Văn hóa - Giải Trí

Được mất khi nghệ sĩ live-streaming

23/01/2018, 08:05

Nhiều nghệ sỹ đã có thể tạo ra lợi nhuận từ việc trình diễn văn hóa giải trí dưới hình thức live-streaming...

20

Khởi My và bạn diễn Kevin Khánh trong một buổi live-streaming

Sức hút 10 tỷ lượt người xem

Live-streaming là tính năng cho phép người dùng phát sóng trực tiếp hình ảnh thu được qua webcam lên mạng xã hội. Con số người phát sóng, hay streamer (người phát sóng) đang tăng cực nhanh trên toàn thế giới, với đủ mọi hình thức giải trí từ game cho tới ca hát, nhảy múa trực tuyến.

Người phát sóng điển hình có thể kể tới Pewdiepie, tên thật là Felix Kjellberg, với thành tích có 10 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Youtube (tức vượt cả những ca sĩ hạng A như: Justin Bieber, Rihanna). Ở trang YouNow, các ca sĩ như: Diana Jang, Emma McGann… có thể thu hút được 300-400 nghìn lượt xem/tháng nhờ hát trước màn hình. Cũng nhờ phát sóng trực tiếp mà qua trang web AfreecaTV, nhiều cô gái Hàn Quốc vô danh như Yoon Sso Won, Park Garin trở thành thần tượng triệu người xem nhờ các màn nhảy múa nóng bỏng trực tuyến.

Live-streaming là hoạt động phát sóng trực tiếp hình ảnh thu được qua camera lên mạng internet, thông qua trang web hoặc ứng dụng di động. Ban đầu giới hạn trong các trang web được thiết kế riêng cho việc này như Twitch, Azubu, AfreecaTV... Sau đó, một số trang lớn khác cũng thiết kế thêm tính năng live-streaming riêng như Youtube, Facebook...Streamer là người phát sóng, thực hiện hành động livestream. Cấp độ đơn giản là dùng smartphone có camera, kết nối mạng và truyền hình ảnh lên internet. Cao cấp hơn, có người dựng máy tính, webcam, micro thu âm để tăng chất lượng hình ảnh, âm thanh phát sóng.

Tại Việt Nam, trào lưu phát sóng trực tiếp cũng không quá mới mẻ. Dễ dàng kể ra vài cái tên từ game thủ như: Hoàng Văn Khoa (nickname Pewpew), Đặng Tiến Hoàng (nickname ViruSs) cho tới ca sĩ như Trần Huỳnh Như (nickname Như Hexi)… sở hữu trung bình khoảng 10 triệu khán giả theo dõi trên trang phát sóng phổ biến nhất hiện nay là CCTalk. Ở các địa chỉ khác như: IdolTV, 88sao, những cái tên như Kelly Trinh, Hồng Anh đều thực sự trở thành “idol” trong mắt hàng triệu khán giả internet. Đó là những người phát sóng kiểu giải trí phổ thông.

Còn trong giới giải trí chuyên nghiệp, live-streaming cũng đang nổi lên. Khán giả Mỹ không lạ gì với các màn lên sóng của nữ ca sĩ Katy Perry: Hát ca khúc mới, nhảy vũ đạo sắp ra mắt, chơi domino, tập yoga và thậm chí là ngủ. Người đẹp Taylor Swift cũng thường gây sốc với người hâm mộ khi vừa trò chuyện trực tuyến, vừa mò tới tận nhà fan hâm mộ đó.

Showbiz Việt không thiếu người áp dụng công thức này, điển hình là Đông Nhi. Giọng ca Vì ai vì anh thường chăm chỉ phát sóng trực tuyến vào khoảng 15h-17h, lôi kéo trung bình 400.000 người theo dõi. Ca sĩ Khởi My cũng thường lên sóng với lượng người hâm mộ tương tác khoảng 350.000 người mỗi lần. Các ngôi sao ca nhạc khác như: Noo Phước Thịnh, Tuấn Hưng… cũng là những gương mặt thường xuất hiện bằng cách này.

