Xã hội

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần phân loại ngành, nghề

07/05/2018, 10:05

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung cốt lõi của Đề án cải cách chính sách BHXH...

22

Đề án đề xuất mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng là vấn đề thiết thân với đông đảo nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Một trong các phương án được đề xuất là tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ.

Theo Ban soạn thảo, việc nhận định tăng tuổi hưu theo hướng cào bằng sẽ khiến những người lao động có thu nhập thấp đối mặt với nhiều rủi ro hơn về sức khỏe và thu nhập là đúng. Đề án nhấn mạnh việc tăng tuổi hưu cần phải theo lộ trình có cân nhắc tới sự thay đổi về cơ cấu tuổi trong lực lượng lao động (tức là phải tính toán cụ thể trước khi bắt đầu diễn ra tình trạng giảm lực lượng lao động trong độ tuổi).

Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) bắt đầu giảm sâu từ năm 2030 nên cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để đảm bảo sự cân đối lực lượng lao động. Bên cạnh đó, phải cân nhắc vấn đề sức khỏe của người lao động, cần phân loại ngành, nghề và sử dụng tuổi hưu linh hoạt trong một khoảng nào đó. Nếu lao động không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì năng suất lao động có thể thấp hơn mức lương thực tế, vì thế gây bất lợi về mặt kinh tế và sức khỏe người lao động. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không thực hiện cào bằng với mọi đối tượng mà cần có sự phân loại nhóm ngành nghề…

Một nội dung quan trọng khác của Đề án là những điểm cải cách về chính sách BHXH. Trước hết là mở rộng diện bao phủ BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Có thể hiểu đây là sự phát triển BHXH về chiều rộng.

Tiếp đến, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thất nghiệp, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng BHXH do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Một điểm cải cách khác về BHXH là kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc, thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa các nhóm đối tượng thông qua không điều chỉnh theo một tỷ lệ đồng đều. Rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng BHXH một lần nhằm duy trì và mở rộng diện bao phủ, khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự đảm bảo an sinh. Cuối cùng, thiết kế lại các tham số BHXH để đảm bảo đạt mục tiêu bền vững tài chính các quỹ BHXH thành phần nhằm đảm bảo khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia BHXH thực tế và quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.