Quản lý

Đường sắt “ngắc ngoải” vì cơ chế mới

21/02/2020, 06:38

Vướng mắc trong việc giao vốn bảo trì là khó khăn lớn nhất hiện nay khi chuyển giao TCT Đường sắt VN về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.

img
Đến nay, các công ty bảo trì đường sắt đều chưa được ký hợp đồng bảo trì năm 2020, dẫn đến khả năng đường sắt buộc phải dừng chạy tàu nếu không có vốn

Nhiều vướng mắc phát sinh do sự thiếu đồng bộ của pháp luật khiến vấn đề chuyển ngược Tổng công ty Đường sắt VN từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về lại Bộ GTVT đang được “đặt lên bàn cân”.

Không có vốn bảo trì, đường sắt sẽ buộc phải dừng chạy tàu

Trung tuần tháng 2 vừa qua, người lao động Công ty CP Đường sắt Hà Thái xôn xao khi công ty có văn bản về việc, từ người công nhân trực tiếp như thợ duy tu, đến cấp trưởng, phó phòng tham mưu chỉ được tạm ứng lương từ 2-3 triệu đồng/tháng tùy theo chức danh, nhiệm vụ công tác. Trước quyết định này, người lao động rất lo lắng vì vốn dĩ lương đã thấp, giờ lại chỉ tạm ứng như vậy thì không có tiền trang trải cuộc sống, trong khi công việc vẫn phải thực hiện.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc công ty cho biết, ông buộc phải ra quyết định đó vì chưa có cơ sở để chi trả lương cho người lao động.

“Mọi năm Công ty chúng tôi cũng như 19 công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khác sẽ được Tổng công ty Đường sắt VN ký hợp đồng đặt hàng bảo trì từ cuối năm trước để triển khai thực hiện năm sau. Đây là cơ sở để các công ty được tạm ứng vốn hoặc tự ứng vốn trước rồi thanh toán sau, đồng thời dự kiến được sản lượng, doanh thu để tính toán lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay các công ty bảo trì đường sắt đều chưa được ký hợp đồng bảo trì năm 2020 nên không có cơ sở để tính lương”, ông Tâm nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, do năm 2020 Tổng công ty không được Bộ GTVT giao vốn dự toán ngân sách Nhà nước cho công tác bảo trì nên cũng không thể ký hợp đồng đặt hàng với các công ty bảo trì như những năm trước.

Lý do, theo các cơ quan chức năng, Tổng công ty không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, mà hiện đang trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nên theo quy định của Luật Ngân sách, Bộ GTVT không thể giao vốn dự toán ngân sách bảo trì cho Tổng công ty quản lý như trước kia.

“Thực ra, dù chưa được đặt hàng nhưng để duy trì trạng thái hạ tầng an toàn, để tổ chức chạy tàu, 20 công ty bảo trì này vẫn đang thực hiện công tác bảo trì, tuần gác đảm bảo an toàn. Nhưng như vậy là không đúng vì đã ai đặt hàng cho họ đâu? Chính vì không ai đặt hàng nên cũng không có tiền tạm ứng, không có tiền trả lương công nhân, không có tiền mua vật tư… Họ có vay ngân hàng thì ngân hàng cũng đòi hỏi hợp đồng. Tình trạng này không thể kéo dài được, đến hết quý I mà không giao vốn sẽ buộc phải dừng tàu”, ông Minh nói.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết, Bộ cũng đã có nhiều văn bản trình các cấp có thẩm quyền đề xuất và xin phê duyệt phương án tháo gỡ.

Gần đây nhất, Bộ GTVT đã có văn bản số 1071/BGTVT-KCHT ngày 11/2/2020 trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ những vướng mắc về quy định pháp luật, khó khăn trong cơ chế giao vốn bảo trì hàng năm sau khi Tổng công ty Đường sắt VN chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, trường hợp Tổng công ty Đường sắt VN không được giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản sẽ dẫn đến việc tổ chức duy trì trạng thái kĩ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong nhiệm vụ xây dựng, ban hành, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia…

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt VN.

Về lâu dài, Bộ GTVT đã chủ trì xây dựng “Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư”, hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó kiến nghị “Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép bộ GTVT được giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt VN đến hết năm 2025”.

Trái khoáy “đầu đi… chân ở lại”

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, vướng mắc trong việc giao vốn bảo trì là khó khăn lớn nhất hiện nay khi chuyển giao Tổng công ty Đường sắt VN về Ủy ban.

