Xã hội

Đường nối Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng: Làm rõ về trồng rừng thay thế

30/05/2023, 14:02

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần làm rõ thêm việc trồng rừng thay thế ở dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Cần rà soát lại các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (30/5), Quốc hội sẽ thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến Đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

img

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến Đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Đại biểu cho biết, dự án này cần đưa ra Quốc hội thảo luận bởi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Vấn đề liên quan đến chất lượng rừng đã được làm rõ, tuy nhiên, đại biểu đề nghị, trong Nghị quyết cần làm rõ thêm việc sẽ trồng rừng thay thế như nào.

Đề cập tới vấn đề phải trình Quốc hội việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, cơ sở dữ liệu, số liệu đánh giá, phần này không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về cơ sở này, đặc biệt là bảo đảm về giá trị, tính chính xác của các thông số.

Liên quan tới cơ chế đặc thù, đặc cách Quốc hội đang dự kiến giao tỉnh Khánh Hòa, đại biểu An đề nghị cần rà soát lại các dự án đã áp dụng cơ chế đặc thù.

"Quốc hội đã giao nhiều cơ chế đặc thù đối với nhiều dự án khác nhau, do đó cần phải có tổng kết, đánh giá để những cơ chế đó trở thành thông dụng. Qua đó, có thể áp dụng và sửa đổi quy định pháp luật", ông An nói.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Sẽ rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục

Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch quan trọng được xác định là dự án cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết chính của Bộ Chính trị.

Dự án này nếu được đầu tư hoàn thành sẽ tạo ra một trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây tỉnh Khánh Hòa, tiếp nối với trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, đồng bộ với mạng lưới đường giao thông theo hướng Đông - Tây của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.

Góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt từ tỉnh Khánh Hòa qua phía Tây tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, giúp mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ đối với hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa mà còn đối với các địa phương khác thuộc tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án đã được lên kế hoạch từ lâu, cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội, mang nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vùng dân cư tuyến đường đi qua.

Về hướng tuyến, cơ quan soạn thảo đã có nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp cảnh quan môi trường, đảm bảo ảnh hưởng, tác động ít nhất đến môi trường sinh thái, đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng trong khu vực, có phương án trồng rừng thay thế hợp lý đúng quy định.

"Đối với việc giải phóng mặt bằng, cơ quan hữu quan đã có rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định được đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc", ông Dũng nói.

Về cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án là 1.929,882 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2030 là 930 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án theo đề xuất của Chính phủ là từ năm 2022 đến năm 2027.

Dự án này cũng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy giao thương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của 2 huyện miền núi, trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh trên cả nước, với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo trên 45%.

Ngoài ra, dự án cũng góp phần tạo điều kiện chủ động về cứu hộ, cứu nạn, tăng cường an ninh, quốc phòng, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc cho khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tuy nhiên, Dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 59,95 ha rừng, bao gồm 32,88 ha rừng đặc dụng và 27,07 ha rừng phòng hộ đầu nguồn.

Theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Lâm nghiệp, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.