Hồ sơ tài liệu

Đức, Pháp “mất kiên nhẫn” với Ukraine, Ấn Độ, Pakistan “bắt tay” Nga

12/07/2015, 09:42

Đức, Pháp đề nghị Ukraine trao quyền tự trị một phần cho ly khai, Ukraine yêu cầu Nga cứu trợ Donbass bằng tàu hỏa.

an-7661-1436591148
Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngoài cùng bên trái, và Tổng thống Pháp Francois Hollande, ngoài cùng bên phải, được coi là hai lãnh đạo tích cực nhất hỗ trợ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng (Ảnh: AP)

Đức, Pháp đề nghị Ukraine trao quyền tự trị một phần cho ly khai

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bất ngờ đề nghị Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trao cho phe ly khai miền đông nước này quyền tự trị một phần, theo VnExpress.

Bà Merkel và ông Hollande trong cuộc điện đàm hôm qua đã đề xuất ông Poroshenko nên tiếp tục quá trình cải cách hiến pháp của Ukraine, "đặc biệt nhấn mạnh dự thảo Hiến pháp cần nêu quy định tự trị cho các khu vực Donetsk và Lugansk", Telegraph dẫn lời ông Poroshenko cho biết.

Văn phòng của Tổng thống Pháp Hollande và thông báo của Đức đều xác nhận thông tin này. Telegraph nhận định thông điệp mới này đánh dấu một dấu hiệu mới về sự "mất kiên nhẫn" của châu Âu với tình hình chiến sự dai dẳng ở miền đông Ukraine.

Ấn Độ, Pakistan gia nhập tổ chức an ninh với Nga và Trung Quốc

1
Tổng thống Putin bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị SCO ở Nga hôm qua. (Ảnh: AP)

Ấn Độ và Pakistan bắt đầu gia nhập tổ chức an ninh khu vực tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc và Nga đứng đầu, sau hội nghị thượng đỉnh dài hai ngày do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì.

SCO nhóm họp tại thành phố Ufa của Nga ngày 9/7 cho biết lời mời gia nhập đối với hai quốc gia châu Á Ấn Độ và Pakistan thể hiện một thế giới "đa cực" đang nổi lên. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng việc mở rộng là bàn đạp để SCO trở thành một trong những tổ chức năng động nhất thế giới.

Việc bổ sung thêm Ấn Độ và Pakistan, hai láng giềng có trang bị vũ khí hạt nhân, cũng có thể dẫn giúp làm giảm mâu thuẫn giữa New Delhi và Islamabad nhiều năm qua. Hai bên đã nhất trí trong một cuộc gặp riêng rằng ông Modi sẽ thăm Pakistan vào năm sau.

Ukraine yêu cầu Nga cứu trợ cư dân Donbass bằng tàu hỏa

Theo TTXVN, Kiev đã gửi văn bản tới Bộ Ngoại giao Nga, yêu cầu Moskva thay đổi hình thức vận chuyển hàng cứu trợ tới vùng Donbass: Sử dụng tàu hỏa thay xe tải.

Theo một nguồn tin ngoại giao tại Kiev, văn bản này đã được chuyển tới phía Nga trong khuôn khổ cuộc gặp mới nhất của Nhóm tiếp xúc về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Đây được xem là phản ứng quyết liệt của Kiev trước việc Nga thường xuyên thực hiện các đợt cứu trợ nhân đạo bằng đoàn xe tải của Trung tâm Xử lý Tình huống Khủng hoảng Quốc gia (EMERCOM) thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga.

Ông Alexander Cherenko - Phó Chủ tịch Khối Poroshenko, cáo buộc: Các đoàn xe EMERCOM thường chở về Nga mang theo nhiều tài sản quốc gia của Ukraine mà không được sự đồng ý của chính quyền Kiev. Về phần mình, Nga khẳng định chỉ thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo đơn thuần, giúp đỡ người dân miền Đông gặp hoạn nạn.

Đức muốn Hy Lạp rời Eurozone trong vòng 5 năm

BTTC-uc---120715-0093a
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (phải) tại cuộc họp của nhóm Eurogroup ngày 11/7. Đức là một trong những nước có quan điểm cứng rắn về việc để Hy Lạp rời Eurozone (Ảnh: DW)

Bộ Tài chính Đức vừa đưa ra đề xuất tạm rút Hy Lạp khỏi Eurozone trong 5 năm, sau khi các nhóm Eurogroup chưa đưa ra được quyết định về gói cứu trợ thứ 3 cho Athens. Đây là “cái tát” giáng mạnh vào chính phủ Hy Lạp sau những nỗ lực vào phút chót của nước này.

