Quản lý

Điều hòa vốn để giải ngân hết hơn 20.000 tỷ vốn giao thông

04/11/2022, 06:10

Các chủ đầu tư, ban QLDA đang nỗ lực đẩy nhanh thi công hiện trường, điều hòa, điều chỉnh dòng vốn cho các dự án, đảm bảo kết quả giải ngân...

Chưa hết khó khăn

Gần hai tháng kể từ ngày Bộ GTVT phát động thi đua “120 ngày, đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam”, công trường dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn ngày, đêm rầm rập tiếng máy móc, sản lượng thi công không ngừng tăng lên.

img

Từ nay tới cuối năm, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45) Ảnh: Tạ Hải

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Điều hành dự án thông tin, trước thời điểm phát động, giá trị thi công trung bình tại dự án chỉ đạt 170 - 220 tỷ đồng/tháng (khoảng 3% giá trị hợp đồng/tháng), trong tháng 10/2022, giá trị các nhà thầu thực hiện đạt tới 307 tỷ đồng, đạt 5,6% giá trị hợp đồng.

Tính đến hết tháng 10/2022, lũy kế giải ngân của dự án đạt 3.502 tỷ đồng, đạt 57,7% giá trị các hợp đồng.

Dù có nhiều kết quả khả quan, song ông Huy vẫn lo lắng khi khối lượng thi công dự án còn rất lớn, sản lượng thi công dự án hiện mới đạt 58,22% giá trị hợp đồng.

Gói thầu gặp khó khăn nhiều nhất là XL02 khi khối lượng thi công còn khoảng hơn 100.000m3 đắp nền, 8km cấp phối đá dăm, hơn 11km bê tông nhựa…

Để tăng tốc, phương án đưa đơn vị thầu phụ vào thi công các lớp móng mặt và đắp nền tuyến chính đã được đề xuất.

Thời gian qua, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cũng rất lo lắng về tiến độ giải ngân khi quá trình triển khai dự án liên tục gặp vướng mắc về vật liệu, thủ tục đầu tư.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận đánh giá, dự án gặp nhiều khó khăn nhất là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do khó khăn về nguồn vật liệu cát, một số nhà thầu chưa tập trung nguồn tài chính để thi công dự án.

Cùng đó là dự án thành phần 1A thuộc dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM) do công tác GPMB của dự án chậm, công tác lựa chọn nhà thầu phải trình chấp thuận cả 2 phía Việt Nam (Bộ GTVT) và Nhà tài trợ (EDCF). Việc xem xét, chấp thuận của nhà tài trợ kéo dài dẫn đến tiến độ triển khai và giải ngân của dự án bị kéo dài theo.

Tính đến hết tháng 10/2022, khối lượng giải ngân của Ban QLDA Mỹ Thuận đạt 56% kế hoạch vốn được giao (đạt 3.014 tỷ đồng). Khoảng 2.362 tỷ đồng còn lại sẽ được giải ngân 3 tháng cuối năm.

Trong khi đó, với Ban QLDA Thăng Long, trong tổng số hơn 8.300 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao trong năm 2022, tính đến ngày 23/10, đơn vị đã giải ngân được hơn 5.160 tỷ đồng, đạt hơn 62% kế hoạch, vẫn đang đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Lo lắng nhất hiện nay là công tác giải ngân cho hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là Bãi Vọt - Ham Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng khi địa phương dự kiến trả lại hơn 200 tỷ đồng do đơn giá bồi thường GPMB đất lúa, đất rừng của địa phương thay đổi, thấp hơn dự kiến ban đầu.

Ban QLDA Thăng Long đang nỗ lực cân đối, báo cáo Bộ GTVT cho điều hòa, điều chỉnh nội bộ số vốn này vào các dự án đang triển khai.

Tiếp tục điều hòa, điều chỉnh vốn

Chủ động nhận diện khó khăn trong triển khai dự án, thời gian qua, việc điều hòa, điều chuyển vốn giao giữa các dự án là giải pháp đang được các ban QLDA rốt ráo triển khai.

Ông Trần Văn Thi cho biết, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chủ động rà soát, báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận điều hòa giảm 350 tỷ đồng từ dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ sang dự án cầu Rạch Miễu 2; giảm 129 tỷ đồng từ dự án cải tạo nâng cấp đường cất/ hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sang dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang...

Nhằm đảm bảo giải ngân hết số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ GTVT phát đi công điện yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban QLDA căn cứ yêu cầu về tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng thực hiện, chuẩn xác nhu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 theo từng dự án được giao quản lý; làm rõ nguyên nhân đề xuất tăng/giảm nhu cầu so với kế hoạch năm đã được giao.
Trên cơ sở báo cáo, Vụ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp nhu cầu điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 giữa các dự án do Bộ GTVT quản lý, tham mưu Bộ trưởng xem xét quyết định trước ngày 15/11/2022 theo quy định.


Với Ban QLDA 6, đơn vị này cũng đang cấp tập rà soát, lên phương án điều chỉnh, điều hòa dòng vốn để giải ngân hết số vốn được giao.

Riêng quý II/2022, Ban QLDA 6 đã rà soát, báo cáo và được Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh giảm gần 1.131 tỷ đồng từ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, điều hoà sang cho dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh...

Không lên kế hoạch điều hòa vốn nội bộ trong các dự án đang triển khai, Ban QLDA 7 lại báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh khoảng 324 tỷ đồng từ 3 dự án phụ trách sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch của các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án khác.

Cụ thể, giảm 40/ 800 tỷ đồng dự án xây dựng tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau do vướng GPMB, giá vật liệu biến động mạnh; nguồn cát đắp bị hạn chế chưa đáp ứng được theo kế hoạch đề ra. Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong giảm 343/ 695 tỷ đồng do tỉnh Phú Yên chưa ban hành quyết định về đơn giá bồi thường cây trồng, đất đai nên các huyện chưa đủ cơ sở để hoàn thiện phương án.

Điều chỉnh giảm 160/ 883 tỷ đồng tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang do hiện tại, tỉnh Khánh Hòa mới phê duyệt giá đất được 1/22 xã; các thủ tục chi trả đền bù GPMB bị chậm.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện giao và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 qua 7 đợt.

Trong đó, điều hòa, điều chỉnh tổng số khoảng 3.600 tỷ đồng từ 36 dự án có tiến độ giải ngân chậm, không còn nhu cầu kế hoạch để bổ sung cho 35 dự án có tiến độ thực hiện giải ngân tốt, hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Cuối năm giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng vốn giao thông

Tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương và bình quân chung cả nước (dự kiến đến hết tháng 10 khoảng 51,34% kế hoạch).

Với kết quả trên, từ nay tới cuối năm Bộ cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%). Trong đó, tập trung vào nhóm các dự án: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng hơn 6.504 tỷ đồng (chủ yếu cho cho công tác GPMB); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng gần 3.910 tỷ đồng; Các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; Các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân gần 1.514 tỷ đồng; Nhóm các dự án giao thông còn lại 5.470 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.