Giao thông

Dự án PPP hụt doanh thu, Nhà nước bù đắp bao nhiêu?

08/11/2019, 15:52

Đây là một trong những nội dung của dự thảo Luật PPP sắp được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến.

img
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi tọa đàm

Cấp thiết ban hành Luật PPP

Hôm nay (8/11), phát biểu tại buổi tọa đàm: “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau nhiều năm triển khai, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đã có sự đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH, đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông trên cả nước.

“Trước bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, những năm qua, ngành GTVT đã huy động được khoảng 210.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, BT”, Thứ trưởng Nhật thông tin.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những mặt tích cực, các dự án BOT giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát, đánh giá để xử lý các tồn tại.

“Trong hai năm 2018 - 2019, chúng tôi đã tiếp 125 đoàn thanh tra, kiểm toán. Các cơ quan liên quan đã ban hành 121 kết luận thanh tra, kiểm toán về các dự án BOT giao thông”, Thứ trưởng Nhật nói và cho biết, hiện nay, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, hạn chế trong thời gian qua khi triển khai các dự án BOT.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, nguyên nhân dẫn tới các tồn tại, bất cập của dự án BOT giao thông trong thời gian quan xuất phát từ việc khung pháp lý cao nhất của hình thức đầu tư mới chỉ dừng ở các nghị định, thông tư, chưa có một văn bản cấp luật đủ mạnh. Vòng đời của một dự án BOT giao thông thường kéo dài khoảng 10-15 năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng lại chưa có luật cho hình thức đầu tư này là hạn chế rất lớn.

“Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, việc sớm ban hành Luật về PPP để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là vấn đề rất cấp thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

img
Theo dự thảo Luật PPP, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật PPP lại quy định: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Không áp dụng bảo lãnh cho mọi dự án PPP

Liên quan đến Luật PPP, tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, dự thảo Luật PPP do Bộ KH&ĐT xây dựng đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Dự kiến, ngày 11/11, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tại hội trường.

Theo ông Trương, dự thảo Luật PPP gồm 11 chương và 102 điều, trên cơ sở kế thừa các quy định tốt đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định 63/2018, đồng thời bổ sung một số chính sách, định hướng mới về lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư dự án, cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, các cơ chế đảm bảo của Chính phủ,…

Đặc biệt, liên quan đến các cơ chế bảo lãnh của Chính phủ trong dự thảo Luật PPP, ông Trương cho biết, nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét hai cơ chế: Bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

“Các cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt quan trọng, trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành cấp Trung ương, không áp dụng tràn lan cho mọi dự án PPP”, ông Trương nói.

Cụ thể, đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại dự thảo Luật, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét cơ chế chia sẻ rủi ro theo hướng: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng; Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế đã thảo luận nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật PPP, nhất là cơ chế chia sẻ rủi ro, sự bình đẳng giữa nhà nước với nhà đầu tư, nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP,…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.