Theo Dân Trí, nguồn tin trên cho biết mặc dù đề xuất của Đức không được đưa ra thảo luận chính thức tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone ngày hôm qua (11/7) nhưng lại được trao đổi sôi nổi ở kênh không chính thức.

IS dùng xe ủi nghiền nát hơn chục dân thường

25782dab-3697-421c-840e-d34bdeee9581-1436618154831
Một tên khủng bố IS ngồi trên xe ủi nã đạn về lực lượng quân đội chính phủ Iraq (Ảnh: Press TV)

Những tên khủng bố Takfiri thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (IS) đã lái xe ủi nghiền chết ít nhất 10 dân thường ở TP Mosul, Iraq.

Press TV dẫn lời nguồn tin địa phương (giấu tên) cho biết đêm 10/7, những phần tử cực đoan IS trói khoảng 10 người đàn ông trên con đường gần tòa nhà hành chính của thành phố, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km. Sau đó, những tên giết người man rợ này điều khiển xe ủi tiến và lùi nhiều lần nghiền nát cơ thể các thường dân xấu số.

Nguồn tin cho biết thêm các nạn nhân bị hành hình do bị các tay súng Takfiri thuộc IS cáo buộc có tư tưởng chống đối, phối hợp các lực lượng chính phủ Iraq, để lộ thông tin về nơi ẩn náu của tổ chức khủng bố.

Trong một diễn biến khác, ngày 11/7, cuộc không kích của Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu của IS khi đang chỉ đạo cuộc họp và hơn 30 tay súng, gần biên giới Afghanistan và Pakistan.

Cơ quan tình báo Afghanistan cho biết, các cuộc không kích được tiến hành tại tỉnh Nangarhar. Hiện giới chức Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này.

Nhật cảnh báo bị Trung Quốc theo dõi

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng cơ sở khai thác khí tự nhiên đang được xây dựng trên biển Hoa Đông vào mục đích an ninh, theo Người lao động.

Trước ủy ban đặc biệt về luật an ninh quốc gia của hạ viện hôm 10/7, ông Nakatani nói: “Trung Quốc có thể dùng cơ sở này làm nơi hoạt động cho trực thăng hoặc máy bay không người lái dùng để do thám. Ngoài ra, có khả năng Bắc Kinh lập hệ thống radar trên đó”.

Đầu tuần này, chính phủ Nhật xác nhận Trung Quốc bắt đầu xây cơ sở khai thác khí từ năm 2013 ở phần biển nằm giữa vùng đặc quyền kinh tế của 2 nước trên biển Hoa Đông. Theo đài NHK, Tokyo từng nhiều lần phản đối hoạt động trên của Bắc Kinh.

Triều Tiên có bộ trưởng quốc phòng mới

110715TrieuTien
Ông Pak Yong-sik (trái) bên cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Yonhap)

Truyền thông quốc gia Triều Tiên ngày 11/7 công bố một tướng 4 sao là tân Bộ trưởng Quốc phòng, ba tháng sau khi người tiền nhiệm của ông này được cho là bị thanh trừng và xử tử. Hãng thông tấn KCNA nhắc đến tướng Pak Yong Sik là "người đứng đầu Bộ Lực lượng Vũ trang Nhân dân" trong một bản tin về cuộc hội đàm giữa giới chức Triều Tiên và chính phủ Lào. Trước đó, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho hay ông Pak gần đây xuất hiện trong đoàn tùy tùng của nhà lãnh đạo Triều Tiên tại nhiều sự kiện lớn, làm dấy lên nghi ngờ ông đã được bổ nhiệm vào chức vụ trên.

Bão Chan-Hom đổ bộ Trung Quốc, một triệu người sơ tán

Theo CCTV, bão Chan-Hom có sức gió 162 km/h khi đổ bộ vào thành phố Chu Sơn. Giới chức Chiết Giang cho biết tỉnh này có thể đối mặt với thiệt hại kinh tế 314 triệu USD, trong đó nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hơn một triệu người từ tỉnh Chiết Giang và Giang Tô phải sơ tán. Ngoài việc đóng cửa trường học và tạm dừng các chuyến bay và tàu hỏa, hơn 51.000 tàu phải quay trở lại cảng. Tại Thượng Hải, tất cả các chuyến bay tại sân bay quốc tế Phố Đông và Hồng Kiều đều bị hủy.

Chan-Hom có thể là cơn bão tháng 7 mạnh nhất từng đổ bộ Chiết Giang kể từ năm 1949, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết. Bão cũng gây mưa lớn tại Thượng Hải, An Huy, Phúc Kiến và Giang Tô.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.