoặc xét đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 2

Ngày 28/7, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết vừa có văn bản hướng dẫn về việc phúc khảo bài thi đợt 1 và đăng ký thi hoặc xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021.

Theo đó, đối tượng xét đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 là các thí sinh đủ điều kiện dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 nhưng không dự thi được do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có nguyện vọng xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Việc xét đặc cách chỉ áp dụng cho thí sinh đăng ký dự thi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM; Các thí sinh chuyển hội đồng từ các tỉnh về TP.HCM dự thi đợt 2.

Điều kiện xét đặc cách: thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 theo danh sách Sở GD&ĐT TP.HCM phê duyệt; không bị kỷ luật đình chỉ thi tại đợt 1, không sử dụng quyền đặc cách tốt nghiệp THPT đợt 1; thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và nơi ở bị phong tỏa, cách ly phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của ngành Y tế.

Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị các đơn vị có học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT thông báo đến tất cả học sinh trong danh sách thi đợt 2 về việc tham gia thi hoặc xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Học sinh có nguyện vọng đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 nộp đơn về cơ sở giáo dục đang theo học trước 16h ngày 30/7.

Về việc phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo tại cơ sở giáo dục mình đang theo học trước 17h ngày 5/8.

Các đơn vị trường học chủ động các hình thức đăng ký trực tuyến, nộp đơn qua hệ thống dịch vụ bưu chính, tránh tập trung đông người và đảm bảo thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện thành phố có 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi đợt 2.

img

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1. Ảnh: Sở Y tế TP HCM.

5 nghìn bệnh nhân tại BV Dã chiến số 1 TP.HCM đã xuất viện

Ngày 28/7, BSCK2 Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 TP.HCM cho biết, tính từ 27/6 đến nay, Bệnh viện có tổng 9.500 ca nhập viện, chuyển viện 369 ca và đã có 5000 trường hợp được xuất viện.

“Đây là kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 1. Đến nay mọi hoạt động của Bệnh viện đã đi vào quy củ, những khó khăn dần được khắc phục. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng hoàn nhiệm vụ, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 để có thêm nhiều ca được xuất viện”, BS Trường chia sẻ.

Bệnh viện Dã chiến số 1 đi vào hoạt động từ 26/6, có quy mô 4.500 giường đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến số 1 là loại hình cơ sở thu dung điều trị F0 ở tầng 1 và 2 theo mô hình “tháp 5 tầng” của TP.HCM. Trong đó, tầng 1 cách ly tạm thời ca test nhanh dương tính, chờ kết quả PCR. Tầng 2 tiếp nhận F0 không triệu chứng, nhẹ. Tầng 3 là F0 có triệu chứng. Tầng 4 điều trị F0 có bệnh nền hoặc bệnh lý nền nặng, nguy kịch. Tầng 5 sẽ điều trị bệnh nhân có nặng, nguy kịch.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai thí điểm rút ngắn thời gian điều trị F0 không triệu chứng tại bệnh viện. F0 xét nghiệm RT-PCR ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp sẽ chuyển về cách ly tại nhà nếu đảm bảo điều kiện an toàn, phòng chống lây nhiễm. F0 tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

img

Khu điều trị bệnh nhân nặng mắc Covid-19

Đồng Nai ghi nhận 346 người mắc COVID-19, thêm 2 ca tử vong

Ngày 28/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC) cho biết, tỉnh vừa ghi nhận 346 người mắc COVID-19 mới, thêm 2 bệnh nhân tử vong.

Trong 346 ca COVID-19 mới, TP Biên Hòa vẫn cao nhất với 146 người, tập trung ở các phường như Long Bình (15 ca), Trảng Dài (15 ca), Tân Biên (15 ca), Long Bình Tân (15 ca), Tân Hòa (11 ca), Hóa An (10 ca)… Đặc biệt, ghi nhận 20 ca qua xét nghiệm sàng lọc tại Công ty FRIWO, khu công nghiệp Amata.

