Đường sắt

Dự án đường sắt 7.000 tỷ chạy đua về đích

19/06/2021, 06:30

Chỉ còn nửa năm nữa, dự án đường sắt vốn trung hạn 7.000 tỷ đồng phải hoàn thành và đưa vào khai thác, các nhà thầu đang chạy đua từng ngày.

img

Công nhân sàng dầm cầu đường sắt Km 1.034+517

Chỉ còn nửa năm nữa, dự án đường sắt vốn trung hạn 7.000 tỷ đồng phải hoàn thành, đưa vào khai thác. Các nhà thầu đang chạy đua từng ngày để tháo gỡ khó khăn, đưa dự án về đích cuối năm 2021.

Dồn lực thi công

Trên công trình xây dựng cầu Km 1034+517 tuyến đường sắt Bắc - Nam (thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) những ngày gần đây, hàng chục công nhân, cán bộ kĩ thuật, giám sát tất bật chuẩn bị, để ngay khi có lệnh phong tỏa tàu là tiến hành sàng dầm ngay.

Đại diện Ban QLDA đường sắt chia sẻ, đây là cây cầu đầu tiên của gói thầu XL-CY-09 (Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM thuộc gói trung hạn 7.000 tỷ đồng). Nếu sàng dầm thành công sẽ mở màn cho cả gói thầu bao gồm 13 công trình cầu được “thuận buồm xuôi gió” về đích.

“Chúng tôi huy động 30 công nhân làm đường hai đầu cầu và 20 công nhân lao dầm, chưa kể các cán bộ quản lý, kỹ thuật và thiết bị để sàng dầm an toàn”, vị đại diện này cho hay, với sự tập trung cao độ của hàng chục con người, cầu mới đã được lắp vào vị trí cầu cũ trong khoảng thời gian rất ngắn.

Việc nối ray trên cầu với ray chính tuyến 2 đầu cầu được làm khẩn trương. Hết giờ phong tỏa, chuyến tàu hàng đầu tiên chầm chậm qua cầu an toàn trong tiếng vỗ tay, reo hò hân hoan của anh em công nhân trên công trường.

Thông tin thêm, ông Trần Quốc Đoàn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - nhà thầu chính gói thầu 09 cho biết, đây là cây cầu đầu tiên trong 13 công trình cầu thuộc gói thầu này hoàn thành.

Để có thể đảm bảo tiến độ, không chỉ tập trung nhân lực, máy móc thi công tại hiện trường, công ty còn đẩy nhanh sản xuất các kết cấu thép, dầm thép để đưa đến hiện trường lắp dựng cầu kịp thời. Đối với 12 công trình cầu còn lại, đều đáp ứng tiến độ đã được phê duyệt.

Được biết, không chỉ gói thầu 09, với năng lực, kinh nghiệm của đơn vị xây lắp hàng đầu lĩnh vực đường sắt, nhất là trong xây dựng cầu, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 cùng các nhà thầu liên danh đã trúng nhiều gói thầu xây lắp các dự án gói 7.000 tỷ đồng như: Gói 03 Dự án Hà Nội - Vinh, Gói 20 Dự án Nha Trang - Sài Gòn và các gói xây lắp Dự án cầu yếu.

Trong đó, gói thầu 06 Dự án cầu yếu được triển khai từ tháng 6/2020. Trải qua giai đoạn rất khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19 liên tục bùng phát và 2 tháng bão lũ liên miên cuối năm 2020 tại khu vực miền Trung song với nỗ lực tháo gỡ, đẩy tiến độ của nhà thầu cùng các đơn vị liên quan, đến nay gói thầu đã hoàn thành 95% khối lượng và sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ hợp đồng được ký kết với chủ đầu tư. Các dự án khác cũng sẽ lần lượt cán đích trong năm 2021.

Tại ga Hảo Sơn (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), trong cái nắng gắt của miền Trung, tàu công trình với thiết bị, vật tư thi công và cán bộ, công nhân đã sẵn sàng, chuẩn bị lên đường vào thi công sửa chữa hầm Babonneau (khu vực Đèo Cả) cách ga khoảng 4km.

Sau lệnh phong tỏa đường, tàu vào hết hầm và “tách” các toa xe đúng vị trí cần thi công, công nhân nhanh chóng chạy đua với thời gian, ai vào việc nấy: Khoan lỗ neo, lắp đặt neo, đục bê tông vỏ hầm...