Trào lưu tiềm ẩn những điểm tối

Với bản chất phát sinh từ internet, trào lưu phát sóng về bản thân hoặc những sự vật mang theo cả những mặt lợi và hại. Trước hết, hoạt động này cho phép chủ thể tương tác với một số lượng khán giả mạng khổng lồ. Với những người chuyên ca hát, nhảy múa hay chơi game trên các website như: CCTalk, IdolTV, Twitch…, lượng người xem đông đồng nghĩa với tiềm năng kiếm lời khổng lồ từ treo quảng cáo. Công việc này, theo Hoàng Văn Khoa: “Một tài khoản phát sóng có chút tên tuổi trong giới thu nhập khoảng 5-15 triệu đồng/tháng, nổi hơn thì tới 20 triệu đồng. Top đầu vào mùa có thể kiếm 20-50 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng/tháng. Số đó không thường xuyên, đa số dao động trong khoảng 3-4 triệu/tháng”. Công việc này ở các nước châu Âu đem lại trung bình vài ngàn tới chục ngàn USD/tháng thu nhập, đỉnh cao là Pewdiepie từng đạt mốc 1,4 triệu USD/tháng.

Với giới showbiz chuyên nghiệp, tiềm năng của phát sóng trực tiếp nằm ở khả năng tương tác miễn phí. Các đêm diễn, giao lưu trực tuyến có thể tốn tiền trăm triệu trong khi các màn “lên sóng” lại có thể chỉ cần điện thoại và mạng internet mà vẫn hiệu quả khủng khiếp. Katy Perry từng lập kỷ lục với buổi phát sóng hút 49 triệu khán giả/190 quốc gia toàn thế giới hồi tháng 6/2017, bôi trơn tuyệt đối chiến dịch ra mắt album Witness.

Tháng 4/2016, nhóm nhạc Kpop SNSD tổ chức biểu diễn phát trực tuyến ở Seoul nhưng hút tới 1,57 triệu khán giả tại Trung Quốc theo dõi - một nửa số đó đến từ các tỉnh lẻ. Tương tự, khi nhìn vào những buổi tương tác của Đông Nhi, Khởi My, Noo Phước Thịnh ở Việt Nam dễ thấy lượng view rất ít khi nằm dưới 6 con số.

Hiển nhiên, lợi đi kèm hại. Những người phát sóng phổ thông phải tuân theo một lịch làm việc cực kì khắc nghiệt. Theo Hoàng Văn Khoa: “Một ngày bắt đầu từ 12h. Người phát sóng phải lên sóng từ chiều tới đêm muộn. Lên sáng sẽ không mấy ai xem vì đó là giờ đi làm, đi học. Họ có thể mất đi cuộc sống của người bình thường”. Ở nhiều nước khác, áp lực còn khủng khiếp hơn, điển hình như trường hợp anh chàng Brian Vigneault - chết hồi tháng 2/2017 do liên tục ngồi trước màn hình 22 tiếng đồng hồ không nghỉ.

Không đơn vị nào có thể kiểm soát hết hành động của người phát sóng trực tuyến và khán giả, do tất cả diễn ra sau màn hình máy tính. Vậy nên mới có đủ mọi hỉ nộ ái ố diễn ra. Theo nữ streamer Trần Thị Phương Uyên (nickname Uyên Pu), việc bị khán giả phàn nàn, chửi bới, gạ tình (với nữ giới) khi lên sóng là không thiếu: “Họ vô tư thóa mạ người xuất hiện trên màn hình, thậm chí lôi cả gia đình người ta vào. Có trường hợp gạ gẫm đi khách với mức giá cụ thể”. Ở chiều ngược lại, các buổi lên sóng cũng dễ chứng kiến những pha hớ hênh không thể sửa chữa của chủ thể.

Cách đây 1 tuần, nam ca sĩ  Noo Phước Thịnh đã gặp rắc rối khi để tuột điện thoại trong quá trình phát hình, để lộ thân dưới… chỉ mặc quần lót trước hàng trăm nghìn khán giả. Ngoài vô tình, cũng không thiếu những người phát sóng theo kiểu kinh doanh “vốn tự có” để câu khách chẳng kém gì showbiz. Nhức nhối nhất chính là ở Trung Quốc, tình trạng ăn mặc phản cảm, thậm chí quan hệ tình dục trên sóng diễn ra liên tục. Bức bối tới mức năm 2017, Bộ Văn hóa nước này phải ra dự thảo mới để kiểm soát, cấm sóng hàng loạt và lập lực lượng đặc biệt để dẹp nạn khiêu dâm trá hình trên internet.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.