Điện ảnh

"Đừng để Luật điện ảnh biến nhà làm phim thành tội phạm"

03/10/2021, 10:22
image

Đây là phát biểu của đạo diễn Phan Đăng Di sau khi "Vị" và một số bộ phim "đa quốc tịch" gặp trở ngại vì các điều khoản của Luật điện ảnh.

"Vị" và bài toán về phim "đa quốc tịch"

Những ngày qua, thông tin ê-kíp Việt Nam bao gồm đạo diễn Lê Bảo, nhà sản xuất quyết định từ bỏ quyền sở hữu bộ phim "Vị" gây xôn xao dư luận. Bên cạnh Việt Nam, phim còn có Singapore, Pháp, Đài Loan... hợp tác. Hiện, bộ phim thuộc quyền sở hữu chính của Singapore.

img

Một cảnh trong phim "Vị"

Trước đó, "Vị" đã đoạt Giải đặc biệt của Ban giám khảo trong hạng mục Encounters ở LHP Berlin 2019. Ngày 28/9 vừa qua, phim tiếp tục thắng Giải thưởng lớn cùng 600.000 Đài tệ (khoảng 500 triệu đồng) ở hạng mục Cuộc thi tài năng mới quốc tế của LHP Đài Bắc 2021.

Giới làm phim thừa nhận, việc "Vị" từ bỏ quốc tịch là điều chưa từng có tiền lệ đối với điện ảnh Việt. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra dấu hỏi về vấn đề pháp lý đối với các bộ phim "đa quốc tịch".

Trước đó, trả lời Báo Giao thông, ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, "Vị" là bộ phim hợp tác với nhiều ê-kíp nước ngoài sản xuất, nhưng ban đầu ê-kíp không nộp kịch bản cho hội đồng duyệt. Do đó, phim đã vi phạm Luật Điện ảnh.

Ông Thành cho biết thêm, sau khi ê-kíp phim "Vị" tại Việt Nam thông báo từ bỏ quyền sở hữu, phía Cục cũng yêu cầu nhà sản xuất giải trình toàn bộ công việc sản xuất phim này như thế nào vì trong hồ sơ gửi đến Cục chỉ ghi đây là phim Việt Nam, do Công ty Lê Biên sản xuất năm 2019.

img

Ông Vi Kiến Thành Cục trưởng Cục Điện ảnh

Một vấn đề khác phim "Vị" đang phải đối mặt là việc phim "đa quốc tịch" (bên cạnh Việt Nam còn có Singapore, Pháp, Đài Loan...) nhưng ban đầu không nộp kịch bản cho hội đồng duyệt. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhận định nếu vậy, phim đã vi phạm Luật Điện ảnh.

Trong quá khứ, phim "Ròm" ban đầu từng là dự án của ê-kíp Việt Nam. Sau đó, phim được nhà sản xuất Bảo Nguyễn (người Mỹ gốc Việt) tham gia với vai trò nhà sản xuất khi phim đang làm hậu kỳ. Tuy nhiên, khi "Ròm" gửi bản phim để duyệt, nhà sản xuất nước ngoài phải rút tên để tránh việc phim bị coi là vi phạm.

Cần thay đổi luật đối với phim hợp tác quốc tế

Thực tế, việc kiểm duyệt với phim, kịch bản nước ngoài đã được giới làm phim nhắc đến ở Ai góp ý giơ tay lên 1 diễn ra vào chiều 26/9.

img

Ê-kíp sản xuất của Mỹ phải rút tên khỏi dự án "Ròm" ngay trước khi gửi đi duyệt

Theo đó, đạo diễn Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Huy, Trần Thanh Huy… đồng quan điểm cho rằng, chúng ta nên đơn giản hóa thủ tục thẩm định cấp phép.

Cụ thể là cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài muốn đến ghi hình, làm phim tại Việt Nam. Điều này được cho là tháo gỡ nút thắt để hấp dẫn các nhà làm phim ngoại hơn.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành lại cho rằng, ý kiến này mới chỉ nhìn ra điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư sản xuất phim. Đứng ở góc độ nguồn lợi kinh tế thúc đẩy nền điện ảnh thì điều đó đúng là cởi mở hơn.

Song xét ở góc độ an ninh, vấn đề tư tưởng thì điều đó lại ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Việc thẩm định kịch bản là để chúng ta kiểm soát được nội dung bộ phim, tránh để xảy ra những “lỗ hổng” về vấn đề nội dung tư tưởng.

Người đứng đầu Cục điện ảnh lấy ví dụ thêm: "Trong quá khứ, có dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết họ nói về một gia đình sống ở đó nhưng Sơn Đoòng lại là của một nước khác chứ không phải của Việt Nam. Rồi có phim nói đến sự kiện lịch sử nhưng sai lệch hết cả, nếu như chúng ta không thẩm định trước kịch bản thì làm sao ngăn chặn được".

img

Đạo diễn Phan Đăng Di

Đến tọa đàm Ai góp ý giơ tay lên 2 diễn ra vào chiều 2/10, đạo diễn Phan Đăng Di kiến nghị rằng, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần thay đổi để "đừng biến người làm phim đột nhiên trở thành người vi phạm pháp luật", bởi việc hợp tác sản xuất quốc tế sẽ ngày càng phổ biến trong quá trình làm phim.

Theo đạo diễn "Bi, đừng sợ", điện ảnh phát triển, chúng ta vẫn cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng cơ chế hiện tại rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ tiền. Quá trình duyệt kịch bản rất mất thời gian và họ phải rời đi

"Có những người tìm cách du di, lách luật để giúp nhà làm phim nhưng tôi nghĩ đó không phải là cách tốt. Trước đây, luật chưa hoàn thiện nên phải du di, nhưng không một nhà làm phim nào muốn rơi vào tình thế như vậy", đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói.

Do đó, đạo diễn Phan Đăng Di kiến nghị "xóa bỏ yêu cầu duyệt trước kịch bản cho phim hợp tác nước ngoài hoặc có nhân sự nước ngoài, thay vào đó để các hãng sản xuất ký cam kết phim không vi phạm các điều cấm của pháp luật Việt Nam".

Được biết, Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) chính thức được trình lên Quốc hội vào tháng 10/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.