An ninh hình sự

Được gì sau hơn một năm thay đổi cơ chế chống tham nhũng?

07/05/2014, 07:12

Sau hơn 1 năm chuyển Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) từ Chính phủ phụ trách sang cơ quan T.Ư Đảng chỉ đạo cùng với việc tái lập Ban Nội chính T.Ư tiến độ điều tra...

Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm là vụ án tham nhũng lớn đang được xét xử
Vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm là vụ án tham nhũng lớn đang được xét xử


Những chuyến vi hành


Ngày 5/5, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc  về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được tổ chức với sự tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo PCTN từ T.Ư đến địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo PCTN T.Ư chủ trì hội nghị.


Ông Nguyễn Bá Thanh - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, Trưởng ban Nội chính T.Ư  cho biết, để thúc đẩy công tác đấu tranh PCTN, ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN đã tổ chức 7 đoàn công tác liên ngành do 7 thành viên Ban chỉ đạo là Trưởng đoàn làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng VKSND Tối cao, Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ và 11 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư (trực tiếp kiểm tra, giám sát tại 70 cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ngành và địa phương) trong việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.


Việc lãnh đạo cơ quan PTCN trực tiếp tham gia các phiên xét xử đại án tham nhũng là một nét mới được dư luận quan tâm. Cụ thể, sáng 15/1, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư đã một mình đến TAND TP HCM tham dự phiên tòa xét xử siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như. Lúc đầu ông ngồi xem qua màn hình. Chiều cùng ngày, ông Thanh đi thẳng vào khu vực làm việc của các thẩm phán và ngồi nghe xử tại đó. Trước đó, trong hai phiên tòa (cuối năm 2013 và đầu năm 2014) xét xử anh em Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) và Dương Tự Trọng (nguyên Đại tá, Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng), ông Thanh đều có mặt.


Xử nghiêm, án treo giảm


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; kiện toàn tổ chức các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương... Đồng thời đã chọn một số khâu vướng, việc khó để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: Phát hiện, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp... Kết quả, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tương đối rõ; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn; nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, đặc biệt là việc công khai đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.


Ông Nguyễn Hải Phong - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nhìn nhận chuyển biến trong công tác điều tra, xét xử án tham nhũng thời gian gần đây. Ông Phong cho biết, số vụ án tham nhũng phát hiện tăng 21 và tăng 38% về số bị can; tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng cũng khẩn trương hơn. Tỷ lệ người bị bắt, tạm giữ, chuyển khởi tố, điều tra bảo đảm chính xác. Riêng năm 2013, không có bị can nào bị đình chỉ điều tra do không chứng minh được tội phạm. 


Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao, việc phạt tù nhưng cho hưởng án treo và xử phạt cải tạo không giam giữ đối với nhóm tội phạm tham nhũng trong những năm trở lại đây đã giảm dần. Năm 2009: 249 vụ/714 bị cáo (chiếm 34,87%), năm 2012: 155 vụ/513 bị cáo (chiếm 30,21%), năm 2013: 151 vụ/552 bị cáo (chiếm 27,35%) và những tháng đầu năm 2014: 44 vụ/295 bị cáo (chiếm 14,91%). 

Minh Thành


Hôm nay tuyên án vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm


14h chiều nay (7/5), Hội đồng xét xử TAND Tối cao sẽ chính thức tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trước đó, ngày 22/4, căn cứ theo đơn kêu oan, xin giảm hình phạt của bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (nguyên TGĐ Vinalines) cùng 7 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản, TAND Tối cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines. Án sơ thẩm tuyên phạt tử hình đối với hai bị cáo Dũng và Phúc. 

 

Nguyễn Quý

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.