Thị trường

Đìu hiu khách mua vàng ngày Thần Tài

22/02/2021, 07:37

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng người tới mua vàng sụt giảm mạnh trong ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng năm nay.

img

Lượng khách mua vàng sụt giảm mạnh trong ngày vía Thần Tài năm nayẢnh: Tạ Hải

Lướt là cầm chắc lỗ

Có mặt ở phố vàng Trần Nhân Tông, Hà Nội lúc 9h sáng mùng 10 Tháng Giêng (tức 21/2), chị Nguyễn Thanh Lan (quận Hà Đông) khá vui mừng vì không phải chen chúc, xếp hàng như mọi năm. “Chắc mọi người ngại dịch bệnh nên tránh chỗ đông người”, chị Lan nói và cho biết đã chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn từ nhà.

Cũng vì ngại đông nên năm nay chị Lan được cử làm “đại diện” đi mua vàng cho ông bà, 6 gia đình anh chị em nội ngoại và thêm hai gia đình hàng xóm.

“Năm vừa rồi dịch Covid-19 nên kinh doanh ế ẩm, nhiều tháng đóng cửa không làm ăn được gì nên không dư dả như trước. Chính vì vậy tôi không mua nhiều như mọi năm”, chị Lan nói và cho biết thêm, dù mua hơn 10 món nhưng mỗi món chỉ từ 1-2 chỉ và không có ý định bán sớm.

Cũng không có ý định bán luôn mà giữ lại coi như tích góp, anh Nguyễn Xuân Sinh (trú quận Hai Bà Trưng) phân tích: “Hôm nay mua một cây giá 54,9 triệu đồng. Nếu bán ra chỉ được 54,2 triệu đồng, lỗ ngay 700 nghìn đồng, chưa tính lỗ tiền công chế tác”.

Không những vậy, hiện giá vàng trong nước đang được các doanh nghiệp neo cao hơn giá vàng thế giới 6,9 - 7 triệu đồng/lượng. Tình trạng này duy trì cả tuần trước ngày vía Thần Tài.

Nếu diễn biến như mọi năm, ngay sau mùng 10 tháng Giêng, khoảng cách này sẽ được kéo ngắn lại so với thế giới, về còn 2,5 - 4 triệu đồng. Trong bối cảnh giá vàng thế giới vẫn chưa dứt đà giảm, người mua vàng sẽ lỗ kép. Trong tình cảnh doanh nghiệp ở giữa “ăn” chênh lệch và “ăn” công chế tác, mọi rủi ro đều sẽ đẩy về phía người mua vàng.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này cho biết, hiện giá vàng giảm, người bán ra ít thì DN hưởng chênh lệch giá không nhiều dù trước đó có thể mua gom được đầu vào giá tốt. Nhưng lãi lời phải kể đến công chế tác. Đơn giản như nhẫn tròn, vỉ miếng cũng có công chế tác, rẻ nhất cũng 200 - 300 nghìn đồng, có nơi 500 nghìn đồng.

“Còn đối với các linh vật hay các sản phẩm tinh xảo hơn thì công chế tác lên đến tiền triệu. Thậm chí năm nay có sản phẩm trâu vàng đúc nguyên khối 10 lượng vàng, công chế tác gần hai chục triệu đồng. Và nếu bán ra chắc chắn mất trắng khoản này”, vị chuyên gia cho biết.

Doanh nghiệp mất mùa bội thu?

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, lượng khách tới mua trực tiếp tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông sáng 21/2 chỉ bằng 1/4 so với các năm 2018-2019 và tương đương 2/3 so với năm 2020. Đường phố cũng không xảy ra cảnh ùn tắc cục bộ.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết: Năm nay Bảo Tín Minh Châu đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến nên khách giao dịch online nhiều hơn so với năm trước từ 5 - 6 lần. Nhưng xét về tổng thể, DN nhận định lượng khách năm nay sẽ ít hơn các năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Trần Xuân Dũng, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý cũng cho biết, số lượng khách năm nay tăng nhẹ so với năm 2020 nhưng không thể so sánh với các năm 2018, 2019. Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng năm nay Phú Quý đẩy ra thị trường giảm đến 30% so với năm trước.

“Năm nay công ty không chú trọng doanh số mà chủ trương phục vụ nhu cầu khách hàng và đảm bảo an toàn dịch bệnh là chính”, ông Dũng thông tin.

Ngược lại, nhờ mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn quốc qua kênh bán hàng trực tuyến, đại diện Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ kỳ vọng doanh số sẽ không sụt giảm.

“Dịp Thần Tài năm trước, Sacombank - SBJ bán ra khoảng 400 lượng vàng. Năm nay, khối lượng vàng chuẩn bị cho ngày Thần Tài lớn hơn, nhờ khả năng phân phối rộng hơn trên toàn quốc qua các kênh trực tuyến chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi các cửa hàng tại TP HCM như trước”, đại diện SBJ cho hay.

Cũng như SBJ, 2021 là năm đầu tiên Doji ra mắt kênh bán vàng trực tuyến, cùng với sản phẩm đa dạng, mẫu mã đẹp mắt và chính sách không tính tiền công, chỉ tính giá theo vàng SJC nên Doji kỳ vọng tạo ra sự bứt phá trong mùa Thần Tài năm nay dù dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề.

Bà Lê Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Doji cho biết, lượng khách hàng của Doji năm nay ước tính tương đương năm 2020, cộng với hàng ngàn giao dịch online qua kênh bán trực tuyến e mùa Thần Tài không thất thu vì dịch bệnh.

Giá vàng không biến động mạnh ngày Thần Tài

Điểm đáng chú ý trong hai ngày cao điểm mùa Thần Tài năm nay là giá vàng không mấy biến động. Giá vàng SJC quanh mốc 55,65 - 56,35 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji quanh 55,60 - 56,30 triệu đồng/lượng; Giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu dao động 54,30 - 55,00 triệu đồng/lượng; Giá vàng 9999 NPQ giữ nguyên 54,20 - 54,90 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra… Điều này là do giá vàng thế giới tạm ngừng giao dịch ngày cuối tuần.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu vàng Thần Tài năm nay giảm mạnh khiến giá không bị đẩy lên như các năm trước. Trong hai mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng, biến động của giá vàng trong nước chỉ trong phạm vi nhỏ 50 - 100 nghìn đồng/lượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.