Xã hội

Độc đáo phiên chợ lấy lá thay… tiền

05/03/2022, 06:21

“Vui là chính” là câu nói mà cả người mua, người bán ở chợ lá đều chia sẻ. Không giới hạn số lượng, lá của cây ATM được quay vòng tái sử dụng...

Hơn 10 năm qua, tại Tây Ninh có những phiên chợ độc đáo, chỉ mở vào dịp Tết Nguyên tiêu.

Khách tới chợ chỉ cần vặt lá cây ven đường, hoặc lấy lá cây ở cổng chợ rồi dùng lá mua tất cả các mặt hàng bán ở phiên chợ.

img

Mua hàng bằng lá tại phiên chợ

Đi tìm chợ lá

Ngày 15/2/2022 (15 tháng Giêng năm Nhâm Dần), chúng tôi đến thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh tham dự lễ đãi đàn Thượng ngươn ở Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Sau lễ đãi đàn, chúng tôi đi tìm chợ lá.

Khá ngạc nhiên, khi hỏi về chợ lá, nam tiếp tân khách sạn cho biết: “Chợ mở dịp này nhưng lưu động cả địa điểm và linh động về thời gian. Nghe nói 3h chiều mai tại Điện thờ Thánh Mẫu có chợ lá”.

Tiếp tục dò hỏi thông tin từ một người bán vé số dạo và một nhân viên bán xăng, chúng tôi được biết, hai ngày qua chợ họp ở đường Nguyễn Quốc Gia, hôm nay họp sáng ở Trí Huệ Cung và sáng 16/2, chợ họp sáng ở Thánh Thất Long Hải.

“Chợ lá ai may mắn thì sẽ gặp, vì đúng nghĩa nó là phiên chợ từ thiện, những người bán tìm mượn được địa điểm nào, thấy thời điểm nào thích hợp thì đưa hàng ra bán, nên không có chốt cứng thời gian, địa điểm ở một chỗ cụ thể”, người bán xăng giải thích.

Và chúng tôi may mắn khi tới được chợ lá trên đường Nguyễn Quốc Gia. Khi chúng tôi đến nơi, chợ đã khá đông người. Quầy hàng bán giải khát đầu chợ đã hết cà phê, chỉ còn nước uống đóng chai…

Vặt lá mua hàng

img

Người dân cầm lá làm tiền để đi chợ

Ngay từ đầu chợ, đã có một thùng carton chứa lá cây đặt sẵn. Bất kỳ ai vào chợ cũng được một nhóm thanh niên vừa giữ trật tự, vừa hướng dẫn đỗ xe, vừa phát lá rất niềm nở. Người vào chợ không mất phí gì, cũng không cần khai báo điều gì ngoài… nụ cười.

Chợ lá có nhiều sạp hàng dọc theo hai bên đường Nguyễn Quốc Gia. Hầu hết là hàng thực phẩm ăn uống từ công nghiệp như bánh kẹo, nước uống đóng chai đến các loại rau quả, bầu bí, mướp, khoai lang, khoai mì.

Nhiều nhất là những món chay ăn liền như: Cháo, bánh mì kẹp chả, bánh hỏi, bánh tiêu, bán ướt, mì xào, hủ tiếu xào…

Cũng có những món ăn dân gian được chế biến công phu như: Bánh ít, bánh ú, bánh lá gai, cà na ngâm muối… Tất cả đều được chứa trong các hộp, đĩa xốp dùng một lần rất vệ sinh và được bày biện trên những sạp gỗ, bàn 4 chân, trên mẹt tre, đôi thúng… gợi khung cảnh chợ quê thân thương.

Đặc biệt là cả người mua và người bán đều có chủ ý ăn mặc thật đẹp, thật trang trọng. Nhiều phụ nữ mặc áo dài vấn khăn màu theo kiểu Bắc, nhiều nam giới mặc áo dài màu, khăn đóng (xếp) như thể đang dự hội làng, dự lễ cưới hỏi truyền thống dù đang đứng bán bánh hỏi, khoai mì hay bầu, bí.

Bên cạnh đó lại có nhóm thanh niên nam nữ mặc đồng phục công ty màu đỏ tươi tắn bán nước uống đóng chai.

