Xã hội

Đổ bệnh vì rét đậm

04/02/2015, 07:43

Rét đến hết ngày 9/2, nhiều người già và trẻ nhỏ đổ bệnh trong đợt rét kéo dài đến cuối năm này

51
Rét đậm kéo dài khiến nhiều trẻ viêm phổi

Trẻ rầm rập nhập viện vì viêm hô hấp

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), mẹ bé Việt Anh (6 tháng tuổi, ở Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng khi bác sỹ cho biết, con đã bị viêm phổi, phải nhập viện ngay. “Mình chủ quan quá, con tuy chỉ húng hắng ho nhưng đã sốt, kém ăn ba ngày nay, nếu đưa con đi khám sớm thì chắc chưa ảnh hưởng xuống phổi”, chị than.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), nền nhiệt thấp, ẩm như hiện nay khiến rất nhiều trẻ em bị các bệnh lý về viêm đường hô hấp. Từ đầu tuần, số trẻ đến khám, nhập viện tăng khoảng 20% so với bình thường. Trong đó, chủ yếu bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao; đáng lưu ý, nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có biến chứng viêm phổi.

"Thời tiết thay đổi lạnh quá hay nóng quá đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân cao huyết áp, đặc biệt vào những ngày rét đậm, rất dễ bị tai biến mạch máu não. Tai biến có thể nhận biết qua các dấu hiệu như tê liệt chân tay, méo miệng, nói đớ, đột ngột nhìn mờ, loạng choạng, đau đầu dữ dội...”.

GS. Lê Đức Hinh
Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam

Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh diễn tiến cực nhanh. Có những trẻ ở thời điểm đi khám chưa có biểu hiện viêm phổi, nhưng chỉ vài tiếng sau đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh. Việc chẩn đoán viêm phổi sơ sinh rất khó, do trẻ không có những dấu hiệu đặc trưng của trẻ lớn là ho, sốt. Thậm chí với trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi, trẻ viêm phổi đôi khi còn hạ thân nhiệt một chút và không có bất kỳ biểu hiện rõ ràng.

“Trong đợt lạnh dài ngày trước, khoa cũng đã điều trị cho bệnh nhi mới có năm ngày tuổi nhưng đã viêm phổi. Bệnh nhi được gia đình đưa đến viện trong tình trạng bú ít, bú ngạt, nhịp thở nhanh, rút lõm lồng ngực, rất nguy hiểm”, bác sỹ Dũng nói và cho biết, việc quan sát những dấu hiệu toàn trạng của bé, đặc biệt là tình trạng bú của trẻ là rất quan trọng. Nếu trẻ bú ít hơn bình thường, ngủ nhiều li bì bất thường… cha mẹ cần quan sát nhịp thở, quan sát lồng ngực trẻ, nếu thấy bất thường nên đưa ngay trẻ đến viện.

Người già tăng đột quỵ

Th.S Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Lão khoa Quốc gia) cho biết, vừa bước vào đợt rét đậm này, tỷ lệ người cao tuổi đến khám và chữa bệnh tại Viện tăng khoảng 30%, chủ yếu là bệnh nhân cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, động mạch vành, phổi, phế quản, tắc nghẽn mãn tính...

Anh Minh Kha (Gia Lâm, Hà Nội) đang chăm sóc bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tại Viện Lão khoa cho biết, bố anh đã 74 tuổi, tiền sử bệnh cao huyết áp. “Gần sáng, cụ mở cửa ra ngoài và quỵ xuống. May mà gia đình phát hiện, cấp cứu kịp thời, chứ chậm một chút khó giữ được tính mạng”, anh Kha cho hay.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Anh, để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi trong những ngày giá rét, người cao tuổi và trẻ nhỏ cần luôn phải giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đồ ấm, hạn chế đi ra ngoài trời lạnh. Người cao tuổi nên tạm thời bỏ thói quen tập thể dục buổi sáng sớm, tránh uống rượu; không thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa; không nên tắm và gội cùng lúc; tăng cường ăn những thức ăn giàu năng lượng dễ tiêu như súp, cháo nóng, bột dinh dưỡng... để cơ thể thêm sức đề kháng, chống lại giá rét.

Với những bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính, cần thực hiện chế độ uống thuốc đều đặn và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của bác sỹ. Nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường phải lập tức đến các cơ sở y tế để các bác sỹ kiểm tra, theo dõi. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.