Anh Trần Quang Dần, Phó phòng Điều hành dự án 1 Ban QLDA 85 cho biết, công trình này thuộc gói thầu 12 (Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, thuộc gói 7.000 tỷ đồng), thực hiện cải tạo, gia cố hầm Babonneau tại Km 1.226+814 tuyến đường sắt Bắc - Nam.

“Đây là hầm dài nhất khu vực với chiều dài 1.198m. Hầm được xây dựng từ thời Pháp, qua hơn 100 năm khai thác, đến nay bị phong hóa nặng, đe dọa an toàn chạy tàu”, anh Dần nói.

Để thi công hầm, bắt buộc phải phong tỏa chạy tàu nhưng mỗi lần tối đa chỉ được 4 giờ. Trong khi đó, thời gian kéo tàu công trình vào, ra khỏi khu vực phong tỏa, cộng với thời gian chuẩn bị thi công cũng mất cả giờ, dẫn đến thời gian thi công thực tế nhiều nhất cũng chỉ được 3 giờ.

"Khó nhất khi thi công hầm này là phải đào đá vòm hầm để đảm bảo thông số chiều cao. Đá này cường độ chịu nén trên 1.200, rất cứng, dày từ 20 - 40cm, nhưng lại phải đào cục bộ, không được phá toàn bộ nên rất mất thời gian”, anh Dần nói.

Rốt ráo gỡ tiến độ

img

Công nhân bơm vữa vòm hầm Babonneau

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Uy, Trưởng phòng Điều hành dự án 1, Ban QLDA 85 cho biết, tổng giá trị thực hiện của các gói thầu thuộc Dự án Vinh - Nha Trang tính đến cuối tháng 5/2021 đạt khoảng 45,7% so với tổng giá trị hợp đồng đã ký và đạt 95% so với kế hoạch.

Về công tác giải ngân, năm 2020 dự án đã giải ngân được hơn 384 tỷ đồng, đạt gần 100% kế hoạch. Tính từ đầu năm đến nay được hơn 175 tỷ đồng, đạt 95,4%.

“Hiện nay, công tác GPMB còn nhiều khó khăn do vướng mắc tại các vị trí đường găng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án như: Các hạng mục đường gom, hàng rào, mở ga mới”, ông Uy cho hay.

Đối với 3 dự án còn lại thuộc gói 7.000 tỷ đồng do Ban QLDA đường sắt làm chủ đầu tư, đại diện Ban cho biết, đến nay 3 dự án vẫn đang khẩn trương triển khai và đã đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, Dự án Hà Nội - Vinh có 6/8 gói, với tổng số 27 mũi thi công trên toàn tuyến, tổng sản lượng thi công là 42,6%. Dự án Nha Trang - Sài Gòn có 8/9 gói, với tổng 39 mũi thi công, tổng sản lượng đạt được là 25%.

Dự án cầu yếu cả 11/11 gói thầu xây lắp đang triển khai thi công và nỗ lực cố gắng đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2021.

Tuy nhiên, cả 3 dự án vẫn có các gói thầu, công trình đang chậm tiến độ do không có mặt bằng thi công. “Các dự án trải dài trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có phạm vi, diện tích, khối lượng GPMB nhỏ, phân tán và thực hiện tại nhiều địa phương nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn”, đại diện Ban QLDA đường sắt cho hay.

“Đến nay, chỉ còn 6 tháng để hoàn thành các dự án, chúng tôi đang phải tăng cường nhân sự, bám sát hiện trường để phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB.

Chúng tôi cũng chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn tập trung, ưu tiên đối đa các nguồn lực, sớm hoàn thành thi công các hạng mục công trình trên chính tuyến để sớm bàn giao đưa vào khai thác”, đại diện Ban QLDA đường sắt nói.

Tổng giải ngân của 3 dự án: Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn, Cầu yếu từ trước đến nay đạt khoảng hơn 1.668/5.198 tỷ đồng (đạt 32,1%). Trong đó, dự án Hà Nội - Vinh hơn 419 tỷ đồng; Dự án Nha Trang - Sài Gòn gần 615 tỷ đồng; Dự án Cầu yếu hơn 633 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.