Thế giới

Đưa quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đâu chỉ chống IS

29/08/2016, 08:25
image

Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng, máy bay chiến đấu sang Syria với mục đích đẩy lùi khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hinh anh
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ kéo sang biên giới Syria ngày 27/8

Cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng, máy bay chiến đấu sang Syria với mục đích đẩy lùi khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khiến tình hình Syria vốn "rối như canh hẹ" lại thêm loạn và ảnh hưởng không nhỏ tới cục diện chống khủng bố…

Ngăn người Kurd lập khu tự trị

Hôm qua (28/8), sân bay chính tại TP Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) bị tấn công bằng bốn quả rocket vào trạm kiểm soát của cảnh sát bên ngoài phòng chờ VIP, khiến hành khách và nhân viên náo loạn tìm chỗ trú. Khi thủ phạm vụ tấn công còn là ẩn số, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ngay thủ phạm không ai khác ngoài lực lượng người Kurd với động cơ trả đũa.

Diyarbakir là thành phố lớn nhất nằm ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đông đảo người Kurd sinh sống và người Kurd liên tiếp tấn công chống chính phủ trong suốt ba thập kỷ trở lại đây. Hơn nữa, vụ tấn công sân bay trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa mở cuộc tấn công quân sự vào Syria nhằm đẩy lùi IS; Nhưng đồng thời ngăn chặn người Kurd tại Syria chiếm thêm đất đai, áp sát biên giới.

Cùng ngày, các nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các cuộc không kích và pháo kích vào các mục tiêu do Đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát ở miền Bắc Syria đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, 50 người khác bị thương.

Theo Reuters, nhiều khả năng tới đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng mở rộng lực lượng. Bởi chỉ sau ba ngày chiến dịch, nước này đưa tới 50 xe tăng và 380 quân nhân sang Syria. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ khi kéo quân sang Syria lần này chủ yếu “nhổ gai” người Kurd, chứ không phải IS. Bởi, lực lượng người Kurd sẽ nổi lên sau khi IS bị đẩy lui. Nếu chiếm thêm đất đai dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd sẽ tăng cường thêm sức mạnh cho Đảng Lao động người Kurd (PKK), vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Theo giới phân tích, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn việc một khu tự trị của người Kurd ở Syria được thành lập. Ông Aron Lund, chuyên gia về Syria tại Trung tâm Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế đánh giá: “Vấn đề người Kurd dường như đang đứng đầu các vấn đề cần giải quyết ở Syria của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan. Viễn cảnh PKK thành lập một khu tự trị có nguồn thu từ dầu mỏ và được Mỹ hậu thuẫn ở biên giới là cơn ác mộng đối với Ankara”.

Trước đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố "sẽ không tha thứ cho bất kỳ thực thể của người Kurd tại khu vực biên giới”.

Mỹ rơi vào thế khó xử

Người Kurd chiếm khoảng 15% dân số Syria, không đứng về phe Chính phủ hay phe đối lập kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ năm 2011. Thay vào đó, họ tập trung xây dựng các thể chế bán tự trị và đến tháng 3/2016 tuyên bố thành lập “khu vực liên bang” gồm “3 bang” ở phía Bắc và Đông Bắc Syria.

Theo Reuters, bất cứ hành động nào chống lại các lực lượng người Kurd tại Syria đều đặt Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vào thế khó xử vì YPG hay SDF (Lực lượng dân chủ Syria - Liên minh các tay súng Arập và YPG) đều có sự hỗ trợ từ chính đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ là Mỹ và NATO, với mục đích chống IS. Phát ngôn viên YPG Redur Xelil nói: “YPG là lực lượng người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ không thể áp đặt những hạn chế với bước tiến của người Syria trên lãnh thổ của họ”.

Việc các đồng minh của Mỹ cùng mục tiêu chống khủng bố IS “đấu đá” lẫn nhau sẽ khiến chiến dịch của Washington rối loạn cũng như làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Trước đó, Mỹ vốn đã vật lộn để cân bằng hai đồng minh, giữa các lực lượng người Kurd tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có vẻ về phe Thổ Nhĩ Kỳ khi ông dằn mặt SDF sẽ mất trắng sự ủng hộ của Mỹ nếu không tôn trọng cam kết rút quân về phía Đông.

Mặt khác, động thái kéo quân sang Syria của Ankara dường như đã phá hỏng nỗ lực giải quyết xung đột tại Syria mà Mỹ và Nga đàm phán suốt nhiều tháng trước. Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng qua biên giới Syria, các bên đàm phán hoà bình Syria đã gần đạt được thoả thuận ngừng bắn mới sau 12 giờ đàm phán căng thẳng tại Geneva hôm 26/8.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.