Tổng công ty Đường sắt VN dù hoạt động và kinh doanh chủ yếu trên hạ tầng của Nhà nước, nhưng hiện cơ chế giao hay khai thác hạ tầng như thế nào, chuyển nhượng hay cho thuê cũng chưa được xác định. Về vốn đầu tư thì phần lớn là của Nhà nước, kể cả đầu tư nâng cấp cải tạo và vốn đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng.

Theo Thứ trưởng Đông, vốn duy tu, bảo dưỡng hiện đang “kẹt” vì hiện các quy định pháp luật chưa đồng bộ dẫn đến việc chưa thể giao Tổng công ty. Trường hợp giao cho Cục Đường sắt VN là đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan này sẽ đặt hàng thực hiện nhiệm vụ công ích bảo trì với Tổng công ty hoặc các đơn vị duy tu đường sắt thì hiện theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế liên quan cũng chưa được xây dựng đồng bộ, vì thế rất khó trong triển khai thực hiện vốn duy tu bảo dưỡng.

“Điều này dẫn đến khó khăn trong duy trì hoạt động bình thường của Tổng công ty Đường sắt VN. Chính vì vậy, đã có ý kiến cho rằng đơn giản nhất là tạm thời chuyển Tổng công ty Đường sắt VN về Bộ GTVT quản lý trong giai đoạn chờ xây dựng hành lang pháp lý”, Thứ trưởng Đông nói.

Phía Tổng công ty Đường sắt VN, ông Vũ Anh Minh cho rằng, doanh nghiệp này thay mặt Nhà nước quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì chỉ chuyển doanh nghiệp với quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp về, còn hạ tầng vẫn đang do Bộ GTVT quản lý, dẫn đến tình trạng “đầu đi, chân ở lại”.

Trong khi đó, Luật Đường sắt quy định sự điều hành tập trung thống nhất đối với ngành Đường sắt. Khi không cùng một đầu mối như hiện nay thì dẫn đến nhiều khó khăn.

Theo ông Minh, khi thay đổi đại diện chủ sở hữu, hệ thống pháp luật phải được điều chỉnh, thiết kế đồng bộ. Hạ tầng phải được đưa về doanh nghiệp, gắn với doanh nghiệp. Khi đó, dù trực thuộc Bộ GTVT hay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, doanh nghiệp đều có thể phát triển cũng như thực hiện được đúng mục tiêu tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước, thay đổi mô hình quản lý vốn phân tán sang mô hình quản lý vốn tập trung như mục đích ban đầu chuyển doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

“Tuy nhiên, khi chuyển Tổng công ty về Ủy ban lại chưa thiết kế được đồng bộ hành lang pháp lý, dẫn đến vướng mắc ngay. Đầu tiên là gói 7.000 tỷ vốn trung hạn, dự kiến ban đầu sẽ giao Tổng công ty làm chủ đầu tư. Nhưng khi Tổng công ty chuyển về Ủy ban thì không được giao nữa vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Vốn bảo trì cũng chưa được quyết định. Vấn đề quan trọng là nếu hạ tầng bị ách tắc, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng ngay đến vận tải, không thể chạy tàu… ảnh hưởng đến mọi hoạt động SXKD bình hành của Tổng công ty”, ông Minh nói và cho rằng, nếu chuyển Tổng công ty về Bộ GTVT thì phải sửa danh mục trong Nghị định 131, còn nếu vẫn trực thuộc Ủy ban thì phải sửa các quy định pháp luật liên quan.

Báo cáo Thủ tướng vào đầu tháng 3

Trước những khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty Đường sắt VN, một số chuyên gia, ĐBQH đã đề nghị Chính phủ điều chuyển Tổng công ty Đường sắt VN từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã giao các Cục, Vụ liên quan rà soát, báo cáo đánh giá mọi mặt hoạt động sau khi Tổng công ty chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, ở tất cả các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng, tài chính, an toàn giao thông... Trên cơ sở đó Bộ GTVT mới có ý kiến chính thức về vấn đề này.

“Chạy tàu cũng sai, không chạy cũng sai”

Sáng 20/2, Tổ Công tác của Thủ tướng có buổi làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Tổ công tác cũng lắng nghe các tập đoàn và tổng công ty trình bày khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tại đây, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN báo cáo, hiện Tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và vướng mắc khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. “Đến hôm nay Tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Bên cạnh đó, nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi không ai giao nhiệm vụ. Để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, tôi đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai tôi chịu. Tôi ra văn bản cũng sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.