Đường sắt đô thị

Được gì sau 1 năm chạy metro Cát Linh - Hà Đông?

01/11/2022, 09:00

Sau 1 năm vận hành, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đã trở thành phương tiện đi lại hàng ngày của hàng chục nghìn người dân.

Nếu hệ thống kết nối được đầu tư mở rộng hơn nữa, phương thức đi lại này chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người tham gia giao thông bởi sự thuận thiện, an toàn, văn minh.

Chọn tàu điện vì thuận tiện, an toàn

img

Sau 1 năm chính thức vận hành thương mại, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được gần 7,3 triệu lượt hành khách. Ảnh: Tạ Hải - Đồ hoạ: Nguyễn Tường

Sáng 31/10, có mặt tại ga Yên Nghĩa lúc 7h15, PV Báo Giao thông chứng kiến ở khu vực thang máy, người dân ùn ùn xếp hàng di chuyển lên phía trên để sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Trong 15 ngày đầu chở khách miễn phí, mỗi ngày tuyến vận chuyển bình quân hơn 25.000 hành khách/ngày, chủ yếu là hành khách đi tham quan, trải nghiệm.
Từ ngày 21/11/2021, tuyến bắt đầu chở khách có thu vé theo kế hoạch vận hành đã được phê duyệt. Sau gần 2 tháng vận hành, đến cuối năm 2021 số hành khách đi tham quan, trải nghiệm trên tuyến đã giảm, tỷ lệ phân bổ hành khách tại các nhà ga cũng thay đổi: Tỷ lệ hành khách ở 2 ga đầu cuối Cát Linh và Yên Nghĩa chỉ còn khoảng 30% và phân bổ đều ra 10 ga giữa.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng hành khách đi tàu đã tăng khoảng 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội; đến cuối tháng 9/2022, bình quân vận chuyển hàng ngày trên 30.000 hành khách, tỷ lệ hành khách đi vé tháng bình quân trong ngày đạt trên 60%, giờ cao điểm hành khách sử dụng vé tháng chiếm 75 - 80%.

Các thao tác của hành khách với máy bán vé, quẹt thẻ đi tàu thuần thục, nhanh chóng. Tần suất 6 phút/chuyến (giờ cao điểm) nhưng trong khoảng từ 7h15 - 8h00, lượng người chờ đi tàu luôn đông nghẹt.

Ngay từ ga Yên Nghĩa chiều ngoại thành vào trung tâm thành phố, các khoang đã chật kín ghế ngồi. Tại đây, nhiều hành khách mang theo hộp cơm, xe đạp mini nhỏ, gấp lại để đi từ nhà đến ga tàu và đi từ ga cuối tới điểm cần đến.

Ở các ga dọc đường như: Hà Đông, Văn Quán, Phùng Khoang, Vành đai 3… đều đặn có hành khách lên/xuống.

Là khách ruột của tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông khoảng gần 10 tháng nay, chị Lý Thị Thu Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Từ ngày bỏ xe máy và sử dụng tàu điện để đi làm, tôi thấy thuận tiện, đi lại an toàn hơn nhiều. Quá trình ngồi trên tàu có thể thư thả làm việc bằng điện thoại, đọc báo, xem tin tức…

Trước đây cứ vội vã đi làm, suy nghĩ làm sao chen chân trong dòng phương tiện để đến cơ quan đúng giờ. Gặp ùn tắc là đến muộn, áp lực mệt mỏi… Nhờ có tàu điện, cứ 23 phút là từ ga đầu tới ga cuối để đến nơi làm việc”.

Tuy nhiên, chị Hương cho biết, các điểm trông giữ xe hiện nay vẫn chưa thuận tiện cho khách đi tàu. Bản thân chị phải gửi xe máy tại khu vực Bến xe Yên Nghĩa nhưng nhiều thời điểm chỉ hơn 7h sáng, nhân viên đã báo hết chỗ. Khi đó chị lại phải cuống cuồng tìm chỗ gửi ở các khu vực lân cận, vòng vèo rất mất thời gian.

Em Nguyễn Hải Đăng, sinh viên năm 3 Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn sau khi đã yên vị trên tàu bộc bạch, từ ngày đi học bằng tàu điện em không phải ở trọ tại trường.

“Trước đây do nhà cách trường khoảng hơn 30km nên em phải ở trọ. Giờ có tuyến tàu điện trên trục đường nên rất tiện, mỗi ngày em chỉ phải di chuyển từ nhà tới điểm gửi xe mất khoảng 10 phút, sau đó ngồi trên tàu điện hết khoảng 19 phút là tới trường học”, Đăng nói.

Dần hình thành văn hóa giao thông mới

img

Giờ cao điểm sáng, chiều hàng ngày, các toa tàu điện từ Yên Nghĩa về ga Cát Linh và ngược lại luôn chật cứng hành khách. Ảnh: Tạ Hải

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, từ ngày 6/11/2021 (ngày chính thức vận hành thương mại) đến hết ngày 31/10/2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, đã trải qua 360 ngày khai thác an toàn, vận chuyển được gần 7,3 triệu lượt hành khách.

Hiện, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000 - 28.000 lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 5.000 - 6.000 người.

Từ ngày 1/9/2022, đường sắt Cát Linh - Hà Đông khai thác với tần suất 10 phút chuyến với 6 đoàn tàu; giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu (lượng khách tăng khoảng 15%).

