Xã hội

Điều lạ, tiền lương đang "vắng bóng" trong thỏa ước lao động tại Việt Nam

01/05/2021, 07:58

Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định về vai trò công đoàn trong việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

img

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định tiền lương tháng thường "vắng bóng" trong các thỏa ước lao động

Nhận định về vai trò của công đoàn Việt Nam trong thời gian qua, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho hay tổ chức này đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ đại diện cho quyền lợi của người lao động trong quá trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Điều này được thể hiện rõ nét từ khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, mức lương tối thiểu được xác lập thông qua tham vấn và đôi khi là cả thương lượng giữa ba bên: Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho tiếng nói của người lao động, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp khác đại diện cho doanh nghiệp.

“Tại các phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, TLĐLĐVN luôn đề nghị Chính phủ và các bên khác phải hướng tới cải thiện cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Họ luôn đại diện cho tiếng nói của người lao động trong tiến trình điều chỉnh mức lương tối thiểu”, Giám đốc ILO Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, ông Chang-Hee Lee cũng thừa nhận tiền lương chính là điểm “thiếu” và “yếu” tại các thỏa ước lao động tập thể hiện nay.

“Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đưa ra hướng dẫn rõ ràng về phương thức xác lập, điều chỉnh tiền lương, và hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO. Tuy nhiên, rất tiếc là nghị quyết vẫn chưa được áp dụng trên thực tế tại phần lớn các doanh nghiệp.

Thỏa ước lao động tập thể có thể bao gồm những lợi ích ít quan trọng hơn như tiền ăn trưa hay tháng lương thứ 13, nhưng thường không đề cập đến tiền lương tháng. Ở tất cả các quốc gia khác, tiền lương là điều khoản quan trọng nhất trong thương lượng tập thể”, vị này phân tích.

Theo ông Chang-Hee Lee, khi tiền lương được xác lập thông qua thương lượng tập thể, người lao động có thể dành được phần phân chia lớn hơn từ việc tăng năng suất lao động của công ty, nhờ có được năng lực thương lượng mạnh hơn, so với trường hợp tiền lương không được xác lập thông qua thương lượng tập thể. Điều này đảm bảo sự phân chia công bằng hơn về thành quả kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

“Việt Nam có tham vọng vươn lên từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao. Để đạt được vị thế đó, Việt Nam không thể chỉ dựa vào đòn bẩy xuất khẩu, mà còn phải dựa cả vào động cơ quan trọng là tiêu dùng nội địa để phát triển kinh tế.

Cầu nội địa đến từ tiêu dùng nội địa bởi người dân Việt Nam, mà phần lớn là người lao động. Vì thế sức mua của người lao động tăng cao hơn đóng vai trò quan trọng, và sức mua cao hơn đến chính từ tiền lương cao hơn”, Giám đốc ILO Việt Nam phân tích và nhấn mạnh: “Nếu công đoàn có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động tốt hơn, đàm phán tiền lương tốt hơn, công đoàn có thể góp phần tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn, và sự phát triển kinh tế cân bằng hơn, dẫn tới sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng”.

img

Covid-19 ngày 2/5: Đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.