Huyện Nhơn Trạch ghi nhận 97 ca; huyện Vĩnh Cửu 47 ca; huyện Xuân Lộc 33 ca; huyện Định Quán 8 ca…

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự báo chỉ vài ngày nữa sẽ không còn chỗ để tiếp nhận điều trị các trường hợp F0.

Do vậy, tất cả người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Yêu cầu người dân không ra ngoài khi không thật sự cấp bách để tránh lây lan trên diện rộng.

Có những doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ nhưng qua test nhanh đã phát hiện một số ca dương tính SARS-CoV-2, có thể hình thành ổ dịch bởi tốc độ lây nhiễm nhanh.

Vì thế, doanh nghiệp và người lao động phải tự giác chấp hành các quy định về giãn cách trong doanh nghiệp, thực hiện nghiêm 5K, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan dù thực hiện “3 tại chỗ” hay “1 con đường, 2 điểm đến”.

Thống kê của CDC Đồng Nai, đến nay tỉnh ghi nhận 3.237 người mắc COVID-19, địa phương cũng có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 lên 10 người.

img

Liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19 ngày 28/7.

Sáng nay, thành phố thêm 2.115 ca mắc mới

Theo bản tin sáng của Bộ Y tế, tính từ 19h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7, TP.HCM ghi nhận 2.115 ca mắc mới, nhiều nhất trong tổng số 2.861 ca mắc trên cả nước.

Như vậy, tính đến sáng ngày 28/7, Việt Nam có tổng 117.121 mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Thành phố đã trải qua hơn 55 ngày thực hiện giãn cách, từ Chỉ thị 15, đến Chỉ thị 10, Chỉ thị 16 và vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tăng cường, siết chặt để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng và hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Từ ngày 9/7 (thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị 16) đến nay, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận hơn 2.700 ca nhiễm.

img

Các bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng.

TP.HCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến hơn 10.000 giường

Ngày 27/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã quyết định thành lập 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trực thuộc Sở Y tế.

Cụ thể, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 (Chung cư lô R5 khu tái định cư 38,4ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức) có quy mô 4.000 giường, 700 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 (Chung cư lô R4, Khu tái định cư 38,4ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức) có quy mô 5.500 giường, 950 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính…

Cả hai bệnh viện trên có nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các trung tâm cách ly tập trung, F1 chuyển sang F0.

Bệnh viện dã chiến mới thứ ba là Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Tri Phương (Địa chỉ: số 493, đường Nguyễn Trãi, phường 7, quận 5) với quy mô 200 giường, 250 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Bệnh viện thứ tư là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Hóc Môn (số 65/2B, đường Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) có quy mô 700 giường, 610 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng đã ký văn bản khẩn về việc tham mưu triển khai kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó có yêu cầu khẩn trương thành lập các khu cách ly tập trung tại các địa phương.

Theo đó, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai việc thành lập các khu cách ly tập trung F0, F1 ở mỗi địa phương.

Cụ thể, hướng dẫn phải dễ hiểu, dễ làm về các điều kiện bảo đảm, thành phần, lực lượng tham gia, có cơ chế, quy chế phối hợp cụ thể giữa y tế, địa phương và gia đình theo dõi, chăm sóc F0, F1 tại nhà; có trách nhiệm cụ thể trong khâu vận chuyển, giao nhận các ca có triệu chứng nặng về tuyến trên điều trị.

img

Thành phố đã có tổng cộng 72.740 bệnh nhân

Ngày 27/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 4.469 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy tính từ 18 giờ 30 ngày 26/7 đến 19 giờ ngày 27/7, Thành phố ghi nhận 6.318 trường hợp nhiễm mới.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 72.740 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Với số lượng ca nhiễm ngày càng nhiều, thành phố cần tăng cường hơn nữa hiệu quả chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19; xác định rõ mục tiêu ưu tiên cụ thể cho mỗi tầng trong mô hình điều trị COVID-19 tháp 5 tầng. Cụ thể, ổn định sức khỏe để bệnh nhân sớm khỏi bệnh, xuất viện, giảm số lượng bệnh nhân nhẹ tiến triển thành nặng đối với tầng 1 và 2; giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, tử vong, đưa bệnh nhân nặng thành thể nhẹ đối với các tầng cao hơn.