Ông Vũ Hồng Trường cho hay, tuyến đường sắt đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Đặc biệt, hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

“Bước đầu tuyến đường sắt đô thị đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến. Việc vận hành được thực hiện theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Hanoi Metro đã đưa ra”, ông Trường nhấn mạnh.

Phía cơ quan quản lý, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, về doanh thu vận tải hành khách trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 53 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu năm 2021 đạt hơn 5,3 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 47 tỷ đồng. Sản lượng và doanh thu vé tháng tăng trưởng qua từng tháng bình quân khoảng 20%, và có xu hướng tiếp tục tăng lên trong các tháng cuối năm 2022.

Tăng cường các tuyến buýt kết nối

Liên quan đến giao thông kết nối, ông Phương cho hay, đến nay đã bố trí 65 vị trí điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến; trong đó có bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm với cự ly các điểm dừng khoảng 400m; có 63 tuyến buýt kết nối dọc và kết nối ngang làm nhiệm vụ gom và giải tỏa hành khách cho tuyến đường sắt đô thị.

Riêng tại ga Cát Linh (điểm đầu tuyến) đã bố trí 16 tuyến buýt kết nối. Ga Yên Nghĩa (điểm cuối tuyến) có 18 tuyến buýt kết nối.

Ga có ít tuyến buýt kết nối nhất là ga Hà Đông với 6 tuyến. Các tuyến buýt, điểm dừng xe buýt được bố trí hợp lý để bảo đảm thuận lợi cho hành khách sử dụng với mục tiêu không để hành khách phải chuyển tuyến quá 1 lần trong hành trình.

Cơ quan này cũng điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt số 22, nhánh tuyến 22A (Bến xe Gia Lâm - Khu đô thị Trung Văn), tuyến số 38 (Nam Thăng Long - Mai Động) và tuyến 49 (Trần Khánh Dư - Nhổn); mở mới và đưa vào hoạt động 8 tuyến buýt kết nối và thông qua với tuyến đường sắt 2A trong đó có 3 tuyến buýt điện E02 (Hào Nam - khu đô thị Ocean Park) có điểm đầu ở ga Cát Linh; tuyến E01 (Bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park) cũng có lộ trình đi qua đường Nguyễn Trãi kết nối rất gần với ga Thượng Đình. Tuyến E09 (khu đô thị Smart City - đường Thanh Niên - Công viên nước Hồ Tây) có lộ trình đi qua đường Nguyễn Trãi và Ngã Tư Sở, thuận tiện để kết nối với ga Thượng Đình và ga Láng.

Cùng đó là 5 tuyến buýt gom khách, trong đó có 3 tuyến dùng xe buýt nhỏ nên phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua, đặc biệt là các tuyến phố có mặt cắt nhỏ, để làm nhiệm vụ gom khách và mở rộng vùng phục vụ cho đường sắt đô thị.

Theo khảo sát của PV, dù hiện tại đã có hơn 50 tuyến buýt với kích thước vừa, nhỏ vận hành để kết nối với nhà ga tàu điện nhưng do thiếu mặt bằng, thiếu cơ sở hạ tầng nên các ga của tuyến đường sắt trên cao vẫn chưa có địa điểm để các phương tiện dừng đón khách, trung chuyển khách.

Các điểm trông giữ phương tiện cá nhân tại các ga dọc tuyến cũng chưa cố định và thuận lợi. Tại khu vực ga đầu Yên Nghĩa, ga cuối Cát Linh đều có đơn vị được cấp phép thực hiện trông giữ phương tiện. Song, thực tế ở nhiều ga đi tàu khác đang bị hàng quán, điểm trông giữ xe bủa vây biến nơi đây thêm phần nhếch nhác, lộn xộn.

Sản lượng khách chưa cao vì vẫn là tuyến đơn độc

img

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Từ ngày vận hành đến nay mở thêm 8 tuyến buýt kết nối, trong đó có 3 tuyến buýt điện)

Theo TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt - Đức, việc ngày càng có nhiều người đi tàu điện trên cao cho thấy hành khách đã nhận ra sự ưu việt của loại hình vận tải mới này. Tuy nhiên, theo ông Tuấn do có một tuyến đơn độc nên số lượng hành khách thực tế vẫn thấp so mục tiêu đề ra.

“Theo công suất thiết kế, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, tương đương khoảng 80 triệu hành khách/năm, đáp ứng 55 - 60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến. Trong 3 năm đầu đi vào vận hành, Hanoi Metro đặt mục tiêu mỗi năm vận chuyển từ 30 - 40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50 - 60 triệu hành khách và có thể đạt 80 - 90 triệu hành khách/năm trong trung hạn. Với số lượng 26.000 - 32.000 khách khách/ngày như hiện nay, chưa giúp trục đường xóa được ùn tắc do các tuyến khác chưa vận hành và liên thông với nhau”, ông Tuấn phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Trường, nếu tuyến kéo dài lên tận Xuân Mai thêm 21,5km thì là dữ liệu như vậy, còn về sau đã điều chỉnh lại. Do đó 1 - 3 năm đầu công suất là 10 - 15 triệu hành khách/năm.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Tuyến đường sắt này được Bộ GTVT bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11/2021 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu.

Vé tàu được ngân sách thành phố Hà Nội trợ giá gồm các loại: Vé lượt (8.000 - 15.000 đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30.000 đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140.000 đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.