Xã hội

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị thi hành án quá “nhiệt tình”

07/01/2020, 06:31

Cục Thi hành án dân sự Hải Phòng thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản, trong khi chưa hề có văn bản trao đổi với bên bị thi hành án.

img
Dự án vẫn chưa hoàn thành GPMB của Công ty TNHH Lam Sơn vẫn bị Cục THADS Hải Phòng tiến hành tịch thu thi hành án

Một dự án được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm, chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có bất cứ tài sản gì trên đất vẫn bị Cục Thi hành án dân sự (THADS) Hải Phòng thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản, trong khi chưa hề có văn bản trao đổi với bên bị thi hành án.

Thu hồi cả dự án chưa hoàn thành GPMB

Nếu đúng như đơn của Công ty TNHH Lam Sơn phản ánh, thì quyết định của Cục THADS Hải Phòng là một quyết định vội vàng. Nếu không có sự trao đổi đi đến thống nhất thì sẽ dẫn đến nhiều hệ quả rất khó giải quyết. Đối với việc cưỡng chế một dự án mà dự án đó chưa giải phóng xong mặt bằng, cần xem xét lại, phân biệt rạch ròi đây có phải là tài sản hay không? Thu hồi dự án này trong khi trên mặt bằng dự án vẫn chưa giải phóng xong, có một số hộ dân sinh sống dễ dẫn đến một vụ kiện khác mà người kiện chính là những hộ dân này.
Luật sư Trịnh Khắc Triệu


Đầu tháng 1/2020, Công ty TNHH Lam Sơn gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng phản ánh việc bị Cục THADS Hải Phòng kê biên, tịch thu tài sản không đúng quy định của pháp luật.

Theo đơn kêu cứu, năm 2013, Công ty TNHH Lam Sơn và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa ký hợp đồng mua bán phân bón với tổng giá trị hợp đồng là trên 16 tỷ đồng. Vì Công ty TNHH Lam Sơn không thực hiện đúng nội dung hợp đồng, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa đưa sự việc ra tòa.

Ngày 20/7/2015, TAND TP Thanh Hóa đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai công ty trên, buộc Công ty TNHH Lam Sơn phải thanh toán cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa số tiền hàng và tiền lãi chậm trả theo hợp đồng, tính đến ngày 31/12/2014 là hơn 20 tỷ đồng.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa, Cục THADS Hải Phòng nhận thấy Công ty TNHH Lam Sơn đang triển khai một dự án mang tên xây dựng nhà máy đồ mộc ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) nên tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản. Ngày 3/5/2019, Cục THADS Hải Phòng ban hành Quyết định số 19 do chấp hành viên Phan Thị Nhuyến ký, yêu cầu kê biên, tịch thu toàn bộ tài sản là dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đồ mộc của Công ty TNHH Lam Sơn gồm: Quyền thực hiện dự án, quyền thuê đất, quyền đối với các tài sản gắn liền với đất diện tích 27.297m2.

Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn cho biết, rất bất ngờ khi nhận được Quyết định số 19 của Cục THADS Hải Phòng. “Doanh nghiệp chúng tôi với Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa vẫn đang trong quá trình đàm phán trả nợ. Theo quy định thì trước khi ra quyết định kê biên cưỡng chế, đơn vị thi hành án phải có sự trao đổi thông tin bằng văn bản với tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế. Tuy vậy, chấp hành viên Phan Thị Nhuyến không một lần có văn bản trao đổi, đã ra luôn quyết định cưỡng chế đối với dự án. Trong khi đó, thực tế, dự án Công ty TNHH Lam Sơn đang triển khai có giá trị lớn hơn nhiều số tiền đang nợ Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa”, bà Dung cho hay.

Thu hồi cả đất của dân chưa bàn giao mặt bằng?

Luật sư Trịnh Khắc Triệu, Giám đốc Công ty Luật Trịnh Khắc Triệu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Hải Phòng phân tích, khi bản án ở Thanh Hóa có hiệu lực, chuyển hồ sơ về Cục THADS Hải Phòng thì đơn vị này có quyền tìm những tài sản của người bị thi hành án (động sản, bất động sản) để yêu cầu thực hiện bản án. Tuy nhiên, đơn vị thi hành án không được phép ra một quyết định cưỡng chế mà người bị thi hành án không biết.


Quyết định số 19 của Cục THADS Hải Phòng yêu cầu cưỡng chế dự án xây dựng nhà máy đồ mộc của Công ty TNHH Lam Sơn với diện tích 27.297m2, trong khi thực tế, dự án này có tổng diện tích được phê duyệt là 30.755m2. Và hiện dự án này vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng (GPMB), trên mặt bằng của dự án vẫn còn một số nhà dân chưa thỏa thuận đền bù, giải phóng. Do đó, nhiều hộ dân có nhà đất nằm trong mặt bằng dự án lo ngại nếu thực hiện cưỡng chế thì Cục THADS Hải Phòng thu hồi luôn cả phần nhà đất chưa được Công ty TNHH Lam Sơn bồi thường GPMB của họ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tiến Binh, Phó cục trưởng Cục THADS Hải Phòng cho biết, trước khi ra quyết định cưỡng chế, đơn vị đã tiến hành xác minh dự án. Tuy nhiên, trước hàng loạt câu hỏi PV đặt ra: Vì sao Cục THADS Hải Phòng không có văn bản trao đổi trước khi đưa ra quyết định kê biên cưỡng chế; Vì sao diện tích dự án trên quyết định thu hồi này khác xa diện tích dự án thực tế; Dự án chưa GPMB xong có phải là một tài sản để thi hành án không?,ông Binh chỉ khẳng định: “Đã làm theo chỉ đạo của cấp trên và theo quy định”.

Được biết, tới nay, Cục THADS Hải Phòng đã điều chuyển chấp hành viên Phan Thị Nhuyến sang một chi cục cấp quận và cử 1 chấp hành viên khác thay thế bà Nhuyến tiếp tục thụ lý vụ việc. Cục THADS Hải Phòng vẫn tiến hành kê biên, cưỡng chế tài sản để tiến hành đấu giá với giá khởi điểm của dự án là 25,9 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.