Xã hội

"Dùng bằng giả Đại học Đông Đô để thăng tiến cũng là dạng tham nhũng"

26/11/2020, 13:25

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc sử dụng bằng giả để nâng ngạch, nâng bậc lương cũng có thể coi là hành vi tham nhũng ngân sách.

img
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về hành vi "Giả mạo trong công tác". Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Theo kết luận điều tra, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2, bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) và đồng phạm đã tuyển sinh và cấp bằng cho hàng trăm trường hợp mà không cần phải học.

Đáng chú ý, Cơ quan An ninh điều tra xác định, trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Có 60 người đã sử dụng bằng trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều người bày tỏ sự bất bình trước hành vi sử dụng bằng giả của các cán bộ, công chức, viên chức trong vụ việc này.

Trao đổi với Báo Giao thông, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng những cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả cần phải được xử lý nghiêm minh.

“Tiến thân bằng sự dối trá (sử dụng bằng giả) là hành vi không thể chấp nhận được, hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức trắng trợn mà có thể vi phạm cả pháp luật”, ông Nhưỡng nói.

Theo ông Nhưỡng, bằng cấp là thể hiện trình độ năng lực của mình. Nếu cán bộ, công chức, viên chức đi mua bằng, hoặc được cấp bằng mà không cần phải học, thì đương nhiên các vị này phải hiểu rõ, đó là sự sai phạm. Thế nhưng, các cán bộ, công chức, viên chức này vẫn sử dụng những bằng đó để nâng ngạch, nâng bậc lương, thì cũng có thể coi là hành vi tham nhũng ngân sách.

"Bởi chính vì có tấm bằng giả đó mà những người này đã được hưởng lương cao hơn so với khi chưa có bằng giả”, ông Nhưỡng phân tích.

Đại biểu Quốc hội đoàn Bến Tre cho rằng, những cán bộ, công chức, viên chức sử dụng những tấm bằng giả để "chui sâu và leo cao" cần phải loại ngay khỏi ra bộ máy công quyền. Đồng thời, cần công khai danh tính của những cán bộ, công chức, viên chức đã sử dụng bằng giả trong vụ việc này.

"Không có vi phạm nào mà lại không thể công khai, chính vì thế những vị công chức, viên chức mà sử dụng bằng giả, bằng không đúng quy định thì phải được công khai danh tính để cho người dân được biết và lên án. Việc công khai danh tính cũng là bài học để cho những kẻ đã và đang có ý định sử dụng bằng giả, bằng không đúng quy định để thăng tiến".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.