Thời sự

Đời nữ gác chắn chốn Sài thành

14/10/2014, 06:36

Bất kể trời mưa, giông tố bão bùng, hay nắng như thiêu đốt, đêm hôm khuya khoắt… họ vẫn đều đặn ra đường làm nhiệm vụ, đem đến sự an toàn cho mỗi chuyến tàu qua lại…

Chị Phan Thị Thế với 21 năm kinh nghiệm nghề gác chắn được giao trọng trách làm tại gác chắn Bà Xếp, một trong những địa điểm phức tạp nhất hiện nay
Chị Phan Thị Thế với 21 năm kinh nghiệm nghề gác chắn được giao trọng trách làm tại gác chắn Bà Xếp, một trong những địa điểm phức tạp nhất hiện nay

Lo nhất đêm khuya thanh vắng

Nghe tiếng chuông điện thoại đổ dồn, chị Thế vội vã lao ra ngoài đường để làm nhiệm vụ. Và khi tiếng còi tàu nhỏ dần, đoàn tàu khuất xa trong đêm, chị trở về trạm với nụ cười nhẹ nhõm, chuyến tàu đã bình an chạy qua nơi gác chắn.

Chị Phan Thị Thế, sinh năm 1971 là công nhân Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn. Trong bốt gác nhỏ giữa cái se lạnh của màn đêm, người phụ nữ gác chắn tàu từng nhận danh hiệu 15 năm “Kiện tướng an toàn” kể: “Đêm đầu tiên đi làm tôi phải bảo ông xã đi theo vì… sợ ma. Sau bao nhiêu năm làm đêm, giờ đã quen, không sợ ma nữa mà chỉ sợ đám thanh niên nghiện hút, trộm cắp”.

Ông Nguyễn Văn Thái Hòa, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện trên địa bàn TP HCM có 21 trạm gác chắn, trong đó có gần 180 lao động nữ làm nghề gác chắn.

Địa điểm gác chắn phức tạp nhất là tại trạm Phạm Văn Đồng (Gò Vấp) vì đường ngang rộng tới 105m nên một ca trực điều động đến 9 công nhân. Số công nhân gác chắn phần lớn đến từ các tỉnh phía Bắc.

Hiện công ty có được 6 phòng lưu trú dành cho những người độc thân và có hoàn cảnh khó khăn ở miễn phí. Ngoài ra, công ty hỗ trợ mỗi công nhân 50 nghìn đ/tháng và lắp truyền hình cáp miễn phí.

Gác chắn đường ngang Bắc Bà Xếp nơi chị Thế làm là một trong những địa điểm phức tạp bởi thanh niên thường tụ tập hút chích trên cầu hàng đêm. Chị thường xuyên bị đám thanh niên đó làm phiền, khi thì xin nước uống, lúc xin đồ ăn, thậm chí cả xin tiền. Chị bảo, dù đồng lương ít ỏi nhưng chúng xin tiền vẫn phải cho. Cũng phải khéo nói, lựa lời mới có thể yên ổn mà làm.

Một ngày làm việc 12 tiếng, điều làm những nữ gác chắn như chị Thế chạnh lòng không phải vì sự vất vả của công việc mà bởi thường xuyên bị chửi, thậm chí còn bị đánh bởi một số người thiếu ý thức muốn mở gác chắn tàu để đi nhanh, bất chấp sự hiểm nguy rình rập.

Chị Thế thủng thẳng: “Nếu không yêu nghề thì không trụ nổi với nghề gác chắn này. Bởi công việc làm đêm vất vả, có con nhỏ lại càng khó khăn hơn. Nhớ thời điểm năm 1994, lương chỉ được 270 nghìn đồng/tháng, chả đủ sống. Cực quá, tôi đã xin nghỉ làm để học nghề may. Nhưng mới được 6 tháng, lại nhớ da diết tiếng còi tàu và tiếp tục xin trở lại làm việc”.

