Chính trị

Điểm tựa trên hành trình đất nước “hóa Rồng”

01/09/2022, 06:30

Nghị quyết ĐH Đảng XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có CN hiện đại; đến năm 2045, trở thành nước phát triển.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, điểm tựa trên hành trình ấy chính là khát vọng phồn vinh.

img

TS Nguyễn Đức Kiên

Chống dịch thành công, thúc đẩy kinh tế

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, theo ông, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam vừa qua là gì?

6 tháng đầu năm nay, sản xuất được khôi phục gần như trước đại dịch, kinh tế phục hồi với tốc độ trưởng GDP đạt 6,42%.

Nhìn lại gần 2 năm qua, điểm sáng xuyên suốt là ổn định vĩ mô. Tỷ giá có thời điểm biến động, song vẫn trong tầm kiểm soát, dự báo cả năm tăng khoảng 2,5%. Lạm phát 6 tháng qua được kiểm soát ở mức 2,44%… Trong bối cảnh thế giới biến động lớn như vừa rồi, đó là một sự nỗ lực rất lớn.

Một điểm sáng nổi bật trong suốt thời gian dịch bệnh, đó là tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng. Chính giữa những thời khắc khó khăn, thử thách nhất, thậm chí phải đối mặt với sinh tử, chúng ta đã thấy được những tấm gương, nghĩa cử cao đẹp, lay động lòng người.

Người dân đã đồng thuận, thậm chí hy sinh quyền lợi của mình để thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; sẵn sàng nhường cơm sẻ áo với những hoàn cảnh khó khăn hơn…

Và kết quả chúng ta đạt được hôm nay chính là nhờ tất cả những điều đó!

Chúng ta đã chống dịch thành công, từng bước khôi phục phát triển sản xuất. Nhìn lại giai đoạn chống dịch vừa rồi, có thể rút ra điều gì, thưa ông?

Do trong nước chưa nghiên cứu, sản xuất kịp nên chúng ta chưa chủ động được nguồn vaccine từ đầu. Do vậy, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề…

Tuy nhiên, ngay lập tức chúng ta đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine, tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Trước một đại dịch có tốc độ lây lan chưa từng có, có những vấn đề chưa có tiền lệ nên không thể tránh khỏi lúng túng lúc đầu. Quan trọng là chúng ta đã từng bước thích ứng linh hoạt, “chung sống” an toàn.

Theo ông, có những việc gì lẽ ra chúng ta đã có thể làm tốt hơn không?

Một số mục tiêu lẽ ra chúng ta còn có thể đạt được kết quả tốt hơn. Chẳng hạn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023, một số nội dung triển khai còn chậm, điển hình như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Vốn được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho phục hồi kinh tế, song gói đầu tư trị giá 113.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa thể triển khai do nhiều nguyên nhân. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà tới nay mới giải ngân được hơn 1%... Hay giải ngân đầu tư công, dù có cải thiện song mới đạt 35,3% kế hoạch năm.

Tạo điều kiện để thị trường vận hành tốt nhất

Trong chiến lược kinh tế - xã hội từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo, ổn định vĩ mô vẫn phải gắn với tăng trưởng GDP cao (trung bình 6,5 - 7%/năm). Mục tiêu này trong ngắn hạn có thể phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông?

Những thành quả chúng ta đạt được 6 tháng qua là nhờ những nỗ lực gượng dậy, xoay xở, vận động, sáng tạo của mọi lực lượng, mọi thành phần kinh tế và người dân như tôi đã chia sẻ ở trên.

Nhưng mặt khác, cũng phải nhìn nhận, kết quả đó nhờ cả sự cộng hưởng của những chuyển động khách quan cả ở trong nước và thế giới. Năm ngoái, ai hình dung ra được một ngày sẽ xảy ra xung đột Nga - Ukraine và hàng chuỗi những tác động sau đó? Ai có thể dự báo đúng kịch bản giá dầu từ chỗ suy giảm không ngừng, quay đầu tăng vùn vụt?

