Chuyển động Quốc lộ 1 - 14

Du lịch, dịch vụ “lên ngôi” (Kỳ 3)

03/06/2015, 09:25

Dự án nâng cấp mở rộng đường HCM qua Tây Nguyên tạo cơ hội cho ngành du lịch dịch vụ phát triển.

71

Dự án đường HCM qua Tây Nguyên là động lực phát triển ngành du lịch nơi đây (Trong ảnh: Du khách tham quan Bản Đôn, Đắk Lắk) - Ảnh: Ngô Vinh

Hấp dẫn ngành du lịch

Tây Nguyên cũng là vùng đất lý tưởng cho du lịch, bởi có điều kiện thuận lợi để tạo nên những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn, thông qua khai thác cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử và di sản văn hóa tộc người; nơi dồi dào tiềm năng du lịch sinh thái với hệ thống hồ, thác, khu hệ động thực vật và nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hòa mát mẻ, thích hợp với loại hình nghỉ dưỡng.

Vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề với các dự án lớn vào Đắk Lắk như: Dự án Khu du lịch đèo Hà Lan, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng 218 ha do Công ty TNHH Lụa và Kim Hoàn Hiện Đại đăng ký.

Để tạo đà cho du lịch phát triển, Bộ GTVT đã quyết định đầu tư nâng cấp từ vốn dư đường HCM.

Đơn cử như tuyến đường vào ngục Tố Hữu dài gần 11 km, hoàn thành cuối năm 2014, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử và tri ân của người dân đối với những người có công với cách mạng.  Nếu như trước kia phải mất ít nhất 6 giờ, thì nay người dân chỉ mất khoảng 2,5 giờ từ TP Kon Tum vượt 150 km lên ngục Tố Hữu.

Bà Nguyễn Hoàng Dung, Giám đốc Công ty TNHH Lụa và Kim Hoàn Hiện Đại chia sẻ: “Khi tuyến đường HCM mới được đầu tư, nâng cấp mở rộng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nên tôi đã quyết định sẽ xúc tiến đầu tư Dự án phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng tại đèo Hà Lan (TX Buôn Hồ) nơi có đường HCM đi qua, là con đường cốt lõi dẫn đến khu du lịch, tạo cho khu du lịch hai mặt tiền. Khu du lịch sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh đến với Đắk Lắk”.

Tại Gia Lai, việc phát triển du lịch trong những năm vừa qua có thể nói là “chìm” so với lợi thế vốn có. Hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc như Jarai, Banar vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi…

Cũng từ khi đường HCM trở nên khang trang, Công ty TNHH MTV Hoàng Vân đã mạnh dạn đầu tư vào du lịch. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Vân, Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Vân, chia sẻ: “Trước đây, đường lầy lội, dốc núi quanh co, nhiều du khách muốn đến Gia Lai tham quan du lịch cũng không dám đi. Đường HCM hoàn thành, đường đẹp, thuận tiện cho việc đi lại, tự nhiên du khách sẽ đến”.

Cũng nhờ nắm bắt nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của người dân, công ty Du lịch Hoàng Vân cũng đã mạnh dạn đề xuất UBND tỉnh Gia Lai đầu tư hình thành liên khu du lịch cạnh đường HCM đoạn xã La Tiêm (Chư Sê). Hiện công ty đang đầu tư nhiều hạng mục du lịch nghỉ dưỡng trên diện tích gần 23 ha, với số vốn 80 tỉ đồng. Theo ông Vân, khi hình thành, đây sẽ là khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách trong tỉnh và thập phương. Ông Vân khẳng định: “Đường HCM là một tiêu chí lựa chọn để khách du lịch quyết định đến với Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Cũng chính điều này đã giúp tôi mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này”.

Nhiều mặt hàng giá thành giảm

Ông Bùi Quang Hòa, Phó giám đốc siêu thị Co.opmart - Buôn Ma Thuột chia sẻ, cung đường đã tạo cho chúng tôi rất nhiều thuận lợi, thời gian vận chuyển hàng hóa rút ngắn đi rất nhiều. Trước đây, xe chở hàng về Đắk Lắk tầm khoảng 5h sáng, có khi tới 10h trưa nhưng bây giờ khoảng 2 đến 3h sáng là hàng hóa đã tới nơi. Trước đây, do thời gian vận chuyển hàng hóa lâu nên chúng tôi liên tục phải đặt hàng dự trữ, mất rất nhiều thời gian. Vì vậy số lượng tồn kho nhiều dẫn đến vốn “chết”.

Theo ông Hòa, sau khi đường HCM đưa vào khai thác, giá dịch vụ vận chuyển giảm, rất nhiều mặt hàng bán ra từ siêu thị cũng giảm theo. So với cùng kỳ năm 2014, hầu hết các mặt hàng bán ra từ siêu thị Co.opmart trên các tỉnh Tây Nguyên đều giảm từ 3-10%.

“Thời gian gần đây, hàng hóa được cập nhật nhanh, không cần đặt hàng dự trữ khiến số vốn dự trữ hàng giảm 20%. Chúng tôi không còn vốn “chết” nên số lượng hàng hóa cập nhật nhiều, đa dạng mặt hàng đáp ứng tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân nên kinh doanh có lãi”, ông Hòa vui mừng nói.

Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương tại trung tâm thương mại Gia Lai cho biết: “Trước kia chúng tôi mua hải sản từ Đà Nẵng mang lên mất 12 tiếng, khiến nhiều chuyến cá mú ươn hết. Nhưng năm nay đường HCM đẹp, chỉ cần 8 tiếng là đã có. Hơn nữa, giá thành hải sản cũng giảm hơn năm trước khoảng 5%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.