Ngồi một ngày chờ tàu với chị, tôi mới thấy công việc không nhàn nhã như nhiều người nghĩ. Mỗi chuyến tàu đi qua chỉ mất chừng 5 phút để hạ gác chắn. Thế nhưng, chỉ cần sơ sẩy một phút là ảnh hưởng đến tính mạng của biết bao nhiêu người. Kinh nghiệm 21 năm trong nghề đã dạy chị Thế không được chủ quan dù một giây.

Chị nói: “Công việc của người gác chắn lo nhất là đêm khuya thanh vắng, mà ngồi một mình rất buồn ngủ. Những lúc như thế, tôi phải uống thật nhiều cà phê và phải đi lại nhiều lần trong trạm cho tỉnh. Ngồi nhàn rỗi nhưng đầu óc rất căng thẳng, chỉ khi nào hết ca làm lúc ấy tinh thần mới thoải mái”.

Làm cái nghề này, không ít lần chị Thế tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn đường sắt thương tâm. “Nhiều năm trước, tôi đã khủng hoảng tinh thần khi chứng kiến cảnh hai mẹ con nhảy vào đường ray tự tử. Một vụ khác là một thanh niên do say rượu đã lao thẳng vào gác chắn và ngã văng vào tàu đang chạy. Sau vụ tai nạn này tôi phải xin nghỉ một tuần mới lấy lại được tinh thần.

Chị Nguyễn Thị Thế, chồng mất được nửa tháng thì sinh con, hiện chị phải bế con ra trạm gác vừa làm vừa trông
Chị Nguyễn Thị Thế, chồng mất được nửa tháng thì sinh con, hiện chị phải bế con ra trạm gác vừa làm vừa trông

Những phận đời long đong

Trong số những người phụ nữ đang ngày đêm miệt mài làm nghề gác chắn, có lẽ chị Phan Thị Thế còn là người may mắn. Những lúc đêm hôm vất vả, chị còn được chồng con đỡ đần. Sau những giờ phút căng thẳng, về đến nhà, chị còn được sự chia sẻ của gia đình.

Trong gian phòng chừng 20 m2 của khu nhà lưu trú dành cho công nhân độc thân và có hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Thế sinh năm 1984 đang dỗ đứa con trai 8 tháng tuổi khóc ngằn ngặt trên tay. Chồng chị đã mất đột ngột ngay khi đang trên đường về quê chuẩn bị chăm sóc vợ sinh.

Ánh mắt buồn xa xăm, chị Thế nói: “Hai bố con chưa được nhìn thấy mặt nhau. Đẻ xong chẳng được bao lâu, tôi quyết định ôm con trở lại Sài Gòn làm việc kiếm sống. Ông bà hai bên nội ngoại đã già, hoàn cảnh khó khăn không trông nom được. Giờ mỗi ngày, hai mẹ con lại ôm nhau ra trạm gác chắn, vừa làm vừa trông con. Cuộc sống của hai mẹ con tất cả chỉ trông vào vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng”.

Cùng phòng với chị Thế, chị Dương Thị Lan cũng có con nhỏ gần hai tuổi. Hoàn cảnh của hai mẹ con chị Lan cũng chẳng kém chị Thế. Chồng chị bị đi tù do gây ra một vụ tai nạn. Căn nhà ở quê dù đã phải bán đi cũng chả đủ 120 triệu bồi thường cho gia đình nạn nhân. “Giờ hai mẹ con chỉ biết tần tảo rau cháo mà sống thôi. Cũng chả còn cách nào khác”, chị Lan nói...

Thông cảm với hoàn cảnh của chị Lan, những công nhân cùng khu nhà lưu trú dù khó khăn song thỉnh thoảng cũng quyên góp tiền, đỡ đần chị chút sữa cho cháu nhỏ.

Trong khu nhà lưu trú không chỉ có chị Thế, chị Lan mà còn rất nhiều phận nữ gác chắn có hoàn cảnh rất khó khăn. Với những nữ công nhân độc thân, họ chỉ mong ước có một mái ấm gia đình. Tuy nhiên, do công việc phải làm đêm cùng với sự tự ti về điều kiện hoàn cảnh, họ không có nhiều cơ hội như những phụ nữ khác.

Đỗ Loan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.