Chặng đường tiến lên thành một nước phát triển còn dài và nhiều thử thách, nhất là trong một thế giới đầy biến động như chúng ta đã chứng kiến thời gian qua. Nhưng tôi tin rằng, với sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của nhân dân, khát vọng của chúng ta sẽ thành hiện thực.

TS. Nguyễn Đức Kiên


Vậy nên các mục tiêu hoạch định chỉ có thể là định hướng. Vai trò của Chính phủ là tạo điều kiện tốt nhất để thị trường vận hành hiệu quả nhất. Và Chính phủ đã thể hiện rất rõ khả năng linh hoạt trước sự khả biến của thị trường.

Cùng với đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân đã được ban hành, trong đó có giảm thuế xăng dầu, giảm giá điện, thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, giảm lãi suất… Nhiều chính sách trong đó, chúng ta không thể nói rạch ròi là để ưu tiên tăng trưởng hay ổn định vĩ mô.

Nói như vậy, để thấy rằng, nếu chúng ta khéo điều hành, hoàn toàn có thể cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, mà không phải “hy sinh” mục tiêu nào.

Cần chính sách đột phá phát triển hạ tầng

img

Phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định

Trong 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã xác định, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thời gian qua?

Được xác định là một trong 3 đột phát chiến lược, hạ tầng luôn được quan tâm đặc biệt, từ động lực lẫn nguồn lực.

Quốc hội cho phép bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Hiện cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900km cao tốc, với nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng. Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như vậy cho các dự án cao tốc, dù nguồn lực của chúng ta còn eo hẹp.

Bộ GTVT là một trong những Bộ đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi ông nhậm chức để định hướng nhiệm vụ thời gian tới. Năm qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng dành nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn…

Thời gian qua, một số công trình giao thông hiện đại, đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế được đưa vào sử dụng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, vẫn còn là điểm nghẽn.

Hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải…

Theo ông, để huy động được các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, cần những cơ chế, chính sách đột phá nào?

Cần có cơ chế đột phá để huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách hay vốn ngân hàng. Chẳng hạn như phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên, để huy động được, chúng ta phải thuyết phục, cam kết với nhà đầu tư khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận, bằng cơ chế chính sách phù hợp và nhất quán.

Khơi dậy khát vọng phồn vinh

Theo ông, với những thành quả đã đạt được cho đến thời điểm này, mục tiêu đưa đất nước trở thành nước đang phát triển vào năm 2030, thành đất nước phát triển vào năm 2045, chúng ta phải dựa vào đâu?

Bên cạnh định hướng, chiến lược, giải pháp, hành động… xúc cảm tích cực cũng đóng góp giá trị không hề nhỏ. Những xúc cảm ấy tuy không cầm, nắm được nhưng lại có thể mang đến những sức mạnh lớn lao: Tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, lao động sáng tạo…

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045, xúc cảm tích cực chính là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, người dân ấm no, hạnh phúc. Khát vọng này được khơi gợi mạnh mẽ, sẽ tạo ra sự đồng thuận, đồng lòng, đồng sức như cách chúng ta cùng nhau vượt qua dịch bệnh Covid-19.

Để khát vọng được khơi gợi đủ lớn, mọi chính sách đều phải đặt con người là trọng tâm; chuẩn bị các nguồn lực cần và đủ để mọi lực lượng có thể đóng góp tốt nhất trí tuệ, sức lực của mình…

Vậy ngay bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị những gì trên hành trình tới tương lai, thưa ông?

Những gì cần chuẩn bị, cần hành động, Đảng, Chính phủ cũng đã định hướng, chỉ đạo rất quyết liệt, trong đó tập trung vào 3 trụ cột: Thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Thời gian qua, chúng ta đã không ngừng đổi mới thể chế, trong đó chuyển mạnh mẽ từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển”. Đây là tiền đề cho rất nhiều đổi mới, sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Về hạ tầng cũng cần đổi mới thể chế, cần nguồn nhân lực. Ngược lại, trong phát triển nhân lực cũng cần có thể chế…

Và đó cũng là cách vận hành, chuyển động của cả nền kinh tế.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.