Kinh tế

Doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm lương, nhân sự

02/04/2020, 06:55

Hàng loạt những phương án khẩn được doanh nghiệp lựa chọn để “sống” qua “bão” dịch Covid-19.

img
Ngành Dệt may tập trung cắt giảm quy mô sản xuất trước ảnh hưởng của dịch bệnh

Cắt giảm nhân sự, giảm lương từ lãnh đạo cao cấp tới nhân viên, chuyển đổi việc làm, gắng duy trì hoạt động tối thiểu… là những phương án khẩn được DN lựa chọn để “sống” qua “bão” dịch Covid-19.

Hướng dẫn viên chuyển sang bán bảo hiểm, khẩu trang

Không còn lạc quan với kịch bản cuối tháng 3, đầu tháng 4 dịch Covid-19 được khống chế, ngành du lịch có thể phục hồi, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc kinh doanh công ty CP Lữ hành Fiditour chia sẻ: “Với tình hình dịch dã hiện nay, chắc chắn không có công ty du lịch nào không cắt giảm chi phí lẫn nhân sự, vấn đề là nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô và quỹ phúc lợi tích cóp được”.

Riêng Fiditour hiện có khoảng 300 nhân viên tại 5 chi nhánh trên cả nước, ông An cho hay, chi phí lương thưởng mỗi tháng đã lên khoảng 4 tỷ đồng, chưa kể các chi phí về mặt bằng và các hoạt động khác. Trong khi đó, từ Tết Nguyên đán trở lại đây, công ty gần như không có nguồn thu bởi hàng loạt tour phải hủy hoặc rời sang dịp khác. “Trước tình hình này, lãnh đạo công ty phải ngồi lại tính toán, cắt giảm các chi phí, cố gắng giữ lại nhân sự chủ chốt là bộ khung của công ty để duy trì được hoạt động tối thiểu”, ông An thông tin.

Theo đó, từ tháng 4 này, công ty buộc phải cắt giảm 1/3 nhân viên tại bộ phận không có việc làm hoặc hiệu quả làm việc (KPI) không tốt. Số nhân viên còn lại của bộ phận bán hàng, hướng dẫn viên được vận động tạm nghỉ không lương. Trường hợp buộc phải giữ lại thì cắt giảm từ 30-50% thu nhập tháng, riêng lãnh đạo công ty gần như cắt hết mọi khoản thu nhập.

“Tất cả chính sách này đều phải dựa trên cơ sở thỏa thuận với người lao động với tinh thần cùng nhau chia sẻ “thắt lưng buộc bụng” duy trì vượt qua. Những trường hợp ở lại sát cánh trong thời điểm khó khăn, tới khi phục hồi lại, kinh doanh thuận lợi, công ty sẽ có khoản bù đắp và hưởng chế độ đãi ngộ tốt trong tương lai”, ông An cho hay.

Trước đó, từ giữa tháng 3, lãnh đạo Fiditour liên hệ với các đối tác triển khai bán bảo hiểm phòng dịch Covid-19 và sản phẩm khử khuẩn, khẩu trang. “Tất cả nhân viên đều có thể tham gia và hưởng trọn phần hoa hồng. Ngoài ra chúng tôi vẫn đang tìm việc làm thời vụ cho anh em trong thời gian này”, ông An nói và thông tin thêm, tới thời điểm này, công ty vẫn chờ đợi phương án hỗ trợ chế độ bảo hiểm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Thông tin TP HCM hỗ trợ 1 triệu đồng cho mỗi người lao động thì công ty mới cũng chỉ được biết qua truyền thông chứ chưa thấy hướng dẫn cụ thể nào…

Cắt giảm lương không kể DN nhỏ hay lớn

Theo báo cáo của Bộ LĐ, TB&XH, từ đầu tháng 3, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành Dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ.
Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500 nghìn lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Đối với các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500 nghìn lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn.


Trước tình hình Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, ngay trong cuối tuần vừa qua, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã phải tạm ngưng một số cửa hàng FPTshop nhằm tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu từ chính quyền địa phương. “Các nhân viên tại shop sẽ được tạm nghỉ hoặc sắp xếp qua bộ phận khác làm việc. Lương và chế độ vẫn được duy trì”, đại diện FPT Retail nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong bối cảnh dịch bệnh, ngoại trừ rất ít ngành vẫn tăng trưởng, hầu hết đều rơi vào cảnh cắt giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm.

Đơn cử Công ty CP Fecon (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa ra thông báo sắp xếp bố trí lại nhân sự tránh làm việc đông người. “Khối công trường thì tùy theo tiến độ để chủ động sắp xếp nhân lực. Khối văn phòng được quán triệt các phòng ban bố trí đảm bảo tỷ lệ 70% thời gian làm việc ở trụ sở, 30% làm việc online tại nhà. Thời gian làm việc ở nhà chỉ được hưởng khoảng 60% lương”, một nhân viên công ty cho hay.

Về lĩnh vực BĐS, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết: Khối dịch vụ giao dịch BĐS chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch bệnh, hiện phải cắt giảm từ 50-70% nhân sự. “Không được tập trung đông người, các sàn giao dịch BĐS hầu hết đang đóng cửa nằm im. Mọi hoạt động tư vấn, bán hàng đều chuyển sang online nhưng giao dịch chỉ lác đác, cả thị trường trầm lắng”, ông Điệp nói.

Không chỉ các DN nhỏ và vừa, nhiều DN lớn cũng phải khẩn trương lên phương án cơ cấu lại nhân sự trong mùa dịch. Cụ thể, mới đây, một tập đoàn sở hữu hàng loạt khu vui chơi giải trí đã phải quyết định cắt giảm khoảng 1.000 nhân sự, nhân viên còn lại chỉ được tính 15 ngày công đi làm trong tháng. Hay tại một tập đoàn đa lĩnh vực, trừ nhân viên có thu nhập từ 10 triệu trở xuống, còn lại đội ngũ lãnh đạo cao cấp giảm 30% lương, quản lý cấp trung giảm 20%, chuyên viên giảm 10%.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, đơn vị này đang tổng hợp phiếu điều tra tình hình sử dụng lao động tại các DN trên cả nước trong thời điểm dịch Covid-19. “Các phiếu điều tra gửi về DN đều có nội dung về phương án cơ cấu quy mô sản xuất, tình hình cắt giảm nhân sự… Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tổng hợp thống kê và tham mưu các chính sách hỗ trợ phù hợp”, bà Minh cho hay.

Ngành Dệt may kích hoạt trạng thái “ngủ đông”

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tính toán: Với hơn 120 nghìn nhân sự, hầu hết các DN thiếu từ 30-50% việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020. Trong khi đó, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương người lao động, các DN dệt may sẽ hết vốn. Làm thế nào để DN không phá sản, người lao động không mất việc làm là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex từ trước tới nay.

“Để vượt qua thách thức này, đội ngũ những người lãnh đạo các DN phải tìm kiếm các hợp đồng mới, nghiên cứu các phương án tài chính khả thi, tổ chức lại sản xuất để dù hàng thiếu, việc không nhiều thì máy vẫn chạy, công nhân vẫn có việc. DN cũng phải tìm cách tận dụng các gói hỗ trợ từ chính phủ, các nguồn vay ngân hàng. Tận dụng thời gian để sáng tạo, tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, thay đổi phương thức làm việc hiệu quả hơn. Vinatex đang kích hoạt trạng thái “năng lượng thấp - ngủ đông” để sống sót qua mùa dịch”, ông Trường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.