Thời sự

Đừng để những ước mơ dang dở

10/11/2014, 11:19

Đã nhiều lần dự lễ cầu siêu hoặc trai đàn bát độ giải oan… nhưng chưa lần nào tôi có nhiều cảm xúc và suy ngẫm như lần dự Đại lễ cầu siêu này.

Các tăng ni cầu nguyện cho người ra đi
Các tăng ni cầu nguyện cho người ra đi ngày 11/9

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trên đất nước ta mỗi ngày có khoảng 25 người chết vì TNGT, nghĩa là ngay trong khi Đại lễ này đang diễn ra, đâu đó trên các nẻo đường đất nước, TNGT vẫn đang tiếp tục xảy ra.

Là một Phật tử, tôi hiểu đây là một lễ cầu cho những hương linh không may thác oan vì TNGT được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. Có hay không chuyện này thì tùy niềm tin của mỗi người. Nhưng hôm qua, dưới sân chùa Vĩnh Nghiêm (TP HCM) hàng nghìn tăng ni, phật tử và trên lễ đài, quý Chư tôn Hòa Thượng, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia… đang hành lễ cầu cho “âm siêu, dương thái” với không khí trang trọng. Quanh tôi, có rất nhiều thân nhân nạn nhân TNGT đang chắp tay trước ngực cầu nguyện cho hương linh người thân họ, tất cả có chung một nét mặt phảng phất buồn.

Anh Quyền (cho phép tôi được đổi tên vì không muốn khơi gợi lại nỗi đau của anh) ở quận Tân Phú đến rất sớm, trong lúc chờ đến giờ hành lễ, anh chia sẻ: “Cả năm nay vợ chồng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, không tin đó là sự thật”. Vợ chồng anh từ một vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi, đem đứa con trai duy nhất vào TP HCM với một mong muốn mỏi mòn là cho con thoát kiếp nghèo cố hữu.

Anh thì làm thuê đủ việc, chị thì lượm ve chai, bán vé số… bòn từng đồng bạc cho con trai được tới trường. Ngày cháu đậu đại học, anh chị mừng đến rớt nước mắt. Ngờ đâu, chiều ấy, cháu tới trường dự buổi chia tay với bạn bè cùng lớp rồi mãi mãi không trở về với anh chị vì một chiếc xe đông lạnh vội vã chạy giao hàng…

“Cháu đã ra đi khi ước mơ của mình mới hé mở, để lại cho vợ chồng tôi một nỗi đau chất ngất, tôi đến đây để cầu nguyện cho cháu được siêu thoát”, anh Quyền rớm nước mắt.

Câu chuyện của anh Quyền làm tôi nhớ về tình cảnh người chị họ mình. Chị tôi tật nguyền ở chân nên lấy chồng muộn. Nghĩ rằng từ nay chị có chỗ dựa ai cũng mừng. Ai ngờ khi diện kiến chồng chị, ai cũng ỉu xìu vì anh là người khiếm thị nặng. “Trời có mắt”, thấy anh chị sống trong cảnh nghèo mà sinh được một cháu trai kháu khỉnh, lành lặn, ai cũng mừng. Nhà nghèo không có tiền ăn học như người ta, hết cấp hai cháu tự nghỉ học đi học nghề.

Thông minh, lanh lẹ, ba năm sau cháu đã trở thành thợ chính làm cửa sắt. Lương hàng tháng kha khá, cháu dành dụm để thực hiện ước mơ của cha mình là mổ mắt cho cha thấy mặt người thân một lần, anh nói vậy. Tết năm ấy trên đường cầm tiền thưởng về nhà, định bụng ra Giêng sẽ đưa cha đi chữa mắt, nhưng cháu đã mãi mãi không về vì hai chiếc xe khách tranh nhau đường.

Nghe tin con trai mất, anh rể tôi khóc thiếu đường lòi cả đôi mắt: “Con ơi, sao nỡ bỏ cha mẹ tật nguyền mà ra đi”. Chị họ tôi thì đêm đêm cứ ra nằm ôm mộ con mà kêu trời rồi trở thành kẻ ngớ ngẩn đến tận bây giờ.

Nếu đem hết những hoàn cảnh thương tâm do TNGT trên đất nước mình mà kể, không giấy bút nào viết xuể. Mỗi nạn nhân mỗi hoàn cảnh nhưng khi từ li cõi đời lại có chung một nỗi đau là: Đang trên đường thực hiện một công việc nào đó, hoặc đang hướng tới ước mơ thì thần chết ập đến, để cho câu chuyện cuộc đời họ phải dở dang. Người chết thì đã chết, nhưng nỗi đau của người còn sống khó mà nguôi ngoai, bởi có nỗi đau nào lớn hơn nỗi mất mát người thân.

Là một tài xế, từng bươn chải trên mọi nẻo đường kiếm sống, tôi cho rằng phần lớn lỗi từ các vụ TNGT là do con người. Những người lái xe phải luôn ý thức rằng mình đang điều khiển một nguồn nguy hiểm cao độ, chỉ cần sơ sẩy là gây họa cho người khác. Phải biết quý trọng hạnh phúc chính mình mới cảm nhận được nỗi đau mất mát của người khác. Chỉ mong tất cả mọi người hãy suy ngẫm và có những hành động thiết thực về trách nhiệm của mình trong ngày Đại lễ cầu siêu này.

Trần Kiêm Hạ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.