Những khách đến với chợ cũng ăn mặc rất đẹp, nhiều người mặc quần áo bà ba, áo dài, vest… khuôn mặt ai nấy đều rạng rỡ, vui vẻ. Với lá trong tay, khách có thể mua hàng thỏa thích, mỗi chiếc lá là một phần hàng.

Chị Thu, một khách hàng đến từ TP.HCM cho biết, đã nhiều năm đến với chợ lá. Theo chị Thu, cứ đưa một chiếc lá cho người bán, khách sẽ được nhận một phần hàng hóa, thường là một phần thức ăn nho nhỏ và chỉ được mua mỗi món một chút như vậy để những người đến sau còn có mà mua.

img

Hai phụ nữ áo dài khăn vấn bán bầu bán hàng tại phiên chợ

“Không cần biết “mặt hàng” mệnh giá là bao nhiêu, người mua cứ mua, người bán cứ bán và họ gửi đến nhau những lời cảm ơn, nụ cười cùng lời chúc tốt lành đầu năm mới. Vì vậy, chợ lá đem đến không gian cổ xưa, những niềm vui ấm áp, khiến tôi rất thích tham gia”, chị Thu cho hay.

Chị Trang, ở thị xã Hòa Thành, người đã nhiều năm tham gia bán hàng ở phiên chợ lá này cho biết, chị chỉ bán những món ăn dân dã như khoai mì, bánh hỏi và hoàn toàn không thu được đồng tiền nào mang về. Chị tham gia chợ lá vì chỉ muốn đem chút niềm vui nhỏ đến với mọi người.

“Mang hàng hóa đến chợ để chia sẻ, để nhận lại những lời cầu chúc tốt lành đầu mới là may mắn cho mình cả năm rồi”, chị Trang cho hay.

“Vui là chính” là câu nói mà cả người mua, người bán ở chợ lá đều chia sẻ. Không một thủ tục, không giới hạn số lượng, lá của cây ATM là lá bán hàng được gom về quay vòng tái sử dụng. Nhờ vậy, hoạt động của chợ lá gọn gàng, không ảnh hưởng đến cây trái xung quanh khu vực.

Có những gánh hàng quê hết hàng thì ngừng bán nhưng có những quầy như bánh mì kẹp chả hay bún, mì xào hết hàng lại có người chở đến bổ sung bán tiếp.

Người mua có khi khệ nệ mang hàng về nhưng đa số đều hớn hở ăn tại chỗ và hầu hết đều cầm điện thoại, máy ảnh trên tay để “selfie” hay chụp lẫn cho nhau.

Anh Lê Văn Nguyên, cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình Long An đã tham dự nhiều phiên chợ lá chia sẻ: “Chợ lá là nét son về tình người độc đáo, cần được gìn giữ, bảo tồn”.

* Năm 2010, bác sĩ Bùi Quốc Thái, một thầy thuốc Nam, hay làm từ thiện ở Tây Ninh tổ chức một tiệc buffet chay với hình thức chợ lá để đền ơn những cộng sự và người dân nơi đây.

Ngoài khoản chi phí tự có, bạn bè bác sĩ Thái cùng đóng góp thêm, ai có gì góp nấy để buổi buffet phong phú thêm về các đồ ăn thức uống.

Dần dà, phiên chợ được nhiều người biết đến, lá cây được dùng làm tiền để trao đổi hàng hóa. Những người tham gia biến phiên chợ thành nơi trao đổi, chia sẻ và cầu nguyện tài lộc đầu năm. Đến nay, chợ lá vẫn giữ nguyên nét mộc mạc và bình dị, tạo thành nét rất riêng của người dân Tây Ninh.

* Bác sĩ Bùi Quốc Thái - được xem là người sáng lập chợ lá, cho biết: “Chợ này có từ lâu lắm rồi, từ khi phòng khám của tôi ở thị trấn Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh thành lập. Ban đầu chỉ là nấu cơm phát miễn phí mọi người, rồi từ từ phát triển quy mô”.

Bác sĩ Thái cho biết, hàng năm ông đều bỏ kinh phí hỗ trợ cho phiên chợ lá. Tuy nhiên, ông không tiết lộ con số cụ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.