Quản lý

Đừng đánh tráo bản chất ứng dụng gọi xe

17/04/2019, 09:00

Phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để đặt xe là công cụ tốt để bán sản phẩm chứ không phải là loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.

img
Grab đón trả khách trên phố Thái Thịnh, Hà Nội. Ảnh: Tạ Tôn

LTS: Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải. Đáng lưu ý, tại dự thảo lần thứ 8 này, Bộ GTVT phân định rõ hơn sự khác biệt giữa xe hợp đồng và xe taxi. Tuy nhiên, cả 2 loại xe này sẽ phải gắn mào khi hoạt động trên đường. Báo Giao thông đăng bài viết của ông Văn Công Điểm, đại diện Công ty Phương Trang - doanh nghiệp cũng đầu tư phần mềm gọi xe VATO để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Không phải và không thể là loại hình kinh doanh vận tải mới

Công ty Phương Trang chúng tôi cũng là đơn vị đầu tư cho phần mềm gọi xe VATO. Phần mềm này ứng dụng công nghệ thông tin để đặt xe. Đây là công cụ hữu ích để quản lý, tiếp thị, bán sản phẩm vận tải, nhằm giúp hành khách thuận lợi hơn để tiếp cận dịch vụ vận tải trong thời đại công nghệ 4.0. Nhưng chúng tôi cho rằng, tuyệt đối đây không phải và không thể là loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới.

Tại Phán quyết của Tòa Công lý châu Âu (ECJ) ngày 20/12/2017 về trường hợp của Uber - một doanh nghiệp kinh doanh tương tự như Grab, đã phán quyết phương thức hoạt động của Uber là “dịch vụ trong lĩnh vực vận tải” chứ không đơn thuần là phần mềm ứng dụng kết nối. Thực tế, hoạt động tại Việt Nam, Grab đã trực tiếp kinh doanh, trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón trả khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng/giảm giá bán, tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến, xử phạt các tài xế có hành vi vi phạm Quy chế do Grab đặt ra.

Vì thế, các cơ quan chức năng ở cả địa phương và Trung ương như: UBND TP Hà Nội, TP.HCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính,… đã đề nghị quản lý Grab như loại hình kinh doanh vận tải taxi. Qua vụ Vinasun kiện Grab, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân TP HCM cũng khẳng định “có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi”.

Cho nên, Bộ GTVT quyết đưa loại hình kinh doanh xe khách dưới 9 chỗ như mô hình của Grab là loại hình taxi, đúng với thực tiễn khách quan và được sự đồng thuận cao trong ngành vận tải.

Lâu nay, các ứng dụng đặt xe, gọi xe như Grab không muốn coi là đơn vị kinh doanh vận tải taxi nhằm bảo vệ lợi ích riêng của họ, đặc biệt là muốn trốn tránh trách nhiệm với lái xe, với nhà nước và với khách hàng, kể cả trốn thuế.

Qua vụ Vinasun kiện Grab, Tòa án nhân dân TP.HCM đã chỉ rõ, Grab không thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động, mà cụ thể là các lái xe. Tòa án đã kiến nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét trách nhiệm của Grab trong vấn đề này.

Làm xe hợp đồng dễ dàng trốn thuế. Tại cuộc họp ngày 8/4/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thẳng thắn cho rằng, hoạt động xe hợp đồng hiện nay khá lộn xộn. Quy định pháp luật đã có, nhưng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để lách luật, để chạy và mục tiêu cuối cùng là tạo lợi nhuận.

Trong vụ Vinasun kiện Grab, Hội đồng xét xử cũng kiến nghị “khả năng làm thất thu thuế theo mô hình hoạt động của Grab là rất cao”.

Nhà nước được lợi

Trong 2 năm liền 2017-2018, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 15467/BTC-TCT ngày 15/11/2017 và Văn bản số 7121/BTC-TCT ngày 15/6/2018 đưa Grab vào diện kiểm soát thuế trọng điểm và diện có rủi ro thuế cao. Trong kỳ kinh doanh từ năm 2014-2016, Grab chỉ nộp thuế cho Nhà nước 9,5 tỉ đồng, nhưng năm 2017 số tiền nộp thuế của Grab tăng lên 198 tỉ đồng và dự kiến năm 2018 nộp thuế 500 tỉ đồng. Rõ ràng đây là yếu tố tích cực, Nhà nước được lợi. Trong năm 2017, từ chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục Thuế TP HCM đã thanh tra và xử phạt truy thu thuế của Uber hơn 66 tỉ đồng.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải kiến nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục siết chặt về thuế trong kinh doanh vận tải. Cụ thể, kiến nghị Bộ Tài chính quy định kiểm soát chặt chẽ thuế của loại hình xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.

Kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính đưa loại hình xe hợp đồng, xe du lịch vào diện phải kê khai giá cước vận tải. Kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ GTVT quy định kiểm soát chặt dữ liệu của các doanh nghiệp sử dụng phần mềm điện tử nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, đóng thuế đầy đủ.

Về mức thuế đối với mô hình hoạt động như Grab, kiến nghị Tổng cục Thuế áp ngay mức thuế khoán 4,5% (Thuế GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%) trên doanh thu vận tải là giá cước vận tải sau mỗi chuyến đi. Grab có trách nhiệm thu hộ, khai và nộp thuế thay.

Đề xuất cả xe hợp đồng và taxi đều phải gắn mào

Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải. Đáng lưu ý, tại dự thảo lần thứ 8 này, Bộ GTVT phân định rõ hơn sự khác biệt giữa xe hợp đồng và xe taxi. Tuy nhiên, cả 2 loại xe này sẽ phải gắn mào khi hoạt động trên đường.

Bộ GTVT quy định taxi được sử dụng phần mềm để tính tiền. Với xe gắn đồng hồ, phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Với taxi tính tiền theo phần mềm, trên xe phải có thiết bị kết nối với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Kết thúc chuyến đi, phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử cho hành khách và Tổng cục Thuế. Xe taxi này phải có phù hiệu “TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “TAXI” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm.

Dự thảo Bộ GTVT xây dựng cũng quy định cụ thể hơn về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, xe này phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “XE HỢP ĐỒNG” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông.

Trần Duy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.