Thành phố đã có kế hoạch nâng cấp khoảng 200 xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế được trang bị 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu phục vụ nhiệm vụ cấp cứu. Xe và tài xế, nhân viên y tế theo xe sẽ gắn chặt địa bàn thông qua cơ sở cách ly quận huyện. Người dân hoặc cơ sở cách ly quận huyện có nhu cầu chuyển bệnh bấm gọi 115, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận, điều tiết tổ phản ứng nhanh của xe taxi đến nơi và đưa vào bệnh viện phù hợp.

img

Hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện chống dịch tại TP Hồ Chí Minh

Thông tin từ Bộ phận thường trực đặc biệt phía Nam của Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này đã có hơn 6.000 nhân lực y tế chi viện có mặt tại TP Hồ Chí Minh, đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số 3.969 người, trong đó, 700 bác sĩ, 1.553 điều dưỡng, 78 Kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế khác và 1.629 sinh viên.

Số nhân lực này, hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn phù hợp với tính chất công việc: điều trị bệnh nhân COVID nặng, các bệnh viện thu dung dã chiến và các địa phương phục vụ công tác truy quét, xét nghiệm nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Ngoài lực lượng chi viện trên, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng kí và đang chờ lệnh, sẵn sàng có mặt tại TP Hồ Chí Minh sớm nhất có thể.

Đối với đối tượng đăng kí tham gia tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hôm nay con số lên tới 2.154 người (tăng 76 người so với hôm qua). Lực lượng này cũng đang được Sở y tế kịp thời sắp xếp, phân bổ về các địa phương có nhu cầu để cấp tốc hỗ trợ các quận, huyện hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch.

Như vậy, đến hôm nay TP Hồ Chí Minh đã nhận hơn 6 ngàn nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch cho toàn địa bàn. Con số chi viện này sẽ còn tiếp tục tăng và thành phố vẫn rất cần sự hỗ trợ về nhân lực và vật lực trong thời gian tới giúp thành phố sớm ổn định cuộc sống trở lại.

img

15 điều dưỡng và 1 bác sỹ tỉnh Quảng Ninh tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP.HCM dương tính SARS-CoV-2.

16 nhân viên y tế Quảng Ninh hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM dương tính SARS-CoV-2

Ngày 27/7, trả lời VTC News, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Huy Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Quảng Ninh, Trưởng đoàn tình nguyện Quảng Ninh đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 12, TP.HCM cho biết, đoàn ghi nhận 16 tình nguyện viên dương tính SARS-CoV-2.

"Trong 16 người có 1 bác sỹ và 15 điều dưỡng, các bạn này đang được điều trị tích cực. Trưa nay, Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã chuyển các bạn qua cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 5", BS Tiến thông tin.

70 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Quảng Ninh nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 6 từ ngày 14/7. Đến 20/7, đoàn được nhận nhiệm vụ mới tại Bệnh viện dã chiến số 12. Ngày 22/7, 2 người có biểu hiện sốt, ho, sau đó đoàn được test nhanh COVID-19 phát hiện 6 nguời trong đoàn dương tính SARS-CoV-2.

Đến ngày 24/7, xét nghiệm PCR phát hiện thêm 10 người dương tính SARS-CoV-2.

Theo BS Tiến, 70 người trong đoàn được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn là những người có phẩm chất, chuyên môn và tinh thần xung kích.

"Anh em xác định đây là chủng virus dễ lây lan và diễn biến nhanh nhưng chúng tôi không sợ khó, không sợ khổ, không sợ nguy hiểm. Mặc dù 16 bạn mắc nhưng triệu chứng nhẹ, chúng tôi sẽ quyết tâm cao, chắc chắn không ảnh hưởng gì đến công tác chống dịch", BS Tiến chia sẻ.

BS Tiến cho biết thêm, đoàn đã đã gửi tâm thư đến Sở Y tế TP.HCM và HCDC tạo điều kiện để đoàn tiếp tục được làm việc, cống hiến, cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.