Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bất động sản đua tăng vốn

15/09/2016, 08:28

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đua tăng vốn như một chiến lược sống còn...

13

Sức cầu bất động sản, nhất là phân khúc đất nền, biệt thự đang “ấm” dần trở lại

Mỗi DN một chiêu thức

Ngày 11/9, trong buổi mở bán dự án khu căn hộ và nhà phố thương mại Moonlight Residences tại Q Thủ Đức (TP.HCM) của Công ty Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Land), Tổng giám đốc Nguyễn Nam Hiền tuyên bố, số lượng khách đến đặt chỗ gần như 100%. Ông Hiền cho rằng, sở dĩ Hưng Thịnh làm được điều này vì sàn giao dịch của công ty có số lượng nhân viên chính thức lên tới cả nghìn người. Mỗi nhân viên chỉ cần dẫn đến một khách hàng thì số lượng sẽ lên tới cả nghìn người và hơn thế. “Nhờ đội ngũ này, chúng tôi bán hàng rất nhanh chóng. Và có thể khẳng định vốn để làm dự án phần rất lớn là huy động từ khách hàng của mình”, ông Hiền nhấn mạnh.

"Tính đến cuối tháng 7, tại TP HCM, vốn ngân hàng đổ cho thị trường địa ốc là 143.050 tỷ đồng, chiếm 10,5%/tổng dư nợ tín dụng của thành phố. Nợ xấu ở lĩnh vực này giảm từ 6% xuống còn 4,69%. So với cùng kỳ năm 2015 thì vốn đổ vào lĩnh vực này tăng hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên tổng tỉ trọng thì lại giảm 0,6%. Hiện nay, các NH vẫn tiếp tục cho vay BĐS bình thường. Nếu DN nào kêu không vay được vốn thì cần xem lại dự án của mình”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh
Phó giám đốc NHNN
Chi nhánh TP.HCM

Cũng nhằm huy động vốn, Tập đoàn Đất Xanh lại chọn phương thức thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ tối đa hơn 117,2 triệu cổ phiếu tại mùa đại hội vừa qua. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, vốn huy động từ đợt phát hành được tài trợ cho dự án thành phần thuộc Dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc tại An Phú, quận 2, TP HCM. Sau nhiều đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của công ty chính thức cán mốc nghìn tỷ vào cuối năm 2014 và tiếp tục tăng đạt mức 1.168 tỷ đồng 7 tháng sau đó. Trong năm 2016, Đất Xanh dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.173 tỷ đồng lên 2.531 tỷ đồng qua ba đợt phát hành tiếp theo.

Còn Novaland, tháng 6/2015 đã phát hành tăng trái phiếu giúp công ty củng cố dòng vốn vững mạnh trị giá 15 triệu USD cho Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF).

Khác với nhiều DN BĐS thông thường, chiến lược của Địa ốc Khang Điền đã có từ nhiều năm về trước. Công ty này có vốn nước ngoài rót vào với tỉ lệ kịch trần. Tuy nhiên, để có thể tăng vốn lên nữa, ông Nguyễn Đình Bảo, Phó tổng giám đốc Khang Điền cho hay, sẽ tăng vốn điều lệ, từ đó nhà đầu tư ngoại cũng sẽ phải tăng vốn để giữ tỉ lệ cổ phần của mình. Phía An Gia Investment, ông Lương Sĩ Khoa, Phó tổng giám đốc cho hay, tháng 3/2016, An Gia và Quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác với BĐS Phát Đạt để triển khai Dự án River City (quận 7), quy mô 8.000 căn hộ với tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Bởi vậy, An Gia không còn phải lo lắng về nguồn tiền nữa.

Theo ông Nguyễn Thành Hoàn Dũng, Phó tổng giám đốc Địa ốc Kim Phát, việc huy động vốn của DN BĐS thế nào tùy theo năng lực tài chính và điều kiện của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư lớn có thương hiệu, có tiềm lực tài chính tốt thì họ có thể huy động hết tất cả các kênh.

Đất nền, biệt thự “lên ngôi”?

Mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam báo cáo lên Bộ Xây dựng cho biết, 6 tháng đầu năm, tại Hà Nội có khoảng 7.800 giao dịch BĐS thành công và TP.HCM có khoảng 7.500 giao dịch thành công. Trong số đó, có nhiều tên tuổi như FLC Star Tower, theo thống kê của Danko Group, mở bán từ tháng 6 đến nay đã có 270 căn trong tổng số hơn 455 căn được chuyển nhượng.

Tại TP HCM, tên tuổi đình đám trên thị trường là Novaland với tổng 35 dự án nằm toàn vị trí đắc địa trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, Novaland đã bàn giao hơn 6.000 căn hộ. Địa ốc An Gia cho biết, trong năm 2014 và 2015, mỗi năm bán được cả nghìn căn hộ nên tiếp tục tìm kiếm mua lại dự án để triển khai.

Trong vai người đi mua nhà, PV Báo Giao thông tìm đến các sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM thì đều được chào bán phân khúc căn hộ cao cấp, đặc biệt là khu biệt thự. Một chuyên viên môi giới cho biết, giá đất nhà phố liền kề, nhà biệt thự hiện nay không quá đắt, mua là có lời bởi quỹ đất eo hẹp dần. Đặc biệt, các vị trí như quận 2 hay quận 9 hiện nay đều rất phát triển về hạ tầng, thuận tiện đi lại và gần sông.

Chị Phương Linh, chủ một spa tại quận 1 mua một biệt thự tại khu vực giáp ranh với Đồng Nai cách đây hai năm có giá 4 tỷ đồng khẳng định: Chỉ mất 4 tỷ mà vừa có nhà đẹp, rộng rãi, vừa có vườn tược, khuôn viên xanh, các đường nội khu khá yên tĩnh và thoáng đãng nên cứ cuối tuần là gia đình về ở. “Hiện nay, các căn biệt thự như của tôi đang được rao bán với giá khoảng 6 tỷ đồng, như vậy lời ra được xấp xỉ 2 tỷ đồng”, chị Linh nói.

Ông Nguyễn Thành Hoan Dũng, Phó tổng giám đốc Địa ốc Kim Phát cũng thừa nhận dựa vào kết quả khảo sát thì phân khúc căn hộ, biệt thự, nhà phố… bán chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, phân khúc đất nền trong năm 2015 và từ đầu năm đến nay cực kỳ hút hàng.

Đứng về gốc độ của nhà phát triển dự án, theo ông Dũng, chủ đầu tư thấy phân khúc nào có thể mang lợi ích tốt nhất thì sẽ đầu tư. Bởi thay vì làm nhiều dự án nhỏ, chỉ cần làm một dự án lớn hiệu quả cũng tốt. “Hơn nữa, BĐS vẫn là thị trường của những người có tiền và chỉ có những người có tiền mới tham gia thị trường này”, ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.